Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, gần đây, có nhiều thông tin trái chiều về lĩnh vực phân phối nói chung, bán lẻ nói riêng của Việt Nam sau ngày 1/1/2009, khiến cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng rất lo lắng.
Vì chưa có thông tin chính thức nên việc Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường dịch vụ phân phối đã được suy diễn theo nhiều hướng.
Hướng thứ nhất cho rằng, sau ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam vào tình thế khó khăn, có nguy cơ phá sản.
Hướng thứ hai lại cho rằng, việc mở cửa thị trường không tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, từ đó có tư tưởng chủ quan, thiếu sự chuẩn bị cho lộ trình mở cửa, hội nhập khu vực và thế giới.
“Việc suy diễn theo hai khuynh hướng đó đều không đúng. Sau thời điểm 1/1/2009, vì nhiều lý do, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) sẽ không ồ ạt vào Việt Nam” - Ông Tú khẳng định.
Tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn vì Việt Nam hiện đã là thành viên của WTO, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục cao, ổn định chính trị, đông dân, cơ cấu dân số trẻ (hiện có 57% dân số có độ tuổi dưới 30).
Việt Nam liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI). Theo A.T.Kearney (hãng tư vấn Mỹ), năm 2007, Việt Nam xếp thứ 4/7 nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới; năm 2008 vượt lên dẫn đầu (tiếp theo là Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Moroco, Ả rập Xê út…).
Lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ phân phối
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Không phải từ 1/1/2009, Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ mà là việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối Việt Nam đã thực hiện ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO (tháng 1/2007).
Bắt đầu từ 1/1/2009, doanh nghiệp có vốn ĐTNN được hoạt động trong lĩnh vực phân phối dưới hình thức 100% vốn của nhà ĐTNN. Về hình thức đầu tư, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, được đầu tư và hoạt động theo hình thức liên doanh, trong đó nhà ĐTNN chiếm không quá 49% vốn điều lệ.
Từ 1/1/2008, không hạn chế tỷ lệ góp vốn của nhà ĐTNN nhưng phải lập Cty dưới hình thức góp vốn liên doanh. Từ 1/1/2009, được đầu tư theo hình thức 100% vốn của nhà ĐTNN.
Về lập cơ sở bán lẻ, quyền phân phối của nhà ĐTNN gắn liền với quyền được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Khi lập cơ sở bán lẻ thứ hai được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT (số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và quy mô địa lý…).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, lúa gạo, đường, thuốc lá và xì gà, dầu thô và dầu đã qua chế biến, dược phẩm, thuốc nổ, sách, báo, tạp chí, kim loại quý và đá quý, vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu (đĩa, băng, các phương tiện đã lưu trữ thông tin…) là những loại hàng hóa nhà ĐTNN không được quyền phân phối tại Việt Nam.
Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường có quy mô còn nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, tiềm năng lớn nên có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Quy mô thị trường năm 2008: khoảng 970 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 55 tỷ USD. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng cao qua các thời kỳ: 1996-2000 là 10,75%/năm; 2001-2005 là 18,3%/năm; 2006-2008 khoảng 25%/năm. |
Từ 1/1/2009, nhà ĐTNN được phân phối các loại hàng hóa theo lộ trình gồm: máy kéo, phương tiện cơ giới, ô tô con và xe máy; từ 1/1/2010: được phép phân phối rượu, xi măng và clinke, phân bón, sắt thép, giấy, lốp xe, thiết bị nghe nhìn. Và chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về giá với các mặt hàng này, do các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn.Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm ưu thế
Trả lời câu hỏi: “Những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam sau thời điểm 1/1/2009?”, ông Tú cho biết, thuận lợi là hiện kênh phân phối truyền thống đang chiếm khoảng trên 85% lưu chuyển hàng hóa bán lẻ.
Về dài hạn, tỷ lệ này giảm dần nhưng về tuyệt đối sẽ tăng lên. Đây là dư địa cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh Việt Nam vì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu vào khai thác thị trường thông qua kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị…). Đặc điểm của phân phối (nhất là bán lẻ) là tính phân tán cao và gắn với địa điểm bán lẻ cụ thể, với địa bàn dân cư cụ thể.
Với mạng lưới các điểm bán lẻ khác dày đặc, phân bố khắp nơi đang trở thành một lợi thế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh Việt Nam. Hơn ai hết, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh Việt Nam gắn bó về văn hóa, hiểu biết về tập quán, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và có cơ hội để học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, phương thức kinh doanh hiện đại cũng như có thêm động lực trong việc đổi mới và phát triển kinh doanh.
“Hơn nữa, trong cam kết, để có thời gian cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị, Chính phủ đã thực hiện việc mở cửa theo lộ trình, áp dụng kiểm tra nhu cầu kinh tế khi cấp phép từ cơ sở bán lẻ thứ hai trở lên đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không mở cửa hoặc mở cửa theo lộ trình đối với một số hàng hóa”- Ông Tú nói.
Tuy nhiên, khó khăn đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh Việt Nam đó là năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp yếu vì đại bộ phận các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ quản lý lạc hậu, phương thức kinh doanh chưa tiên tiến, cơ sở hạ tầng kinh doanh chưa hiện đại, chiến lược kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức.
Đồng thời, tính liên kết giữa các doanh nghiệp yếu như: liên kết dọc giữa nhà sản xuất-nhà bán buôn-nhà bán lẻ; liên kết ngang giữa nhà bán buôn với nhà bán buôn, nhà bán lẻ với nhà bán lẻ; liên kết giữa nhà phân phối với các nhà cung ứng dịch vụ ngân hàng…