Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ: doanh nghiệp VN vẫn có cơ hội cạnh tranh
01 | 12 | 2008
Theo cam kết gia nhập WTO, từ 1-1-2009, Việt Nam sẽ mở cửa cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia lĩnh vực dịch vụ phân phối.

Trao đổi với phóng viên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ tỏ ra lạc quan về thị trường bán lẻ Việt Nam trước giờ G nếu các doanh nghiệp trong nước biết tận dụng thời cơ này.

Theo chủ tịch Phan Thế Ruệ, với 86,5 triệu dân, trong đó lực lượng công dân trẻ chiếm 65%, cộng thêm thị trường nông thôn hiện sức mua thấp, tổ chức thị trường sơ khai, Việt Nam sẽ là thị trường bùng phát về sức mua trong thời gian tới.

Mặc dù tiềm năng được đánh giá cao như thế, song về tập quán và cách thức tiêu dùng của người Việt Nam cũng chưa có sự thay đổi lớn. Lý giải một phần về điều này, ông Ruệ phân tích: đó là do hệ thống tiếp thị và cách tiếp thị của các doanh nghiệp chưa trúng hay nói cách khác là hệ thống bán lẻ của Việt Nam chưa kích thích, chưa dẫn đường và tác động vào tâm lý người tiêu dùng để thay đổi tập quán tiêu dùng.

Năm 2007 tổng doanh thu bán lẻ đạt 44 tỷ USD, tăng 25% so với 2006, 11 tháng 2008 tăng  trên 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng. Đến nay Vịệt Nam có 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện ích. Dự kiến năm 2010 số siêu thị, trung tâm thương mại tăng lần lượt là 62,5% và 150%.

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Liên kết doanh nghiệp và đổi mới chiến lược kinh doanh

Từ 1-1-2009, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có mặt của các nhà phân phối nước ngoài, theo cam kết, các doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư 100% vốn, họ có quyền thiết lập hệ thống phân phối (trừ những sản phẩm ta chưa cho phép) họ có quyền bình đẳng trong hoạt động kinh doanh như các doanh nghiệp Việt Nam, như vậy sức nóng về cạnh tranh sẽ tăng cao đối với các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam.

Nhưng theo ông Ruệ, thực chất các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã vào Việt Nam dưới nhiều hình thức liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước thời gian qua và đã có cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng hết sức quyết liệt, một số tập đoàn đã chiếm đựơc thị trường ở một số địa bàn nhất là ở các thành phố lớn và khu công nghiệp với những sản phẩm bước đầu đã thu hút người tiêu dùng Việt Nam như Metro Cash, Big C, Bourbon…

Tuy nhiên theo ông Ruệ, việc mở cửa thị trường phân phối ngày 1-1-2009 sẽ chưa có gì xáo trộn đối với các doanh nghiệp phân phối Việt Nam mà có lẽ phải tới năm 2011-2012 trở đi thì thị trường này mới thật sự cạnh tranh quyết liệt. Có chăng trong khoảng thời gian 2-3 năm tới người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rõ nhất là được tiếp cận với nhiều mặt hàng phong phú, chủng loại, chất lượng cao và giá cạnh tranh.

Ông Ruệ nhận định trong thời gian đầu mở cửa, các doanh nghiệp phân phối Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội, biết phát huy thế mạnh và biết liên kết với nhau vẫn có thể cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp nước ngoài. Lý giải điều này, ông cho biết: “Thông thường các tập đoàn phân phối nước ngoài vào bất kỳ nước nào đó họ không thể tự thiết lập được chuỗi phân phối nếu như không dựa vào các doanh nghiệp nước sở tại”.

Tương tự khi vào Việt Nam họ cũng phải mất một khoảng thời gian dựa vào doanh nghiệp Việt Nam. Đương nhiên chúng ta phải chấp nhận môi trường kinh doanh mới, chấp nhận một sân chơi bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phân phối cùng chúng ta.

Vì vậy, các nhà phân phối Việt Nam cần vạch ra chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp với lộ trình kinh doanh trong môi trường cạnh tranh mới. Trước mắt cần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra quy mô và sức cạnh tranh tốt hơn, đồng thời có thể liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng thế mạnh của họ, khắc phục những mặt yếu, tận dụng thời cơ vươn lên làm chủ thị trường ở những địa bàn và những sản phẩm quan trọng.

Ông Ruệ nhấn mạnh các doanh nghiệp phân phối Việt Nam cần  nhanh chóng liên kết với nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm từ tổ chức sản xuất, chế biến bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến thiết lập hệ thống bán lẻ. Đồng thời cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cung ứng thuận lợi cho người tiêu dùng với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, ổn định.



(Cổng TTĐT Chính phủ)
Báo cáo phân tích thị trường