Họ tìm hiểu rất kỹ môi trường đầu tư của Việt Nam, chính sách thuế cũng như nhu cầu của thị trường cho kế hoạch đầu tư cũng như mua bán hàng hóa với doanh nghiệp Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có cơ hội đóng góp ý kiến với Chính phủ và các cơ quan ban ngành về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Hồ Toả Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, hiện có khoảng gần 600 dự án tại Việt Nam với khoảng gần 2 tỉ USD vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc, đa số các doanh nghiệp Trung Quốc đều đánh giá cao môi trường đầu tư và xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đang ngày một gia tăng.
Ông Cẩm cho rằng việc tổ chức các buổi gặp gỡ và trao đổi những vướng mắc mà nhà đầu tư Trung Quốc đang gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam là điều rất tốt để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Dương Thật, Chủ tịch Hội thương gia Trung Quốc tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam nhìn chung không bị ảnh hưởng lớn bởi những khó khăn kinh tế diễn ra gần đây của Việt Nam.
Ông nói: “Một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu do chịu ảnh hưởng của việc tăng giá Việt Nam đồng nên có giảm sản xuất, cũng có trường hợp ngừng sản xuất nhưng ảnh hưởng tổng thể đối với doanh nghiệp không lớn”.
Về xu hướng đầu tư, ông Dương Thật cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư ngày càng nhiều. Tuy nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang xem xét lĩnh vực nên đầu tư và định vị lại phương hướng đầu tư.
Lâu nay, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều vào các lĩnh vực dệt, quần áo, giải khát, xe máy. Trong thời gian tới, Trung Quốc có khả năng chuyển hướng đầu tư về lĩnh vực chế tạo thiết bị cơ khí do nhu cầu của Việt Nam hiện nay đối với thiết bị cơ khí tương đối lớn.
Nhận xét về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay và tác động của biến động kinh tế lần này đối với môi trường đầu tư, ông Dương Thật cho rằng môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có những hạn chế.
Vấn đề mà các nhà đầu tư Trung Quốc phàn nàn nhiều nhất liên quan tới môi trường đầu tư, chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thủ tục hành chính, minh bạch hoá công tác hành chính, nâng cáo hiệu quả và đơn giản hoá tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thật, khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc lo lắng nhất là vấn đề uy tín trong làm ăn kinh doanh. Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam đẩy mạnh giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp dưới hình thức như hợp tác, liên doanh, nhận thầu... thực hiện đúng giao ước hợp đồng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một vấn đề khác được các doanh nghiệp Trung Quốc đề cập tới là Việt Nam cần nhanh chóng ban hành luật, quy định tướng ứng để làm rõ các công tác liên quan đến việc thu mua doanh nghiệp.
Hiện nay các doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu khá nhiều công trình, hạng mục lớn ở Việt Nam, về vấn đề tiêu chuẩn và quy phạm tồn tại trong hạng mục hoặc công trình. Kiến nghị Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khi phê chuẩn các hạng mục liên quan, chấp nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm quốc gia và các tiêu chuẩn thiết kế, thi công.
Trong lĩnh vực bất động sản, các thương gia Trung Quốc bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các quy định liên quan đến đền bù, cơ sở hạ tầng đồng bộ và giám sát, đôn đốc các cơ quan liên quan chế định và hoàn thiện các quy định về tiền tệ liên quan đến bất động sản. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đề nghị khi ban bố các chính sách và sửa đổi nên xem xét tới tính liên tục trong một thời kỳ nhất định, và dài hạn để tăng cường lòng tin cho các nhà đầu tư.
Đại diện của Bộ Công Thương và các đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... đã giới thiệu về tình hình kinh tế của Việt Nam thời gian gần đây, những khó khăn Việt Nam đang trải qua, lần lượt giải thích những thắc mắc của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Đại diện Việt Nam không chỉ giải đáp cụ thể cho các nhà doanh nghiệp mà còn nêu bật những điều kiện thuận lợi về phát triển thương mại - đầu tư ở Việt Nam, giới thiệu các chính sách ưu đãi cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thu hút đầu tư của Việt Nam đang áp dụng như: mở rộng lĩnh vực đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, hạ thấp thuế suất... đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tới Việt Nam hoạt động thương mại và đầu tư.
Thay mặt VCCI, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh VCCI sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Trong quá trình làm ăn, kinh doanh việc gặp khó khăn là không tránh khỏi, VCCI sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam cũng như giữa doanh nghiệp Trung Quốc với Chính phủ Việt Nam. Những thắc mắc của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được VCCI xem xét và chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết.