|
Diễn biến giá cà phê trong nước tuần qua. |
Dự báo, trong 3 tháng cuối năm 2017, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi nông dân đã bắt tay vào thu hoạch cà phê vụ mới, qua đó làm tăng thêm nguồn cung.
Ở một số khu vực, nhờ thời tiết thuận lợi khiến cà phê chín nhanh hơn nên nông dân đã có thể thu hoạch sớm cà phê. Đặc biệt, với nguồn cung của vụ mới, Việt Nam có cơ hội phục hồi lượng cà phê xuất khẩu tại một số thị trường quan trọng.
Tuy nhiên, giá cà phê tại các nước sản xuất vẫn chịu nhiều áp lực trong 3 tháng cuối năm.Tồn kho cà phê của các nhà kinh doanh quốc tế đang tương đối dồi dào.Vì thế, lượng cà phê tồn kho ấy sẽ gây áp lực lên giá cà phê.Bên cạnh đó, giá cà phê còn chịu áp lực từ bán hàng niên vụ mới tại Brazil và Việt Nam.
Thị trường cà phê thế giới cũng biến động giảm trong tuần qua. So với cuối tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11/2017 giảm 40 USD/tấn xuống còn 1.975 USD/tấn.Nguyên nhân giá cà phê suy giảm là vì dự báo lượng mưa sẽ tăng lên tại các vùng trồng cà phê lớn của Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Trước đó, tình hình thời tiết khô hạn đã làm dấy lên lo ngại về quá trình nở hoa của cây cà phê ở quốc gia này.
Theo Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), trong 9 tháng qua, xuất khẩu cà phê Brazil đạt 21,8 triệu bao cà phê (loại 60 kg/bao), giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu của Brazil giảm mạnh trong những tháng qua nhưng giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế ở mức cao đã giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê của Brazil tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Chủ tịch Cecafe Nelson Carvalhaes cho biết so với tháng 8/2017, xuất khẩu cà phê trong tháng 9/2017 của nước Nam Mỹ này giảm 12% do sản lượng thấp và phản ứng của doanh nghiệp sản xuất trong hoạt động kinh doanh. Ông Carvalhaes nhấn mạnh tháng 9 luôn là tháng có số lượng xuất khẩu cao nhưng với kết quả ghi nhận trong tháng 9/2017, Brazil khó có thể dự báo kim ngạch bán mặt hàng này ra thị trường nước ngoài năm nay.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm tới nay, trong các sản phẩm cà phê Brazil, cà phê chè (Arabica) đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất và chiếm 87,5% tổng lượng.
Theo Dân Việt