Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người móc cống ra vàng
03 | 09 | 2008
Không một bằng cấp lận lưng vậy mà dám mày mò “làm khoa học”, nhà xưởng tin hin, vốn liếng còm cõi mà liều lĩnh quăng mình vào chốn thương trường, đang yên đang lành lại đùng đùng đi thế chấp căn nhà, vay lãi ngân hàng để chơi “canh bạc cuộc đời”, mà thế gian này có thiếu gì nghề, sao lại cứ nhất nhất đi… móc cống?
Không một bằng cấp lận lưng vậy mà dám mày mò “làm khoa học”, nhà xưởng tin hin, vốn liếng còm cõi mà liều lĩnh quăng mình vào chốn thương trường, đang yên đang lành lại đùng đùng đi thế chấp căn nhà, vay lãi ngân hàng để chơi “canh bạc cuộc đời”, mà thế gian này có thiếu gì nghề, sao lại cứ nhất nhất đi… móc cống?

Thôn Dương Liễu xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây tự bao đời đã nổi tiếng với nghề truyền thống là làm miến dong riềng (ở miền Nam có nơi gọi là củ chuối, người dân thường luộc ăn như khoai, có vị ngọt). Nhất nghệ tinh, nhờ nghề làm miến, túi tiền của bà con dân làng luôn rủng rỉnh.

Nhưng mặt trái của tấm huy chương là ở chỗ, nghề càng phát triển thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây càng trầm trọng. Mỗi ngày, làng thải ra hàng chục tấn bã dong riềng, phân gia súc, gia cầm. Chất thải ứ đọng trong cống rãnh, ùn lên cả đường đi lối lại, dềnh ra khắp các cánh đồng…

Thấy dân làng ai cũng quắt queo vì bệnh tật, Nguyễn Phi Sinh (SN 1956) lo lắm. Giàu có mà làm gì khi sống như bị tra tấn? Bao đêm mất ngủ, bao ngày bóp trán đã đưa anh bộ đội Cụ Hồ, nguyên chiến sĩ Đoàn Phòng không B72 này đến một quyết định táo tợn: gác lại công việc đang ăn nên làm ra của gia đình để kiếm giải pháp xử lý chất thải cho làng. Đó là vào năm 1996.

Gán nhà đi... móc cống

Bỏ cả công việc, anh Sinh lang thang khắp các cống rãnh, mương máng để... bùn lên ngửi. Anh nhận thấy ở các cánh đồng bị đổ bã thải dong riềng, cây lúa bị “lốp” rất nhiều; còn nơi mương máng, cống rãnh quanh làng vốn luôn đen đặc chất thải, lạ thay, cỏ và bèo tây đều tốt bời bời…

Chắc chắn lượng bùn, bã thải kia có hàm lượng chất hữu cơ rất cao và nếu biết sử dụng đúng mức, sẽ rất tốt cho cây trồng. Lấy chính chất thải đó làm phân vi sinh thì không những làm giảm được ô nhiễm môi trường của làng mà còn mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ. Nguyễn Phi Sinh dấn thân vào hành trình… móc cống.

Vét, xúc từng xô bã xơ dong riềng, từng gầu bùn đen đổ lên bờ để phơi khô. Vào mùa mưa dầm gió bấc, không có nắng để phơi, vét được chút chất thải nào là mưa lại rửa trôi tuột đi. Tiếc của, anh đánh bạo lấy thứ chất thải bùng nhùng ấy cho lên chảo đun, rồi xúc đổ vào bao tải mà ép. nguyenphisinh.jpg

Sau đó, anh vào bao chở về nhà nghiền nhỏ ra thành bột rồi hì hụi gia giảm thêm vôi bột, hóa chất. Trong khoảnh sân rộng 35m2, cả nhà anh đánh trần ra pha trộn phân vi sinh.

Sau hơn một tháng mày mò, những thử nghiệm mang nặng cảm tính của anh nông dân mới học hết cấp 1 trường làng thất bại: mang chất bột ấy rắc cho lúa thì lúa “lốp”, bón cho hoa màu thì chúng chỉ xanh um lá chứ không đơm hoa kết trái. Thấy vậy, họ hàng, người thân tru tréo: “Đã trắng mắt ra chưa. Thôi, dẹp ngay cái ý nghĩ quái gở ấy đi kẻo chết đói rã họng đấy”.

Kẻ xấu bụng thì chửi thẳng vào mặt anh là “đồ điên” rồi yêu cầu chính quyền thôn, xã cấm anh dọn cống, móc bùn. Họ vu cho anh làm tăng sự ô nhiễm môi trường của làng, xã. Vợ chồng nhìn nhau bằng đôi mắt ầng ậc nước, tái dại đi vì lo lắng.

Nhưng anh không chùn bước. Một mặt, anh động viên vợ, chị Nguyễn Thị Trâm (SN 1960) yên lòng; mặt khác, anh tất tưởi đạp xe hơn trăm cây số tìm đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp I để tham vấn các nhà khoa học. Trân trọng nhiệt huyết của anh, kỹ sư Vi Văn Tuấn, cán bộ nghiên cứu về vi sinh vật của viện đã tận tình giảng giải cho anh những kiến thức khoa học và còn tặng cả chồng tài liệu để anh Sinh có cơ sở tiếp tục nuôi “giấc mơ bùn bã” của mình.
Trọn hai ngày thu mình trong góc phòng, đọc ngấu nghiến hết sấp tài liệu được tặng, anh Sinh vỡ ra nhiều điều nhưng quan trọng nhất, anh lại làm vợ con phát hoảng khi quyết định thế chấp căn nhà, vay ngân hàng 60 triệu đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc chế biến bùn đen.

Nhiệt huyết cháy bỏng, lại có kiến thức khoa học áp dụng vào quá trình sản xuất nên chẳng bao lâu sau, sản phẩm phân vi sinh hữu cơ tổng hợp của anh Sinh đã ra đời, được Trung tâm Kỹ thuật 1 - Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng kiểm định. Những túi phân nhỏ (10kg/túi, giá bán 9.000 đồng) mang thương hiệu: “Trường Sinh SC 999” chính thức góp mặt trên thị trường vào năm 1998.

Tuy vậy, “lấy lòng” được bà con nông dân không phải dễ. Thêm nữa, những túi phân vi sinh vô danh tiểu tốt ấy lại bị “át vía” bởi sản phẩm của những hãng phân bón lớn đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Mỗi ngày, anh Sinh chỉ dám sản xuất 3 tấn phân mà cũng không tiêu thụ được, đành chất đống trong kho.

Không có tiền trả nợ, ngân hàng đến niêm phong căn nhà; vợ chồng con cái, tất thảy 6 người đành chui rúc dưới mái bếp rộng vỏn vẹn gần chục mét vuông. “Vừa sống, vừa cần mẫn sản xuất và ngày nào cũng nghe oang oang bên tai tiếng loa truyền thanh xã rao bán nhà mình, nghe biết bao lời dè bỉu của người đời. Nhưng ngay cả những lúc bi đát ấy, tôi vẫn kiên định lựa chọn của mình” - anh Sinh bộc bạch.

Giũ bùn đứng dậy

Tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của mình, anh ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng khắp nơi để tiếp thị sản phẩm.

Không chỉ giúp bà con nông dân hiểu phân vi sinh tốt cho cây trồng, không làm mất chất đất, không gây ô nhiễm nguồn nước, anh còn xắn quần, lội xuống làm ruộng để hướng dẫn tỉ mỉ cho bà con quy trình sử dụng và cũng qua đó, anh nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, chất đất, nguồn nước của từng thửa ruộng, cánh đồng để cuối cùng điều chỉnh chất lượng phân cho phù hợp.

Anh cũng quyết định áp dụng chiến lược marketing độc đáo: mời bà con sử dụng sản phẩm trước, trả tiền sau, chất lượng không tốt không lấy tiền. Dần dần, sản phẩm “Trường Sinh SC 999” đã không chỉ chiếm lĩnh thị trường khắp tỉnh Hà Tây mà còn được bà con nông dân ở nhiều tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… tin dùng.

Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất từ 15 - 20 tấn sản phẩm (tương đương với 40% lượng chất thải của làng), tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động với thu nhập hơn 900.000 đồng/tháng.

Dự án “Nâng cấp, hoàn chỉnh mô hình sản xuất phân hữu cơ tổng hợp từ phế thải làng nghề, quy mô hộ gia đình” của anh Nguyễn Phi Sinh vừa vượt qua hơn 50 đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi trên cả nước để đoạt giải A tại cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam 2005” (do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp tổ chức vào các ngày 15 và 16/6 vừa qua).

Móc bùn mà mỗi năm kiếm được hơn 3 tỷ đồng, lại góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở địa phương, kỳ tích của anh nông dân Nguyễn Phi Sinh thật đáng nể trọng...

Sắp tới, anh sẽ đề nghị cơ quan chức năng kiểm định sản phẩm này để đóng chai, cô đặc ép thành viên và tung ra thị trường. Ngay cả xơ của dong riềng thải ra sau quá trình làm miến, cũng đã được anh nghiên cứu ép thành bánh để vừa dùng làm phân bón, vừa là chiếc thảm giữ độ ẩm cho cây trồng (nương sắn, đồi chè, ruộng bậc thang trồng ngô, lúa…), đắc địa nhất là ở những vùng trung du, miền núi.



Nguồn: saga.vn
Báo cáo phân tích thị trường