Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lào Cai mở đường về bản
21 | 07 | 2007
Sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển giao thông liên thôn, mạng lưới đường giao thông ở Lào Cai đã vươn tỏa đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Ðến nay, 100% số xã và 70% số thôn, bản đã có đường ô-tô, xe máy làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.
Mùa mở đường

Mùa mở đường vùng cao bắt đầu từ tháng 11, khi lúa trên nương, ngoài ruộng bậc thang đã gặt; ngô trên đồi đã thu hoạch để gọn gàng trên gác bếp, sàn nhà. Dịp này, đến các xã vùng cao Lào Cai đều bắt gặp cảnh đồng bào ra quân mở đường về thôn, bản.

Trước đây, chẳng bao giờ có cảnh người Mông, Dao, Giáy, Phù Lá, Xa Phó... họp bàn cùng nhau mở đường, đông vui như đi hội. Bao năm rồi, đời nọ tiếp đời kia, người dân chỉ quen dùng dao phát cỏ, cây, vạch lối mà đi, đồng bào quen gọi là đường "con hươu, con nai" - đây là những lối mòn chỉ đủ đặt bàn chân, ngày nắng còn đi bộ được chứ ngày mưa thì đành chịu, có khi cả tháng trời mới từ bản ra được chợ huyện để bán con gà, con lợn "cắp nách" hay ít thảo quả, để mua nhu yếu phẩm như muối ăn, dầu hỏa. Cuộc sống tự cung tự cấp khép kín, sản xuất chậm phát triển cũng một phần do giao thông khó khăn, cách trở.

Trưởng phòng hạ tầng kinh tế huyện Si Ma Cai Nguyễn Văn Phúc đưa chúng tôi xuống nơi có con đường liên thôn Cốc Rế, thuộc xã vùng cao Bản Mế, đang mở. Hàng trăm người già, trẻ, gái, trai các dân tộc Mông, Dao, Tày ở các xã bên cạnh như Nàn Sín, Thào Chư Phìn, Sán Chải... đem theo nồi niêu, lương thực; dựng lán trại ngay tại công trường để tranh thủ thời gian làm việc. Con đường đất đỏ to, rộng nối từ trung tâm xã về thôn Cốc Rế uốn lượn dưới chân những ngọn núi đá cao chót vót, chạy ngược lên thượng nguồn sông Chảy. Ðứng ở phía dưới lòng sông nhìn lên, con đường như sợi chỉ mảnh vắt ngang non xanh, ngược lên trời cao.

Giữa không khí lao động sôi nổi, tôi gặp cả gia đình ông Cư Seo Châu - Trưởng thôn Cốc Rế, đang hăng hái đánh gốc cây, cuốc đất, san gạt đường. Mồ hôi nhễ nhại nhưng khuôn mặt ánh lên niềm vui, ông bảo: "Chỉ còn hơn cây số nữa là con đường dài cả chục km sẽ thông đến thôn Cốc Rế. Bây giờ thì mình mới tin là Cốc Rế có đường ô-tô, xe máy".

Anh Phúc kể: Khi huyện cử cán bộ xuống khảo sát đo đạc, vạch tuyến để mở đường, dân thôn Cốc Rế không tin sẽ làm được đường vì toàn núi đá cheo leo, hiểm trở. Họ bảo, chỉ khi nào nước sông Chảy chảy ngược thì mới làm được đường vào Cốc Rế. Thế mà bây giờ, con đường đang vươn dài về thôn Cốc Rế bằng chính công sức lao động của họ cùng với sự hỗ trợ máy gạt, mìn phá đá của nhà nước.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không biết đến bao giờ, hơn 1.500 thôn, bản nằm cheo leo, rải rác ở 125 xã vùng cao, vùng sâu thuộc diện 135 của Lào Cai mới có đường giao thông. Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông đối với xóa đói, giảm nghèo trong nhiệm kỳ 2000 - 2005, Lào Cai xây dựng "Chương trình phát triển giao thông nông thôn", coi đó là một trong bảy chương trình trọng tâm.

Sau ba năm thực hiện chương trình phát triển giao thông liên thôn, Lào Cai đã mở mới 733 tuyến đường về thôn, bản với tổng chiều dài 1.978 km, trong đó có 552 tuyến với tổng chiều dài 1.460 km, mặt đường rộng 4,8m; 181 tuyến có chiều dài 518 km, mặt đường rộng 2,5 m. Tổng kinh phí thực hiện là 180 tỷ đồng, đào đắp 11 triệu mét khối đất đá, trong đó người dân tham gia hơn 9 triệu ngày công, cùng với nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức với số tiền 110 tỷ đồng. Nhà nước chỉ bỏ ra 70 tỷ đồng tiền hỗ trợ máy móc, thuốc nổ để phá đá cứng, thi công cầu cống nhỏ.

Ông Phạm Ngọc Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai khẳng định: Ðiều có ý nghĩa hơn là phong trào đã xóa bỏ tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại nhà nước; khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường và nội lực trong nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.

Chúng tôi đến Phìn Ngan, một xã vùng sâu có phong trào làm đường liên thôn, bản xuất sắc của huyện biên giới Bát Xát. Xã có 14 thôn, bản; địa bàn rộng, thôn xa nhất như Lồ Suối Tủng, Lá Vàng, Tủi Mần cách trung tâm xã từ 10 đến 15 km, lại toàn núi cao, vực sâu. Trước đây, bà con người Dao và người Phù Lá ở đây chỉ toàn đi bộ theo đường mòn, có ngô, thảo quả, lợn gà mang ra chợ bán cũng rất vất vả vì chỉ gùi bằng sức người hoặc ngựa thồ. Từ năm 2003, xã phát động phong trào làm đường liên thôn, đến nay cả 14 thôn trong xã đều đã có đường rộng từ 2,5 m đến 4,8 m, ô-tô, xe máy đi lại dễ dàng. Có đường, bà con trong xã mua sắm xe máy, phương tiện cơ giới vận chuyển hàng hóa, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Chủ tịch UBND xã Vàng Thung Nhàn cho biết: Cách làm của Phìn Ngan là tổ chức họp dân, phát huy tốt quy chế dân chủ, mọi người cùng thống nhất ưu tiên thôn, bản nào xa xôi, khó khăn thì tập trung làm trước. Tuyên truyền, vận động các gia đình ủng hộ, hiến ruộng bậc thang, nương rẫy, vườn tược, hoa màu cho thôn, bản để mở đường vì lợi ích chung. Xã giao cho từng trưởng thôn chịu trách nhiệm tổ chức, huy động dân trên địa bàn đi mở đường; thôn bản nào ít người thì xã sẽ huy động nhân công từ thôn bản khác sang giúp. Các tổ chức, đoàn thể trong xã phối hợp trưởng thôn vận động thanh niên, phụ nữ, CCB tích cực tham gia phong trào. Thôn, bản nào làm xong, xã cử cán bộ phụ trách giao thông xuống tận nơi đo đạc, nghiệm thu, khen thưởng. Nhờ cách làm linh hoạt cho nên từ chỗ không có đường, bây giờ Phìn Ngan đã có đường ô-tô, xe máy vươn tới tất cả các thôn, bản trong xã, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện.

Từ trung tâm xã, chúng tôi đi xe máy đến thăm bản Lá Vàng có 35 hộ người Dao đang sinh sống. Con đường đất rộng 4,8 m, dài gần chục km, vừa mới mở năm ngoái, tuy ngoằn ngoèo, nhiều dốc cao, nhưng mặt đường khá phẳng rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều. Trước đây đi bộ mất nửa ngày, còn bây giờ chỉ mất 30 phút đi xe máy. Không riêng Phìn Ngan, nhiều xã vùng cao, vùng sâu của huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa, Bắc Hà..., đều tích cực làm đường giao thông liên thôn, được Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Lào Cai khen thưởng về thành tích xuất sắc. Ở ba huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát đã có 100% số thôn, bản có đường ô-tô, xe máy.

Quản lý, khai thác hiệu quả

Sau ba năm xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn đến nay, 70% số thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có đường về bản là kết quả đáng ghi nhận của tỉnh Lào Cai, nhưng quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững hệ thống đường đang là vấn đề đặt ra. Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 3.000 km đường liên xã và liên thôn, bản, những con đường này đều được bàn giao cho chính quyền các xã và cấp thôn, bản quản lý. Do triển khai đồng loạt, trên phạm vi toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ chuyên môn giao thông cấp xã thiếu và yếu cho nên nhiều tuyến đường mới hoàn thành về chiều dài, chưa bảo đảm kỹ thuật thiết kế, chất lượng chưa tốt. Trong điều kiện miền núi mưa nhiều, thường xảy ra trượt sụt, xói lở mặt đường, trơn lầy, dẫn đến ách tắc giao thông. Vì vậy, để bảo đảm các con đường được thông suốt, nhất là trong mùa mưa lũ. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định 340 phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, việc duy tu, bảo dưỡng theo định kỳ chưa trở thành thói quen trong đồng bào vùng cao, ô-tô quá tải trọng quy định đi vào đường liên thôn làm hỏng mặt đường, dẫn đến đường lầy lội, ách tắc giao thông. Ðây là những vấn đề cần khắc phục.

Ðể quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống đường liên thôn, bản, chính quyền cấp xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Quyết định 340 của tỉnh, cấp huyện căn cứ tình hình thực tế địa phương có chế độ hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo dưỡng đường, khuyến khích người dân tham gia. Cùng với việc tiếp tục mở đường mới, phát triển đường giao thông đến 100% số thôn, bản, ngành giao thông - vận tải cần có kế hoạch kiên cố hóa đường giao thông liên thôn, trước mắt là rải cấp phối móng mặt đường và làm cống, rãnh thoát nước vĩnh cửu.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường