Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế suy làm giá cà phê sụp
24 | 09 | 2011
Tuy cà phê vẫn còn nằm trên cây chưa đến mùa hái ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, giao dịch hàng vụ cũ vẫn trong tình trạng tê liệt, hàng vụ mới vẫn chưa có hướng mua bán rõ rệt, thế mà giá trên hai thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe và arabica Ice dao động không ngớt và lao xuống chóng mặt.

Tâm lý khắp nơi đang phập phồng lo lắng cho nền kinh tế thế giới: trong khi Mỹ đang sợ phải đương đầu với một đợt khủng hoảng mới, thì EU vẫn chưa tìm ra đáp số cho bài toán búa bổ nợ công của Hy Lạp, nguy cơ lây lan đã cơ hồ trông thấy khi một số ngân hàng lớn của Pháp bị hạ bậc tín nhiệm; Nhật bản thì phải bù đầu giải quyết thiên tai…nên ta cứ có cảm giác thế giới vốn bất ổn lại càng bất ổn.

Hệ quả nhãn tiền trong tuần là các đồng tiền mạnh của thế giới đều chao đảo kéo theo nhiều đồng tiền khác mất giá. Đồng real Brazil (BRL) giảm xuống mức sâu nhất tính từ 15 tháng nay đã thúc đẩy Brazil bán ra, châm mồi thêm cho giá arabica trên TTKH Ice sụp đổ tan tành đến hôm nay chưa thể gượng lên được.

Các thị trường tài chính khắp nơi đều chịu ảnh hưởng, đầu cơ lo bán tháo trên mọi thị trường tài chính, rút tiền về giữ cho an toàn. Giá vàng, dầu thô, cà phê đều giảm trong nỗi lo sợ cho một nền kinh tế suy thoái trước mắt.

Thị trường cà phê nội địa, xưa nay vốn rất nhạy cảm với các TTKH, ít nhiều phải vướng vào nỗi lo chung ấy. Chỉ còn đúng một tuần nữa là vào niên vụ mới 2011/12. Thế nhưng, giá cà phê trên các thị trường cứ đua nhau lao xuống sâu và đến hôm nay hoàn toàn ngã quỵ.

So với giá đóng cửa cuối tuần trước, TTKH robusta Liffe giảm mất 158 đô la và riêng phiên tối hôm qua theo giờ Việt Nam mất 75 đô la, chỉ còn mức 1.951 đô la/tấn cơ sở tháng 1/2012; arabica Ice còn tệ hơn, mất 28.95 cts/lb tức 638 đô la/tấn cơ sở tháng 12/2011, nay chỉ còn 231,45 cts/lb.

Trước đây, bình thường nếu mỗi lần giá TTKH giảm đều và nhiều như tuần vừa qua, khả năng khách mua sẽ tăng giá xuất khẩu để kiếm được hợp đồng. Lần này không như thế, giá xuất khẩu dựa trên mức chênh lệch với Liffe (giá trừ lùi/differentials) vẫn cứ được trả với mức trừ 100 đô la/tấn dưới giá Liffe. Với mức này, bên bán rất ngại bán vì cho đó là mức thấp trong khi khách mua vẫn giữ vững lập trường, có khi đòi trả xuống thêm dăm mười đô la rẻ hơn nữa.

Giá cà phê thực trên thị trường nội địa cũng chịu chung số phận. Sáng nay, 24/9 giá chỉ còn quanh mức 40.000 - 41.000 đồng/kg cho hàng đi ngay, mất cả chục ngàn đồng mỗi kg so với mức cao đầu tháng 5/2011 và chừng vài ngàn đồng so với tuần trước. Còn với hàng giao xa, một số thương lái đang trả 32.000 – 33.000 đồng/kg nhưng chỉ trả cho có lệ vì hầu như chưa ai muốn bán mức ấy trong giai đoạn này.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất vừa nhận được, tồn kho cà phê tại Nhật tăng lên mức cao kỷ lục mới là 145.340 tấn tính đến cuối tháng 7/2011. Ngược lại, tính đến hết ngày 19/9, tồn kho có giấy xác nhận chất lượng robusta Liffe (certs) chỉ còn 378.210 tấn, giảm 10.730 tấn, đây là lần giảm thứ năm liên tiếp nhưng tổng lượng tồn kho Liffe vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái chừng 75%, tức 216.690 tấn (xin xem biểu đồ phía dưới).

Thường thường, khi được tin tồn kho giảm, giá Liffe ít nhiều vực dậy. Song, mấy hôm nay, do áp lực bởi chỉ số đồng đô la Mỹ (USDX) tăng, các thị trường hànghóa nói chung có xu hướng giảm. Nếu như đầu tháng 9/2011, USDX được giao dịch trong khoảng 73,5 đến 74,5 điểm thì đến sáng nay 24/9 đã tăng lên 79,23 điểm khi đóng cửa (xin xem biểu đồ bên dưới).

Trong khi đó, chỉ số rỗ hàng hóa CRB tại thời điểm đầu tháng 9/2011 này ở mức cao 343 - 344 điểm thì đến cuối ngày 22/9 chỉ còn 307.24 và đóng cửa cuối tuần chỉ còn 301.87 điểm (xin xem biểu đồ bên dưới). Giá cà phê arabica Ice cũng là một trong những đại diện của chỉ số CRB.

Còn nhớ giá Ice vào đầu tháng 9 cơ sở giao dịch tháng 12/2011 còn ở mức cao 290 cts/lb (6.390 đô la/tấn) và Liffe bấy giờ ở mức 2.325 đô la/tấn thì nay chỉ còn chừng 231-232 cts/lb (5.100 đô la/tấn) và robusta giảm xuống mức dưới 2.000 đô la, chỉ còn 1951 đô la/tấn cơ sở tháng 1/2012.

Các hãng thông tấn thế giới đưa tin rằng theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xuất khẩu cà phê nước ta trong tháng 9/2011 ước đạt 30.000 tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu tháng 8 được chỉnh xuống còn 36.000 tấn; như vậy trong năm 2011, xuất khẩu đạt 984.000 tấn. Các con số trên đây khá chuẩn nếu như tính lượng hàng bán mới và giao cả vào kho ngoại quan lẫn xuất khẩu xuống tàu. Riêng còn số xuất khẩu xuống tàu kể cả hàng đã nằm từ trước trong các kho ngoại quan ước tháng 8 và 9/2011 đạt chừng 130.000 tấn.

Rõ ràng rằng trong tuần qua có khá nhiều tin có lợi cho cung - cầu nhưng giá trên các TTKH đều sụp đổ. Nên có thể nói rằng nguyên nhân chính có khi không nằm tại bản thân cung - cầu cà phê nhưng từ các yếu tố ngoại lực. Với người kinh doanh cà phê, đối diện với giá chao đảo đã khó, với thay đổi liếng thoáng của tỷ giá giữa các đồng tiền ngoại tệ và nội tệ càng mệt hơn.

Trong hội nghị 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu nước ta tuần trước, các nhà xuất khẩu lớn đã đưa quyết tâm thay đổi phương thức kinh doanh để giữ giá và giữ thị trường nội địa đang mất dần qua tay các công ty kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Trong hoàn cảnh tín dụng ít, lãi suất ngân hàng cao, tỷ giá hối đoái bất ổn, giá rớt…thử thách với họ xem ra càng lớn nếu không có hậu thuẫn thực sự từ ngân hàng và lãnh đạo các cấp.

Theo Nguyễn Quang Bình

TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường