Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường bán lẻ Việt Nam: Nấm mọc sau mưa
26 | 07 | 2007
Một loạt sự kiện trong nước và thế giới đang diễn ra khẳng định một điều: người bán lẻ, người tiêu dùng Việt Nam đang là tâm điểm của thế giới kinh doanh hiện nay. Nhiều nhà đầu tư đang nhắm đến Việt Nam
Theo nhận định của Hội đồng Quốc tế Các trung tâm mua sắm (ICSC) năm 2006, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP đáng ngạc nhiên 8,2%, và hiện là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai châu Á.

Với thị trường bán lẻ trị giá 37 tỉ USD mỗi năm, Việt Nam hiện đứng vị trí thứ tư thế giới về cơ hội bán lẻ hấp dẫn sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, nhóm chi tiêu tiêu dùng lớn nhất đang ở tuổi 22 - 55, chiếm tới 70,29% dân số Việt Nam. Chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến đạt 53 tỉ USD vào năm 2010.

Dẫn đầu tiêu dùng hàng hi-tech

Trong tuần qua, công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen công bố: Người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ năm về chỉ số lạc quan tiêu dùng (Global Consumer Confidence Index). Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục, đạt 118 điểm và tăng lên 1 điểm, trong khi chỉ số này trên toàn cầu giảm 2 điểm, chỉ còn 97 so với cuối năm 2006.

Trong số 10 quốc gia lạc quan nhất về tình hình tài chính cá nhân, 72% người Việt Nam tham gia cho biết họ sẵn sàng bỏ tiền trang bị vật dụng kỹ thuật cao, các loại hình giải trí và quần áo mới. Khát khao sở hữu những phương tiện hiện đại của người Việt Nam đang dẫn đầu các quốc gia được khảo sát và cao hơn cả những nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil.

Cuộc khảo sát chỉ số niềm tin diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 và phản ánh tâm lý người tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2007.

Với nhận định trên, chắc chắn Việt Nam sẽ là địa điểm phát triển bán lẻ lớn trong thời gian tới. Ông Tang Guan Heng, giám đốc ICSC châu Á - Thái Bình Dương cho rằng những điều kiện trên báo hiệu một cơ hội lớn cho sự phát triển và duy trì một thị trường bán lẻ thuận lợi.

Cơ cấu bán lẻ tại Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn trong những năm sắp tới. Đây là thời điểm thuận lợi, cơ hội tốt cho các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài thâm nhập, mở rộng thị phần và tăng lợi nhuận tại đây.

Theo một khảo sát về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam được tiến hành vào tháng 4/2006, người tiêu dùng hiện nay cân nhắc kỹ trong việc chọn một nơi mua phù hợp. Về kênh bán lẻ, các siêu thị, cửa hàng chuyên, đại lý trở thành các kênh phân phối được đa số người tiêu dùng lựa chọn.

Tăng tốc

Các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng không ngừng tăng tốc mở thêm nhiều siêu thị mới. Đến nay cả nước đã có 160 siêu thị và 32 trung tâm thương mại. Ông Ngô Văn Hải, phó giám đốc Công ty TNHH Đông Hưng, cho rằng việc “bùng nổ” hàng loạt siêu thị mới không chỉ ở các trung tâm thành phố lớn, mà còn lan rộng các tỉnh, thành.

“Chúng tôi buộc phải chạy đua với thời gian, tìm chỗ “dừng chân” thích hợp trước thời điểm Chính phủ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền mở siêu thị, trung tâm phân phối”, ông Hải nói.

Gần đây Saigon Co-op cùng ba doanh nghiệp trong nước là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái đã sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Saigon Co-op.

Hiện VDA đang khảo sát mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch, liên hệ các địa phương xin quy hoạch và tìm địa điểm xây dựng trung tâm thương mại và nhà kho để không bị chậm chân.

Triển vọng của ngành bán lẻ rất lớn nhưng bài toán cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Nâng cao chất lượng phục vụ, áp dụng công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại, hiệu quả để giảm chi phí vẫn là những bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt Nam.



Nguồn tin: Sài Gòn Tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường