Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất nấm, nghề mới ở nông thôn
25 | 04 | 2008
Xuất hiện rải rác cách đây hơn mười năm, nhưng nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu thật sự phát triển từ năm 2002 đến nay ở nhiều tỉnh trong cả Nước. Tuy nhiên, để đạt một triệu tấn nấm hàng hóa vào năm 2010, còn nhiều việc cần tháo gỡ, giải quyết.


Những mô hình tốt

Giữa hàng chục bịch nấm linh chi, mộc nhĩ treo lơ lửng trong các lán trại đang thời kỳ đâm chồi, phát triển, anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Yên Cống, xã Khánh An, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), giới thiệu quy trình, kỹ thuật trồng và thu hái các loại nấm ăn, cách muối nấm, bảo quản và nhập hàng cho các đầu mối.

Bây giờ đã có một cơ ngơi kha khá, nhưng nét mặt Quang chưa hết đăm chiêu, khi nhớ lại cách đây mấy năm. Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, hết làm ruộng, đạp xích lô, ai cần thuê mướn cái gì làm tất nhưng nhiều năm liền vẫn là hộ nghèo khó nhất làng. Sau khi dự một lớp học 10 ngày ở Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (CNSHTV), thuộc Viện Di truyền nông nghiệp về (cuối năm 2001) anh vay ông trưởng thôn 600 nghìn đồng làm thử một ít nấm sò trên đất vườn. Thấy có lãi hơn cấy lúa, anh mạnh dạn vay vốn của ngân hàng nông nghiệp, thuê đất của hợp tác xã (2.500m2), sản xuất thêm các loại nấm mỡ, nấm rơm, linh chi. Nghề sản xuất nấm đã giúp gia đình vượt qua khó khăn. Vì vậy, năm 2008, anh dự định đầu tư để sử dụng 250 tấn nguyên liệu vào sản xuất các loại nấm, trừ các khoản chi phí, có thể thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.

Ở quy mô lớn hơn, anh Phạm Như Ngoạn, xã Khánh Phú, khởi nghiệp sản xuất nấm từ năm 2004. Không phải phân tro, lo lắng chuyện sâu bệnh và hiệu quả thấp như cấy lúa, trồng màu, anh Ngoạn cùng hai, ba hộ khác hùn vốn, đấu thầu đất của xã, vay thêm vốn của ngân hàng đầu tư cho lán trại, lò sấy, máy bơm gần một tỷ đồng. Trên diện tích hơn 1,3 ha, theo mùa vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật do Trung tâm CNSHTV giúp đỡ, ngoài các loại nấm rơm, nấm mỡ, mộc nhĩ, trang trại của hộ anh Ngoạn phát triển một số loại nấm cao cấp như đùi gà, trân châu và nấm dược liệu linh chi. Chị Nguyễn Thị Tơi, vợ anh cho biết: Thường xuyên thuê 20 lao động (mức tiền công 25 - 30 nghìn đồng/người/ngày), lúc chính vụ cần 40 - 50 người làm. Từ năm 2006, sử dụng hàng trăm tấn nguyên liệu mỗi năm, như năm vừa rồi, doanh thu từ sản xuất nấm đạt khoảng 800 triệu đồng.

Ðến huyện Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh), một địa phương nổi tiếng về phát triển nghề trồng nấm từ vài năm trở lại đây. Ông Ðới Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm dạy nghề công lập, Phó trưởng Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nấm ăn của huyện cho biết: Nghề trồng nấm xuất hiện ở Nghĩa Hưng từ những năm 90, thế kỷ trước nhưng vì nhiều lý do bị "chìm" dần. Năm 2005 được sự hỗ trợ của Trung tâm CNSHTV, huyện tổ chức một số lớp tập huấn và chọn bốn xã: Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng làm điểm.

Từ thực tế sản xuất có hiệu quả, lại xác định tiềm năng lao động và nguồn nguyên liệu sẵn có lâu nay bị đốt bỏ (khoảng 150 - 170 nghìn tấn rơm, rạ, thân cây ngô sau thu hoạch), huyện Nghĩa Hưng xây dựng đề án "sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2006 - 2010". Sang năm 2008 này, nghề trồng nấm đã phát triển ở 20/25 xã trong huyện với các quy mô hộ gia đình đến tổ hợp trang trại (chiếm 60% nấm xuất khẩu của các tỉnh phía bắc), tạo công ăn việc làm gần 100 nghìn công lao động; góp phần giúp không ít hộ nghèo trên địa bàn từng bước cải thiện đời sống và bước đầu hàng chục hộ trở nên khá giả. Cũng chính vì vậy, sau cấy lúa, sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu đang trở thành nghề chính của nhân dân huyện Nghĩa Hưng với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt mười nghìn tấn nấm các loại.

"Bà đỡ" của nông dân

GS, TS Nguyễn Hữu Ðống (nguyên giám đốc) và thạc sĩ Ðinh Xuân Linh, hiện là Giám đốc Trung tâm CNSHTV trao đổi với chúng tôi nấm ăn, nhất là các loại nấm mỡ, sò, linh chi chứa nhiều chất dinh dưỡng như prôtêin, glucid, lipid, các axit amin, khoáng chất... và các hoạt chất sinh học có thể chiết xuất làm thuốc. Nấm lại được trồng trong điều kiện bảo đảm môi trường vệ sinh, bởi vậy người ta coi nấm là một loại "rau sạch", "thịt sạch" hay là "thực phẩm thuốc".

Những năm gần đây, một số đơn vị khoa học trong cả nước đã chọn tạo được một số giống nấm phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta. Song gắn bó và "duyên nợ" với cây nấm phải kể đến đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học Trung tâm CNSHTV, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cách đây 14 năm, từ những nghiên cứu, mở lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân một số xã thuộc các huyện Từ Liêm (Hà Nội), Chương Mỹ, Hoài Ðức (Hà Tây), Mê Linh (Vĩnh Phúc) bằng hình thức cầm tay chỉ việc, đến nay Trung tâm đã tổ chức gần 120 lớp tập huấn (25-30 người/lớp) cách trồng, chế biến và bảo quản nấm ăn và nấm dược liệu cho khoảng 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với đội ngũ cán bộ có năng lực, sớm hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm, lại gắn bó với nông nghiệp và nông thôn, cho nên hơn mười năm qua, Trung tâm CNSHTV được giao chủ trì hàng chục đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp bộ về lĩnh vực nấm ăn. Ðáng chú ý, trong đó phải kể đến các dự án "sản xuất thử nghiệm các loại giống nấm" (năm 1999-2002), "phát triển giống nấm chất lượng cao" trong chương trình giống quốc gia giai đoạn 2002-2010; là các đề tài "nghiên cứu, chọn tạo các loại giống nấm ăn và nấm dược liệu quý ở Việt Nam" (năm 2001-2004), "sản xuất thử nghiệm một số loại nấm ăn cao cấp" thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010. Những năm qua, ngoài việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trồng, chế biến, bảo quản nấm ăn và nấm dược liệu về nông thôn, Trung tâm còn cung ứng từ 250-300 tấn giống gốc, giống cấp 1, cấp 2; hỗ trợ vốn, vật tư cho một số hộ nghèo ở Ninh Bình, Nam Ðịnh và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm hàng nghìn tấn/năm cho bà con nông dân.

Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ

Xây dựng các mô hình làm điểm về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu đạt hiệu quả, các tỉnh Nam Ðịnh, Ninh Bình đều có chủ trương mở rộng và phát triển diện tích trồng nấm; không ít huyện xác định đây là cây trồng chính bởi nó không chỉ tận dụng được lao động, nguyên liệu sẵn có tại chỗ mà còn thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình còn lắm khó khăn ở nông thôn.

Thời gian qua, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, phần lớn các địa phương đều có những chính sách hỗ trợ người nông dân sản xuất nấm. Tuy nhiên để cây nấm ăn và nấm dược liệu thật sự "hấp dẫn" người dân, và tham gia tích cực vào công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nông thôn, vẫn còn không ít bất cập cần tháo gỡ. Trước hết, muốn có khối lượng sản phẩm lớn, lợi nhuận cao đòi hỏi phải có diện tích mặt bằng rộng và trên cơ sở liên kết nhóm hộ gia đình, chứ không thể làm ăn manh mún, trong khi ở khá nhiều địa phương việc dồn điều, đồi thửa nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho người dân còn khó khăn, lúng túng. Từng bước xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến nấm với quy mô thích hợp cho từng vùng sản xuất, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trồng, chế biến, bảo quản các loại nấm ăn và nấm dược liệu là một nghề mới thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, cho nên Nhà nước có sự quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chọn tạo giống có chất lượng; phấn đấu đến năm 2010, mỗi địa phương có thể chủ động về giống cấp 1, cấp 2, cấp 3. Tăng cường công tác khuyến nông, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nấm, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại các địa phương để họ trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình nắm bắt cách nuôi trồng, chế biến và bảo quản nấm; tránh hiện tượng tập huấn qua loa, người sản xuất "nghe tai nọ, xọ tai kia" dẫn đến tình trạng một số trường hợp làm không đúng quy trình, lỡ thời vụ, đành ngậm ngùi "của đau con xót". Sản xuất hàng hóa, nhất là nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu cần đầu tư nhiều mặt. Vì vậy ngành ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội cần có cơ chế cho vay thích hợp nhằm tạo điều kiện cho người nông dân phát triển nghề mới một cách có hiệu quả.



kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường