Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần có “áo mới” cho cà phê Việt
26 | 09 | 2011
"Kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có chiến lược, quy định mới để có thể phá vỡ những yếu kém, tồn tại bấy lâu nay" - ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nói.

Doanh nghiệp nội - mạnh ai nấy làm

Thưa ông, VN đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta nhưng tại sao đến nay, các DN xuất khẩu cà phê VN vẫn yếu kém và chúng ta vẫn chưa làm chủ được thị trường cà phê cả trong và ngoài nước?

- Có thể nói đây là tồn tại lớn của ngành cà phê VN. Căn nguyên của những yếu kém trong ngành cà phê có xuất phát điểm từ trong quá khứ, chúng ta đã đi những bước chưa đúng từ năm 1986 khi mở cửa thị trường cà phê, song lại lấy Tổng Công ty Cà phê VN làm chủ đạo trên thị trường.

Suốt từ những năm đó, Tổng Công ty này hoạt động chưa hiệu quả, khiến ngành cà phê lâm vào khó khăn chỉ còn cách phải mở ra cho dân tự phát triển. Lúc ấy người dân phát triển cà phê ồ ạt không theo một chiến lược nào.

Hệ quả của việc này đã kéo theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê cũng phát triển rầm rộ. Trong khi đó, 95% cà phê VN sản xuất ra lại để xuất khẩu, dẫn tới một sự cạnh tranh bát nháo, mạnh ai nấy làm. Thị trường cà phê thì luôn biến động, doanh nghiệp phát triển nhiều nhưng lại thiếu kinh nghiệm, manh mún nên thua lỗ và yếu kém cứ kéo dài triền miên năm này qua năm khác.

Đây có phải là nguyên nhân khiến khi nước ngoài "đổ bộ" vào ngành cà phê, chúng ta trở tay không kịp, thưa ông?

- Doanh nghiệp nước ngoài họ thấy rất rõ những bất cập của ngành cà phê VN - một ngành béo bở nhưng VN lại không biết kinh doanh. Họ đã đến và đầu tư vào cà phê VN. Với chúng ta, Tổng Công ty Cà phê là doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu đã không kinh doanh hiệu quả, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp khác cũng hoạt động được chăng hay chớ. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn khác, họ đầu tư, kinh doanh bài bản. Họ tự đặt ra cách mua riêng cho cà phê ở trong nước, không theo giá thị trường lên xuống và bán trực tiếp sản phẩm ra thị trường thế giới. Với sự ảnh hưởng lớn trên các sàn giao dịch cà phê thế giới nên doanh nghiệp nước ngoài đã làm chủ được thị trường cà phê VN.

Vậy vì sao các doanh nghiệp VN không phải thấy được những yếu kém của mình để có giải pháp cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, thưa ông?

- Đúng vậy. Song chúng ta lại không làm vậy. Nguyên nhân khách quan là các doanh nghiệp VN chưa đủ tiềm lực về vốn (khó vay vốn), công nghệ chế biến, còn chủ quan là bản thân các doanh nghiệp cà phê lại không có sự đoàn kết, chiến đấu.

Hiệp hội Cà phê là tổ chức của doanh nghiệp còn mạnh ai nấy làm, không thống nhất được các doanh nghiệp khiến doanh nghiệp cà phê VN ngày càng làm mất lòng tin với người dân, với thị trường. Các doanh nghiệp nước ngoài đã lợi dụng được điều này. Họ đã đầu tư cho nông dân trồng cà phê rồi lại mua giá cao cho nông dân. Doanh nghiệp của ta đã mất uy tín càng mất thêm.

Địa phương chưa làm hết trách nhiệm

Trong trường hợp này việc doanh nghiệp "ngoại" đầu tư vào Việt Nam có gì đáng lên án, thưa ông?

- Thực ra, DN ngoại cũng có nhiều ưu điểm, nhưng cái chê trách nhất là thái độ của họ ngày càng không tôn trọng các doanh nghiệp VN. Doanh nghiệp VN bán cà phê cho họ, song thường xuyên bị họ nợ tiền không trả. Doanh nghiệp ngoại cũng tạo nhiều trò để doanh nghiệp VN nào càng làm cà phê sẽ càng bị thua lỗ và tự rút khỏi thị trường.

Các "chiêu" doanh nghiệp ngoại áp dụng khi doanh nghiệp ta bán cà phê cho họ là kêu chậm giao hàng, cà phê không đạt chất lượng... để chậm thanh toán tiền và chiếm dụng vốn của doanh nghiệp ta. Vốn đã thiếu vốn, với các chiêu như thế, doanh nghiệp VN chỉ có nước chậm thanh toán với nông dân, và càng mất uy tín trong kinh doanh, ngành cà phê VN luôn bị mang tiếng là chất lượng kém.

Cấp chính quyền địa phương lại cho rằng, rất khó để đối phó các doanh nghiệp ngoại, thưa ông?

- Nói thẳng thắn, các địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp VN kinh doanh xuất khẩu cà phê. Với những xung đột, tranh chấp như vậy, chúng ta có quyền giải quyết đúng luật VN, song chúng ta lại đang tự nhận những điểm yếu về mình.

Chính vì vậy, mà trong xuất khẩu cà phê của ta, họ cũng ép được giá, trong thu mua cà phê trong nước, họ cũng ép được giá. Doanh nghiệp nước ngoài một mặt mua cà phê của nông dân để xuất khẩu được lợi, một mặt doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu xuất khẩu phải mua lại của họ với giá cao để có hàng xuất khẩu, nghiễm nhiên họ ăn "hai mang" và hoàn toàn có thể lũng đoạn thị trường VN.

Quá thoáng khi “mở cửa”?

Nhưng thưa ông, bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cảnh báo rằng, VN đã hội nhập WTO thì không thể tránh việc các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào và doanh nghiệp VN phải chuẩn bị nguồn lực để cạnh tranh?

- Các nước cũng hội nhập nhưng đâu có làm giống ta là mở cửa rộng cho doanh nghiệp ngoại nhảy vào. Indonesia hay Brazil là những quốc gia có ngành cà phê hàng đầu thế giới nhưng hệ thống quản lý của họ hoàn toàn khác ta. Doanh nghiệp nước ngoài vào ngành cà phê của họ rất khó khăn, không được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ. Họ mua cà phê trong nước đều phải thông qua đại lý của doanh nghiệp nước sở tại. Trong khi ta lại quá thoáng trong việc này.

Doanh nghiệp ngoại đã thoải mái mua trực tiếp của dân, ta "nhắc" thì họ tổ chức thành một số công ty núp bóng, như vậy đâu có đúng với pháp luật VN. Họ có nguồn vốn lãi suất rẻ trong khi doanh nghiệp VN vay ngân hàng với tỉ giá cao làm sao có thể công bằng trong cạnh tranh. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng của ta cần sớm nhận ra những bất cập này để thay một chiếc áo mới cho ngành cà phê.

Người nông dân lầm tưởng doanh nghiệp ngoại mua cà phê của họ thì sẽ được giá cao, song mỗi khi doanh nghiệp ngoại độc quyền họ sẽ có quyền định đoạt giá và sẽ quay trở lại ép giá nông dân lẫn doanh nghiệp ta. Cà phê VN đã từng phải trả giá như thế rồi, đó là vào năm 2001, lúc đó có lúc giá cà phê VN chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg, bán như đổ đi.

"Chiếc áo mới" cho ngành cà phê ở đây phải như thế nào, thưa ông?

- Đó là về phía các doanh nghiệp phải có sự đoàn kết. Vai trò của Hiệp hội Cà phê phải thay đổi và mạnh lên. Pháp luật VN phải được doanh nghiệp nước ngoài tôn trọng và có chế tài mạnh. Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phải xây dựng một chiến lược cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu cà phê như với ngành hàng lương thực.

Tức là Nhà nước có hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp trữ hàng đầu vụ. Các doanh nghiệp không đòi Chính phủ lo nhưng cho họ một hạn mức tín dụng nào đó để doanh nghiệp có vốn mua cà phê. Ví dụ, mỗi năm Chính phủ dành 50-100 tỷ đồng chỉ để mua cà phê dự trữ, không mua theo kiểu cạnh tranh bát nháo hiện nay mà chỉ những doanh nghiệp có nhà máy, có cơ sở xay xát chế biến mới được tham gia kinh doanh cà phê để đảm bảo chất lượng cho ngành cà phê.

Mua bán cà phê phải là mua thật, bán thật, không tranh mua tranh bán. Các địa phương kêu khó xử lý doanh nghiệp ngoại là chưa đúng, bởi chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh có thể cạnh tranh lại. Do vậy, phải xây dựng doanh nghiệp VN mạnh và quy định doanh nghiệp nước ngoài chỉ được mua qua đại lý của doanh nghiệp VN.

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường