Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần đổi mới cơ bản công tác quản lý giáo dục: Bài I: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các trường đại học
08 | 10 | 2007
Hai chục năm qua, nền kinh tế nước ta đã có những bước tiến rất dài về mọi mặt và đã đạt được những thành tựu kỳ diệu. Còn ngành giáo dục - nơi tập trung cao nhất trí tuệ của cả nước - vì sao lại vẫn trì trệ?

Giáo dục vẫn đang là nỗi lo, nỗi bức xúc của toàn xã hội? Có nhiều nguyên nhân, song trong bài viết này sẽ chỉ bàn về một vài vấn đề liên quan và đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản lý giáo dục.

Chúng ta đang song hành với nền GD của 40 năm về trước

Ngày nay, ai cũng nhận thức được rằng giáo dục và khoa học, công nghệ chính là động lực để phát triển xã hội, để vươn lên giàu có, thịnh vượng. Song, chắc chắn không phải là nền giáo dục của 40 năm về trước, mà về cơ bản chúng ta đang song hành với nó. Đã đến lúc phải đổi mới căn bản nền giáo dục của nước nhà, đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI - ngày 17.10.2006 đã nói rõ nội hàm của chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dưới đây gọi tắt là bộ). Đó là định hướng phát triển, tạo lập khung pháp lý và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo.

Rất tiếc rằng, lâu nay bộ đã sa đà vào các công việc cụ thể của nhà trường và tự biến mình thành ban giám hiệu của các trường đại học trong cả nước, mà quên đi chức năng quản lý nhà nước của mình, làm thui chột sức sáng tạo và tính năng động vốn có của các trường đại học (dưới đây gọi tắt là trường).

Có ý kiến cho rằng, bộ phải quản lý chặt để đảm bảo quyền lợi của người học. Song, với cách quản lý theo kiểu "cầm tay, chỉ việc" đối với các trường đại học như hiện nay thì có tăng gấp ba biên chế của bộ lên cũng không làm nổi. Vì vậy, thực tế là trong những năm vừa qua bộ không quản lý được các trường và chất lượng giáo dục của ta vẫn thấp, người được đào tạo ra, nhìn chung, không đáp ứng được yêu cầu của việc làm.

Bộ nên làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình

Cách duy nhất đúng đắn để thực hiện ước nguyện của bộ "vì quyền lợi của người học, vì trách nhiệm của bộ trước Nhà nước, Quốc hội và nhân dân" là bộ cần làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, giao quyền tự chủ đầy đủ và tự chịu trách nhiệm cho tất cả các trường ĐH. Làm như vậy là biết dựa vào quần chúng (các trường) để tiến hành cuộc cách mạng trong quản lý giáo dục.

Lẽ đương nhiên, ban đầu cũng có thể có trường còn lúng túng. Sự lúng túng của các trường có nguyên nhân từ cách quản lý lâu nay theo kiểu bao cấp của Bộ GDĐT. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, với cách quản lý các trường ĐH theo kiểu "xin - cho" như hiện nay, thì hàng ngày sẽ nảy ra tiêu cực, làm hư hỏng cán bộ, làm tê liệt bộ máy quản lý. Đã và sẽ có trường vốn yếu kém nhưng vẫn được lợi thế về chỉ tiêu đào tạo, về mở các chương trình đào tạo và các hoạt động khác nếu họ chấp nhận tiêu cực, gây ra sự thiếu minh bạch, thiếu công bằng trong giáo dục!

Khác với trường phổ thông, ở đó hàng vạn trường có thể dùng chung một chương trình, một sách giáo khoa, một phương thức đào tạo, mỗi trường ĐH có những đặc thù và sắc thái riêng, không trường nào giống trường nào. Do vậy, giáo dục ĐH chỉ có thể phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng, "trăm hoa đua nở" khi các trường ĐH được trao quyền tự chủ đầy đủ dưới sự quản lý nhà nước của Bộ GDĐT. Xin nhấn mạnh là bộ sẽ chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, không can thiệp quá sâu vào các công việc cụ thể của trường.

Từng trường ĐH phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hoạt động của mình theo đúng luật pháp và chịu sự kiểm tra, thanh tra của bộ và sự giám sát của người dân. Từng trường phải chăm lo giữ gìn "học hiệu" của mình bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mà tiêu chí hàng đầu là SV tốt nghiệp phải có việc làm, làm được việc dựa trên chuyên ngành được đào tạo và có thu nhập cao. 

GS Nguyễn Văn Đạo - Đại học Quốc gia Hà Nội



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường