Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh doanh bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam: Nguy cơ thua ngay trên sân nhà
20 | 08 | 2008
Mới đây, tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearney đã đánh giá chỉ số phát triển bán lẻ chung (Global Retail Development Index - GRDI) của Việt Nam đạt 84 điểm, đứng thứ 3 thế giới. Thông tin này khiến “các gã khổng lồ” bán lẻ nước ngoài xúc tiến vào Việt Nam sớm hơn, và các doanh nghiệp trong nước lại có nguy cơ “tuột tay” cơ hội kinh doanh bán lẻ ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước “móc túi” người tiêu dùng?

Nhận định này có cơ sở khi nghiên cứu số liệu mới đây của Tổng cục Thống kê: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 năm qua của nước ta đạt 1.738,8 tỷ đồng, bình quân tăng 16,86%/năm; dự báo mức tăng 2006 sẽ vào khoảng 23%. Tuy nhiên, theo tính toán của Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế, thì “tác nhân” gây tăng doanh thu từ thị trường bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng là do “sự tăng giá” của hàng hóa (năm 2004 mức tăng là 7,7%, năm 2005 mức tăng 8,3%, mức tăng 2006 có thể tới gần 10%). Còn tốc độ tăng thực chất của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2004 còn 10,85%, năm 2005 là 11,29%, năm 2006 cũng được dự báo là không cao. Con số này đồng nghĩa với tổng mức thua thiệt về giá của người tiêu dùng “tăng vọt” hàng năm: 2002, 2003 chỉ mới trên 10 nghìn tỷ đồng, nhưng năm 2004 là 28 nghìn tỷ đồng, 2005 lên tới 37 nghìn tỷ đồng, năm 2006 được dự báo khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Lời lãi của sự tăng giá hàng năm trong tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng được người tiêu dùng trong nước “cống nạp” cho đa phần doanh nghiệp bán lẻ trong nước gồm hệ thống 160 siêu thị, 32 trung tâm thương mại, 150.000 cửa hàng bán lẻ và 8.751 chợ các loại (số liệu của Bộ Thương mại). Chính sự “đột biến” giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng như mấy năm vừa qua, đã kéo mức sống của gần 40% dân số Việt Nam tụt xuống.

Sức mạnh của các tập đoàn kinh doanh bán lẻ nước ngoài

Theo bà Phạm Chi Lan - thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thì “nước ta có một thị trường nội địa rộng lớn, đồng thời lại là một nền kinh tế mới nổi trong quá trình cải cách kinh tế - xã hội nên đã trở thành tầm ngắm của các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn trên toàn cầu”. Thực tế đã có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang bắt đầu “làm mưa, làm gió” trên thị trường tiêu dùng trong nước. Như hệ thống gần 10 đại siêu thị của tập đoàn Metro Cash&Carry (Đức) trong cả nước đang kinh doanh bán buôn bán lẻ 15.000 mặt hàng các loại với giá thấp hơn các siêu thị trong nước 10 - 15%, cùng với các đại gia khác như Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Zen Plaza (Hàn Quốc)... đã “nẫng” từ tay các doanh nghiệp kinh doanh hệ thống siêu thị gần 60% lượng khách hàng. Sức mạnh của các đại gia kinh doanh bán lẻ nước ngoài cũng như thành công thực tế của Metro, BigC... vừa qua tại Việt Nam, theo các chuyên gia kinh tế thì ngoài những yếu tố truyền thống như kinh nghiệm, tiềm lực tài chính - thì họ đã tạo ra một luật chơi rất công bằng với người tiêu dùng Việt Nam mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chưa hề làm: Đưa ra giá cả phù hợp nhằm tạo cơ hội cho người tiêu dùng mua được nhiều hàng hóa hơn, đồng thời tăng khả năng bán hàng của mình gấp nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam. Hơn thế, trong khi các đại gia kinh doanh bán lẻ nước ngoài chỉ tập trung vào khâu phân phối, bán hàng theo hướng chuyên nghiệp thì phần nhiều các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong nước lại ôm đồm thêm chức năng sản xuất, và theo các chuyên gia kinh tế thì “nhiều nghề sẽ yếu nghề”, nghĩa là khâu kinh doanh đầu ra sẽ kém hiệu quả. Sắp tới sẽ có nhiều tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài vào Việt Nam, như Dairy Farm (Singapore), Lotte (Hàn Quốc) và một số tập đoàn của Mỹ đang làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam.

Khi gia nhập WTO, xoá bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa tiêu dùng nước ngoài được dọn đường tràn vào trong nước sẽ đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó thấy rõ nhất là nguy cơ trở tay không kịp và nguy cơ mất trắng thị trường trong tương lai. Vì vậy, không nên ôm tư duy kinh doanh cũ mèm là “móc túi” khách hàng và mạnh ai nấy thắng, và nên có sự liên kết chuỗi kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, tạo nên một sức mạnh khổng lồ trong nước để đối trọng với các gã khổng lồ bán lẻ nước ngoài.



Nguồn: www.vnpost.dgpt.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường