Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm sú... cùng đường
18 | 03 | 2009
Phá Tam Giang đang trở thành cái túi nước khổng lồ nuốt chửng cả trăm tỷ đồng của nông dân nuôi tôm sú. Điệp khúc lỗ liên tục đeo bám nông dân như bóng ma sau khi những hồ nuôi tôm đã đẩy vô số sổ đỏ, nhà đất, ruộng vườn...của dân vào két sắt ngân hàng.

Càng nuôi càng... chết

Thời điểm năm 2000, nuôi tôm sú ở TT-Huế được xem là nghề hái ra tiền. Nhà nhà đổ xô bỏ ruộng đào hồ nuôi tôm, nông dân các huyện ven phá Tam Giang không ngần ngại thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng “sống chết cùng tôm”. Thế nhưng khi diện tích các cánh đồng tôm lên đến hàng ngàn ha cũng là lúc nông dân vỡ mộng.

Ở huyện Phú Vang, xã Vinh Hà được xem là vựa tôm của cả huyện. Toàn xã có 365 ha nằm trải dọc theo13km bờ phá Tam Giang. Cùng thời điểm này như những năm trước dân nuôi tôm đã xuống vụ thả con giống nhưng năm nay theo thống kê của xã mới chỉ có 15% diện tích hồ nuôi được cải tạo. Ngồi thẫn thờ bên hồ tôm khô cạn ở cánh đồng Cồn Mồ đã quá hạn gần cả tháng trời mà chưa thể thả giống, nông dân Văn Hòa (52 tuổi) ở thôn 3 xã Vinh Hà thở ngắn than dài: “Thiếu đủ thứ chú à. Tiền công thuê người cải tạo hồ, tiền dầu bơm nước, tiền mua thức ăn, tiền giống...Có lẽ vụ này không ít nhà bỏ hoang”.

Đã từng là trùm nuôi tôm số một ở xã nghèo này ông Hòa sở hữu 5 hồ tôm với diện tích 2,5ha. Theo cách hạch toán của ông để nuôi được một ha tôm cho thu hoạch ngoài khoản tiền mua đất làm hồ khoảng 10 triệu còn lại phải đầu tư từ 12-14 triệu tiền giống, hơn 35 triệu tiền công cải tạo hàng năm, 30-40 triệu tiền thức ăn cho mỗi vụ…, tổng cộng cũng hàng trăm triệu đồng. Nếu bán với giá 60-700kg thì cho dù có được mùa mỗi vụ như vậy gia đình ông Hòa cũng “ném” vào tôm mất 30-40 triệu đồng. Điều đó lý giải tại sao chừng ấy năm nuôi tôm “tài sản” của gia đình ông là căn nhà lợp tôn rỉ sét và khoản nợ ngân hàng tròn 90 triệu đồng.

“Nuôi rồi lỗ, lỗ vẫn liều nuôi để mong gỡ gạc”, cái vòng luẩn quẩn không thể bứt ra kéo tất cả dân nuôi tôm mang hết tài sản thế chấp gõ cửa ngân hàng. Toàn bộ gia sản nhà nông cùng lắm cũng chỉ đầu tư được một vụ tôm rồi kiệt, không có tiền để tái sản xuất. Thành thử cứ sắp sửa đến vụ là các ngân hàng đóng tại những vựa tôm nườm nượp nông dân đến xoay tiền mua giống. Nhưng rồi ngân hàng cũng nản khi các chủ hồ nuôi không còn gì để thế chấp nên đành phải đi “vay nóng” bên ngoài với lãi suất cắt cổ 30%.

“Mặc dù phải tự xoay xở vốn nhưng hồi trước đến ngân hàng vay tiền đổ vào tôm dễ lắm bởi cuối vụ ít nhiều trả được phần nào. Chứ giờ ngân hàng cứ thấy dân nuôi tôm đến là họ sợ. Đi vay ngoài thì các chủ nợ cũng “chọn mặt cho vay”, chọn nhà nào có khả năng có trả vào cuối vụ”- ông Lê Văn Xanh- Hội trưởng hội nuôi tôm xã cười mếu. Nợ mới đè nợ cũ cho đến vụ năm nay đa số dân nuôi tôm cạn tiền mua giống. Và để có tiền trả lãi ngân hàng họ chỉ còn cách là…đi vay tiếp. Trong số 546 hộ nuôi tôm ở Vinh Hà chỉ duy nhất một hộ không phải cầm sổ đỏ để đi vay ngân hàng nhờ…nuôi ít. Tổng số nợ vì tôm toàn xã lên đến 18 tỷ đồng.

Với dân nuôi tôm ở TT-Huế, có hai địa chỉ là “thánh sống” mà đầu mùa và cuối mùa họ phải đi “lạy” là các trại giống và những đại lý thu mua. Đầu vụ nếu xoay được tiền thì các chủ hồ nuôi phải tự tìm vào tận Quảng Nam mua giống. Nhờ may mắn “độc quyền” đó các trại giống tha hồ hét giá. Năm ngoái mỗi kg tôm giống có giá 180 ngàn thì sang năm nay đã tăng lên 320 ngàn nhưng nông dân vẫn không có mà mua. Nuôi được con tôm đã khó, bán được còn khó hơn bởi “đầu ra” phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương.

Nuôi tôm như...buôn lậu

Nguyên nhân đẩy tôm sú đến đường cùng thì nhiều, nhưng theo nhiều lãnh đạo địa phương là do thiếu qui hoạch nuôi trồng. Trên cạn thì để hồ tôm tự do mở rộng, dưới nước không có sự sắp xếp khu nuôi trồng khiến phá ô nhiễm. Vùng phá Tam Giang ở xã Vinh Hà là một trong nhiều hồ chứa rác thải khổng lồ khi nguồn Truồi và cống Quan ngày đêm mang nước thải từ TP Huế đổ về. Lối thoát duy nhất cho nguồn nước thải này là ra biển. Nhưng nước vừa chảy chưa đến cửa Tư Hiền ở cảng Thuận An thì gặp triều lên tống quay trở lại. Không những thế cứ đến vụ lúa các hóa chất từ thuốc BVTV lại tràn ra phá cộng thêm rác sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân còn lênh đênh trên phá. Dùng nước đó nuôi tôm mà không bệnh mới là lạ.

Trước tốc độ đẻ nợ của những đồng tôm, UBND huyện Phú Vang đã có chính sách vận động nông dân nuôi xen ghép tôm với các loài cá. Chấp nhận thu nhập thấp nhưng an toàn hơn. Nếu có lỗ cũng không đáng kể.

Thế nhưng khi tôi đem quan điểm này bày tỏ với nông dân đều nhận được những cái khoát tay: “Làm như thế thì không đủ tiền trả lãi chứ chưa nói đến trả nợ ngân hàng. Phải chấp nhận liều thì may ra mới có cơ hội gỡ gạc”. Chuyển ý kiến đó đến lãnh đạo địa phương ai nấy đều thở dài: “Nông dân nuôi tôm giờ như con bạc khát nước. Có lẽ chỉ có phép màu họ mới tìm ra lối thoát”.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy-cán bộ thủy sản xã Phú Xuân lý giải: “Loài tôm rất khó tính và dễ bị dịch bệnh. Cho dù nông dân có xử lý hồ thế nào đi nữa rồi cũng phải bơm nước từ phá vào nuôi. Đó là nguyên nhân khiến trong vài năm trở lại đây diện tích đồng tôm nhiễm dịch ở TT-Huế liên tục tăng. Nơi nào được quy hoạch còn đỡ chứ nơi nào không quy hoạch thì có lẽ làm tôm muôn đời cũng không khá được. Dân nuôi tôm trong xã giờ đã nợ ngân hàng hơn 50 tỷ đồng”.

Điều họ cần nhất là một công trình bơm tiêu tạo sự lưu thông cho nguồn nước nhưng toàn huyện Phú Vang chỉ có một trạm bơm thủy lợi ở Vinh Hà lại không thể hoạt động vì…không có điện. Cũng vì không có hệ thống thủy lợi cho những cánh đồng tôm nên mỗi lần mưa lũ tràn về, nước phá nhiễm ngọt là nông dân lại thấp thỏm lo tôm chết. Đến lúc này nhiều nông dân đã quá sợ tôm bắt đầu nhớ những ruộng lúa ngày xưa. Trước đây nếu được mùa thì mỗi ha làm lúa cho thu hoạch thấp hơn nuôi tôm 8-10 lần.

Nhưng bây giờ khi nuôi tôm ngày càng lỗ thì làm lúa “ổn định hơn” nhờ có gạo ăn. Thành thử trước đây để nuôi tôm cần phải mua ruộng đào hồ, còn bây giờ có cho không ruộng nông dân cũng không còn dám màng đến tôm. Gặp những “con nợ” bên những cánh đồng tôm họ đều có chung ước muốn được làm ruộng như trước đây. Trớ trêu thay, ước mơ “quay về” đó có lẽ cũng không thể trở thành hiện thực khi đồng ruộng đã thành hồ tôm. Cả xã Phú Xuân chỉ còn lại vỏn vẹn 329 ha đất SXNN xấp xỉ với diện tích hồ tôm. Con số này ở xã Vinh Hà gần 800 ha. Nếu đem chia cho 2010 hộ thì mỗi hộ dân Vinh Hà chỉ còn gần 0,3 ha để sản xuất. Những thống kê đó gần như bịt hết lối quay đầu của nông dân nuôi tôm.

“Đã liều ba bảy cũng liều” biết nuôi là lỗ nhưng không còn cách nào khác họ vẫn phải bám trụ với phương châm “Nuôi tôm như buôn lậu, được ăn cả ngã về không”. Thực trạng đó không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ khi mà hướng giải quyết không nằm trong tay người dân.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường