Những loại cà phê đặc sản từ mỗi quốc gia này, được gọi chung là cà phê Arabica châu Phi, cũng bao gồm cả Ethiopia Yirgacheffe và Harar Teaberry, được bán với giá cao trong phân khúc cà phê đặc sản đang tăng trưởng nhanh tại thị trường Bắc Âu và Mỹ.
Các loại cà phê Arabica châu Phi đẳng cấp thế giới này đang giúp tăng tiêu chuẩn chất lượng thưởng thức cà phê của các khách hàng trong ngành cà phê đang bùng nổ tại Anh, với mức tăng trưởng năm 2015 đạt cao nhất trong hơn 17 năm.
Không chỉ những người nghiện cà phê tìm đến các loại cà phê hâu Phi. Người tiêu dùng nói chung cũng đang thưởng thức nhiều chủng loại cà phê châu Phi đa dạng trong tổng số 2,2 tỷ cốc cà phê họ uống hàng năm.
Theo báo cáo mới nhất từ Allegra World Coffee Portal về dự báo thị trường cà phê Anh năm 2016, số lượng quán cà phê tại Anh hiện ước đạt con số 20.728 – có mức tăng trưởng doanh thu mạnh, lên tới 10% trong năm 2015, với giá trị thị trường 7,9 tỷ Bảng, tương đương 11,57 tỷ USD. Báo cáo cho biết khu vực quán cà phê theo chuỗi ghi nhận mức doanh thu 4,83 tỷ USD trên tổng số 6.495 quán, một con số tăng trưởng ấn tượng.
Costa Coffee, có 1.992 quán, Starbucks có 849 quán, và Caffe Nero có 620 quán, tiếp tục là những thương hiệu dẫn đầu thị trường Anh, với thị phần tổng cộng chiếm 53% thị trường chuỗi quán. Các siêu thị cũng tăng trưởng mạnh, góp thêm 322 cửa hàng cho thị trường cà phê tại Anh.
“Một trong những phân khúc thị trường phát triển mạnh nhất là cà phê chất lượng cao và capsule (cà phê pha máy dạng viên). Cà phê châu Phi chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này và sự phát triển của thị trường cũng là cơ hội để họ mở rộng thị phần trên thị trường cà phê Anh.
Theo ông Jeffrey Young, giám đốc điều hành Allegra Group, tăng trưởng mạnh thị trường cà phê Anh trong năm 2015 vượt dự đoán của công ty và cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các cửa hàng cà phê trong nền kinh tế Anh, quan trọng hơn là tầm ảnh hưởng của họ tới đời sống hàng ngày của từng người tiêu dùng. Với thị trường trị giá 4,83 tỷ USD, không ai còn có thể lờ đi thực tế rằng cà phê là một ngành kinh doanh lớn. Allegra dự đoán thị trường cà phê Anh sẽ dễ dàng vượt mốc 30.000 cửa hàng và thu về 22 tỷ USD đến năm 2025.
Cuộc canh tranh giành lấy sự trung thành của khách hàng đang nóng lên, và những người chơi lớn trên thị trường đang tung ra hàng triệu Bảng hàng năm cho các chiến dịch quảng cáo nhằm ảnh hưởng tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Những quảng cáo hào nhoáng của họ với hình ảnh những nông dân cà phê hạnh phúc (không phải luôn luôn được chứng minh một cách độc lập) và sự hiện diện ngày càng tăng loại cà phê được chứng nhận Fairtrade, giúp thúc đẩy suy nghĩ của khách hàng theo hướng sự thịnh vượng mà ngành cà phê tạo ra đang được chia sẻ rộng rãi.
Nhưng thực tế ẩn giấu sau những đơn hàng espresso, Americano, latte sữa gầy và caramel Frappuccino thời thượng, lại rất khác biệt.
Người tiêu dùng Anh thực chất đang ở trong một mạng lưới thương mại cà phê toàn cầu bất công, đầy rẫy sự bóc lột có liên quan đến lịch sử đen tối của nạn nô lệ và thực dân hóa.
Mặc dù Ethiopia là cái nôi của cà phê Arabica, hiện loại cà phê này cũng được trồng tại một loạt các nước đang phát triển, phần lớn còn nghèo tại khu vực cận Sahara, Nam Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, thương mại cà phê toàn cầu bị kiểm soát bởi những nước công nghiệp hóa giàu có, tiêu dùng nhiều cà phê tại Bắc Âu và Mỹ.
4 nhà giao dịch hàng hóa xuyên quốc gia đầy quyền lực của châu Âu và Mỹ bao gồm: ECOM (Thụy Sĩ), Louis Dreyfus (Pháp), Neumann (Đức), và Volcafe (Mỹ) – hiện kiểm soát 40% nguồn cung.
Cà phê nhân, xanh – mặt hàng giao dịch toàn cầu lớn thứ 2 sau dầu mỏ – được mua bán thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp và kém minh bạch. Cà phê đôi khi được trao tay hàng tá lần trên hành trình từ nông dân tới người tiêu dùng.
Mảng rang và bán lẻ trong thương mại cà phê được thống trị bởi 4 gã khổng lồ thực phẩm xuyên quốc gia của châu Âu và Mỹ – Nestle (Thụy Sĩ), Kraft (Mỹ), Proctor & Gamble (Mỹ) and Sara Lee (Mỹ).
Nestle, sở hữu các thương hiệu như Nescafe, cho biết tăng trưởng doanh thu cho các dòng sản phẩm Nescafé Dolce Gusto và Nespresso đạt 3,9% trong 3 tháng đầu năm 2016. Theo trang web chính thức của công ty này, chỉ riêng Nespresso đã mang lại tăng trưởng lợi nhuận tại tất cả các khu vực bán hàng trong năm 2015, khẳng định vị thế mạnh trên các thị trường châu Âu, và tiêp tục tích lũy động lực tăng trưởng tại châu Á và châu Mỹ.
Tại siêu thị Tesco của Anh, gói cà phê Nescafé Dolce Gusto 100g có giá 5,85 USD. Khi đặt hàng trực tuyến từ Amazon, các dòng cà phê pha máy dạng viên (capsule) nhãn hiệu Ristretto, Cosi và Vilvalto Lungo của Nestle, trộn giữa cà phê Arabica Đông Phi và Nam Mỹ, có giá lần lượt là 30,75USD, 22,99USD, và 32,21USD. Chiến dịch quảng cáo của Nespresso thậm chí còn mời diễn viên – nhà hoạt động xã hội của Hollywood là George Clooney tham gia.
Starbucks – gã khổng lồ ngành cà phê đến từ Mỹ, đã mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Johannesburg vào tháng 4/2016, cửa hàng đầu tiên của công ty tại khu vực cận Sahara châu Phi, cũng thu lợi nhuận lợi. Starbucks thông báo doanh thu quý 1/2016 đạt 5,37 tỷ USD. Doanh số bán hàng toàn cầu của Starbucks trong quý 1/2016 tăng trưởng 8%, vượt dự báo của thị trường chỉ ở mức 6,9%.
Nhưng trong khi những tay chơi lớn trong ngành cà phê đang tận hưởng lợi nhuận khổng lồ từ giá cà phê nguyên liệu thấp một cách không bền vững và nhu cầu tiêu dùng toàn cầu bùng nổ, những tay chơi này đã hủy hoại sinh kế của hàng triệu nông dân quy mô nhỏ tại châu Phi. Những công ty này cũng đang gây thiệt hại cho các nước xuất khẩu tại châu Phi, vốn phụ thuộc vào cà phê để thu ngoại tệ, bao gồm Ethiopia, Kenya, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Uganda, Malawi, Rwanda và Burundi.
Tổ chức từ thiện của Anh là Oxfam đã giúp các nước thiết lập Fair Trade cho biết sự bất bình đẳng quyền lực trong chuỗi cung ứng giúp các nhà rang xay lớn hiện chiếm 40% từ chuỗi giá trị cho mỗi tách cà phê được tiêu dùng. Trong khi đó, phần của những nông dân nhỏ và người lao động, bao gồm cả những người đang sản xuất các loại cà phê châu Phi chất lượng cao, bán với giá cắt cổ tại Luân Đôn, Paris và New York, lại chỉ có 12%.
Theo Robin Willoughby, nhà tư vấn chính sách cao cấp tại Oxfam, ngành cà phê đang đối diện với hai thách thức chính. Biến đổi khí hậu khó lường và sự tập trung quyền lực ngày càng tăng trong chuỗi giá trị. Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất và tăng rủi ro và tính dễ bị tổn thương của những người sản xuất quy mô nhỏ trên khắp Nam bán cầu. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Arabica, thường được trồng tại các vùng khí hậu mát hơn.
Ông cho biết thêm, ngành cà phê đang ở ngã ba đường. Thiếu hành động giải quyết vấn đề bất công nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng cà phê, hoạt động sản xuất cà phê sẽ không còn được coi là một sinh kế tốt. Thiếu động cơ kinh tế đang gây ra hàng loạt sự rời bỏ ngành và những người trẻ tuổi đang di chuyển khỏi khu vực nông thôn để tìm kiếm sinh kế tốt hơn.
Nestle, đã hoạt động thu mua cà phê từ châu Phi hơn 30 năm, cho biết công ty cam kết thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất, chế biến, cung và cầu cà phê. Công ty này duy trì tỷ lệ 85% nguồn cà phê từ Trung và Tây Phi được thu mua có trách nhiệm với người sản xuất, bao gồm cả lượng cà phê sử dụng trong nhà máy của Nestle tại Bờ Biển Ngà. Hoạt động này được thực hiện thông qua các sáng kiến toàn cầu, Nescafé Plan và Nespresso AAA Sustainable Quality Program, theo đó phân bổ khoảng 536 triệu USD đến năm 2020. Công ty cũng đưa Kenya vào kế hoạch thu mua toàn cầu vào năm 2011 và gần đây đã bị ảnh hưởng mạnh bởi scandal thao túng giá gần đây tại Sàn giao dịch cà phê Nairobi.
“Sau thành công đầu tiên tại Kenya, hiện công ty đang làm việc với 42.000 nông dân và 14 HTX để thúc đẩy sinh kế và cuộc sống của họ, bao gồm cung cấp các khóa học tập huấn nông nghiệp và các giống năng suất cao nhằm cải thiện cả năng suất và chất lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất”, theo Alexander Antonoff, người phát ngôn cao cấp của tập đoàn Nestle cho biết.
Ông cho biết thêm: “Cho tới nay, chúng tôi vui mừng thông báo rằng năng suất trung bình trên mỗi cây theo Nescafé Plan đã tăng gấp đôi và chất lượng cũng tăng đáng kể. Hơn nữa, chúng tôi trả mức giá cao hơn cho cà phê được chứng nhận 4C. Đây là một phần trong các hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất, chế biến và thương mại bền vững”.
Nestle đã thu mua cà phê từ Kenya trong hơn 3 thập kỷ, chối bỏ sự liên quan trong vụ bê bối gần đây về thao túng giá trên sàn giao dịch Nairobi gây chấn động quốc gia Đông Phi này.
“Tại Kenya, như chúng tôi làm với tất cả các nước đối tác khác, chúng tôi tôn trọng và tuân thủ luật của đất nước chúng tôi đang hoạt động. Thông qua những nhà cung cấp được lựa chọn, chúng tôi mua cà phê tại các sàn giao dịch thông qua các quy định hiện hành. Tuy nhiên, những nhà cung ứng của chúng tôi không giao dịch toàn bộ số cà phê họ có thông qua sàn giao dịch. Họ cũng mua trực tiếp, đảm bảo nông dân được trả mức giá tốt nhất cho cà phê của họ”, ông nhấn mạnh.
Giá cà phê toàn cầu thấp đã đẩy nông dân trông cà phê châu Phi rơi vào tình trạng dễ tổn thương do nhu cầu toàn cầu tăng với tốc độ chậm hơn tăng trưởng cung, khi sản xuất tăng với tốc độ gấp đôi tiêu dùng. Các ước tính mới nhất về sản xuất và tiêu dùng cà phê từ Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) cho thấy niên vụ 2015/16 tiếp tục là năm thâm hụt cà phê do cầu vượt cung và các kho dự trữ sẽ giúp lấp đầy sự thâm hụt này. Các tổ chức liên chính phủ gồm 77 thành viên tại Luân Đôn đã kêu gọi các nước sản xuất và tiêu dùng cà phê cùng giải quyết các thách thức và chính sách tác động lên ngành cà phê.
Số liệu của ICO cho thấy sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ đạt 143,4 triệu bao loại 60kg – tăng 1,4% so với niên vụ trước đó. Tại châu Phi, sản xuất tăng 6,1% và có thể đạt 17,1 triệu bao, chiếm gần 12% tổng sản lượng toàn cầu. Nhưng tại Ethiopia, sản lượng hiện tại ước tính đạt 6,4 triệu bao, giảm 3,4% trong cùng kỳ so sánh do ảnh hưởng tiêu cực của mưa không đều.
Trong khi đó, tiêu dùng cà phê toàn cầu năm 2015 ước đạt 152,1 triệu bao, tăng từ mức 150,3 triệu bao trong năm 2014. Tổng tiêu dùng tại các nước nhập khẩu ước đạt 104,9 triệu bao, trong khi tăng trưởng tiêu dùng cà phê tại các nước xuất khẩu đạt 2,1% trong 4 năm qua, đẩy tiêu dùng năm 2015 đạt 47,3 triệu bao.
ICO cho biết giá cà phê đang chật vật tăng do các nhà rang xay cho rằng nguồn cung ngắn hạn vẫn dồi dào khi lượng xuất khẩu duy trì ở mức cao. Lý do đằng sau nguồn cung dồi dào này được cho là sự phát triển quá mức của Việt Nam trong những thập niên 80 – 90, từ một nước sản xuất nhỏ bé trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil.
Sự phát triển này được hỗ trợ bởi các vay song phương và hỗ trợ từ các nước phương Tây và Nhật Bản và cú hích từ phía World Bank cho các chính sách kinh tế hậu tự do. Loại cà phê chất lượng thấp từ Việt Nam chủ yếu được sử dụng làm cà phê hòa tan tại các thị trường phương Tây.
Điều quan trọng là Việt Nam lại không trở thành thành viên của Thỏa thuận cà phê quốc tế (ICA), ra đời năm 1962 để điều phối giá cà phê toàn cầu như cách OPEC thực hiện với dầu mỏ. Từ khi ICA sụp đổ vào năm 1989, các nước tiêu thụ cà phê tại phương Tây và World Bank đã cổ xúy cho các nỗ lực của các nước sản xuất đưa việc quản lý hàng hóa vào chương trình nghị sự quốc tế. Thực tế này được đều cập trong báo cáo “Nuôi dưỡng văn hóa và sự đa dạng cà phê”, tập trung vào các thách thức mà các nước sản xuất cà phê châu Phi đang phải đối mặt.
Được nhấn mạnh trong hội nghị và thể hiện qua số liệu tiêu dùng của ICO, một trong những vấn đề lớn nhất là văn hóa uống cà phê vẫn tiếp tục được phương Tây áp đảo và tiêu dùng cà phê nội địa tại các nước cận Sahara tương đối thấp nên cả nông dân và các nước xuất khẩu cà phê châu Phi đều quá lệ thuộc vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường phương Tây, nơi mà giá cà phê châu Phi được định đoạt bởi các thị trường tương lai ICE và Luân Đôn.
“Cho tới khi nào giá cà phê vẫn được quyết định bởi những lợi ích kinh tế đầy quyền lực tại châu Âu và Bắc Mỹ, những tay chơi lớn trong ngành cà phê sẽ tiếp tục được hưởng lời từ cuộc khủng hoảng giá. Các nước sản xuất cà phê đang hướng đến một kết cục thảm họa nếu họ thất bại trong triển khai những thay đổi to lớn về chính sách”, theo ông Robin Willoughby.
Có vẻ những tay chơi lớn trong ngành cà phê cũng cần thức giấc và ngửi mùi cà phê. Sau tất cả, nếu giá cà phê thấp một cách thiếu bền vững, khiến nông dân trồng cà phê châu Phi phá sản và bị đẩy ra khỏi ngành, thì cà phê Arabica châu Phi chất lượng cao sẽ chẳng mấy chốc mà biến mất trên thị trường.
Theo New African Magazine