Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bán lẻ vào cuộc đua mới
18 | 06 | 2010
“Sau khi hoàn tất hợp đồng mua bán, 4 siêu thị Family Mart trong Parkson đã chuyển tên thành Citimart, nâng tổng số hệ thống lên 30 siêu thị”.

Bán lẻ vào cuộc đua mới Cuộc đua của các doanh nghiệp bán lẻ đang thực sự bắt đầu thể hiện qua hàng loạt dự án đầu tư mớiViệc Citimart vừa mua lại các siêu thị Family Mart trong hệ thống Parkson (nhượng quyền của Family Mart từ Malaysia) là sự kiện đáng lưu ý khi lần đầu tiên có một doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước mua quyền kinh doanh của DN bán lẻ nước ngoài.


Bà Nguyễn Ánh Hoa, Tổng Giám đốc hệ thống Citimart, cho biết: “Sau khi hoàn tất hợp đồng mua bán, 4 siêu thị Family Mart trong Parkson đã chuyển tên thành Citimart, nâng tổng số hệ thống lên 30 siêu thị”.

Tăng trưởng gần 28%

Theo Bộ Công Thương, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2010 ước tính đạt 620.000 tỉ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh doanh thương nghiệp đạt 490.000 tỉ đồng, chiếm 78,9% tổng số và tăng gần 28%. Dự kiến, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 1.440.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm 2009.

Đà tăng trưởng của thị trường bán lẻ cũng kéo theo sự tăng trưởng của dịch vụ mặt bằng cho thuê bán lẻ bất chấp thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng. Thống kê của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE VN cho thấy giá thuê mặt bằng bán lẻ khu trung tâm TPHCM vẫn tăng khoảng 3% với giá dao động là 100 USD/m2/tháng. Còn ở các quận 7, Bình Thạnh, Tân Bình..., giá cho thuê tăng khoảng 4%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét: “Thị trường bán lẻ VN phát triển khá mạnh thể hiện qua số lượng các trung tâm thương mại (TTTM) và siêu thị. Dự kiến đến cuối năm, cả nước sẽ có khoảng 850 TTTM và siêu thị cùng vài chục ngàn cửa hàng tiện ích”.

Sau khi Citimart mua lại Family Mart trong hệ thống Parkson, doanh số của các cửa hàng này đã tăng gấp đôi. Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, cho biết: TPHCM vẫn là địa bàn thu hút các dự án đầu tư của các tập đoàn bán lẻ lớn.


Tính đến nay, đã có khoảng 15 thương hiệu bán lẻ toàn cầu đầu tư hoặc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào VN như Wal-Mart, Carrefour, Tesco, Circile K, Metro Cash & Carry, Casino... Trong vòng 3 năm tới, TPHCM sẽ có thêm 740.000 m² mặt bằng cho thuê bán lẻ cung ứng cho thị trường.

Chỉ mới bắt đầu

Cũng theo bà Nguyễn Ánh Hoa, quyết định thương thảo hợp đồng mua lại các siêu thị Family Mart không phải vì lợi ích từ thương hiệu đem lại mà yếu tố “quyền kinh doanh đặc biệt” đã thu hút Citimart. Đối tượng khách hàng của Parkson là những người có thu nhập cao, phù hợp với đối tượng khách hàng và thế mạnh quản lý của Citimart. Điều đó giúp Citimart định vị được trong thời điểm cạnh tranh bán lẻ hiện tại.

Đúng như dự báo của các chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ trước thời điểm mở cửa thị trường là năm 2009 không thể chứng kiến những sôi động của thị trường bán lẻ thì giờ đây hơn một năm mở cửa, cuộc đua mới thực sự bắt đầu, thông qua hàng loạt dự án đầu tư của nhiều DN bán lẻ trong và ngoài nước.

Ngoài Vincom, TTTM Maximark vừa đi vào hoạt động với mô hình mở rộng cung cấp nhiều loại hình dịch vụ mua sắm, nhà hàng, vui chơi, giải trí... Bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc hệ thống Maximark, cho rằng: Trong giai đoạn cạnh tranh, muốn thành công, các DN bán lẻ phải đi theo hai hướng: Một là đầu tư vừa phải với những ngành hàng tập trung, thiết yếu; hai là đầu tư lớn thành những TTTM phức hợp nhằm thu hút các đối tượng người tiêu dùng riêng biệt.

Hàng loạt DN khác cũng đang tập trung đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ. Trong năm nay, Saigon Co.op sẽ có thêm 10 siêu thị mới, nâng tổng số lên 50 siêu thị với doanh thu khoảng 11.500 tỉ đồng, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100 siêu thị. Metro Cash & Carry khởi công 2 trung tâm bán sỉ tại Bình Dương và An Giang.


Parkson sẽ mở thêm các TTTM tại Hà Nội và Đà Nẵng. Từ nay đến cuối năm, tập đoàn quản lý Family Mart (Nhật Bản) cũng mở khoảng 5 cửa hàng tiện lợi tại TPHCM, sau đó sẽ mở các cửa hàng ở các tỉnh phía Bắc, nâng lên 100 cửa hàng vào cuối năm 2011.

TTTM Crescent (Phú Mỹ Hưng) với tổng đầu tư 1.800 tỉ đồng sẽ mở cửa phục vụ vào năm sau với khoảng 200 cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, khu ẩm thực, rạp chiếu phim hiện đại...“Khi các dự án nói trên đi vào hoạt động, cuộc đua của thị trường bán lẻ sẽ vào giai đoạn bứt phá”- một chuyên gia kinh tế dự đoán.

Hấp dẫn hơn các thị trường khu vực

Dù đánh giá tiềm năng của thị trường bán lẻ ở VN là rất lớn với doanh thu năm 2012 vào khoảng 85 tỉ USD, song Tập đoàn tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) vẫn nhận định rằng tăng trưởng của thị trường bán lẻ VN vẫn chỉ đạt số lượng chứ chưa đạt chất lượng.

Nhìn chung, sự phát triển của thị trường còn manh mún, không đồng bộ, chưa đạt trình độ chuyên nghiệp. Hiện nay, kênh bán hàng hiện đại tại VN chỉ mới chiếm từ 18% - 20% trong tổng cơ cấu thị trường bán lẻ, hấp dẫn hơn so với mức 33% - 90% của các thị trường Philippines, Trung Quốc và Singapore.



Theo Người lao động
Báo cáo phân tích thị trường