Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mùa dâu ngọt
14 | 04 | 2008
Ở ấp Nhơn Thuận và ấp Thị Tứ (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) có 6 điểm trồng dâu bòn bon (gọi tắt là dâu) trên diện tích 12ha. Loại dâu này có vỏ màu vàng khá đẹp mắt, khác dâu Hạ Châu và một vài loại dâu khác vỏ xanh

Năm 1997, một số nông dân địa phương đã mua cây giống loại dâu này từ Bến Tre về trồng. Dâu trồng 3 năm thì cho trái chiếng, năm thứ tư mới có dâu hàng hóa. Dâu trồng cách nhau chừng 2 thước dài theo hai bên bờ đất; mỗi bờ dài 300 thước, rộng chừng 3 thước. Giữa hai bờ là mương nước. Anh Võ Văn Thô, 28 tuổi, con ông Võ Văn Măng (một nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trồng dâu ở đây) cho biết, mọi năm khoảng tháng tư âm lịch dâu mới cho trái chín.

Năm nay, không hiểu vì lý do gì mà mới đầu tháng ba âm lịch đã có dâu để bán rồi. Dâu có trái chín sớm, bán được giá cao: 6.000 đồng/kg, trong khi giá dâu hồi năm 2007 chỉ có 5.000 đồng/kg. Anh Thô nói, trung bình một cây dâu cho khoảng 70 - 80/kg trái, nếu trúng thì một cây cho chừng 150 - 200kg trái. Với giá bán bình quân 5.500 đồng/kg, vườn dâu 5 công của anh Thô ước tính cho sản lượng chừng 20 tấn trái, thu hoạch khoảng 100 triệu đồng.

Mùa dâu rất ngắn, khoảng 1 tháng tới 1 tháng rưỡi là cùng. Anh Thô cho biết thêm, dâu bòn bon được lái tới tận vườn mua. Bao nhiêu cũng bán hết. Dâu được thương lái ở Tiền Giang mua chở lên TP. Hồ Chí Minh, có năm còn xuất khẩu sang Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Ông Võ Văn Măng tiết lộ chiêu thức trồng dâu của mình: “Không có cây nào trồng khỏe như loại cây này. Hai ba năm tui mới xới đất, trộn rất nhiều phân chuồng cùng một ít phân DAP và Urê bón cho cây giúp tốt bộ rễ dâu. Chính nhờ xài nhiều phân chuồng mà dâu của tui cho trái nhiều, trái bền”. Lâu lâu, ông Măng và anh Thô xịt thuốc dưỡng dâu. Bệnh nặng nhất của loại cây này là có nhiều rệp sáp, phải phun thuốc. Từ đầu vụ tới giờ, ông Măng mới chi phí chừng 5 triệu đồng cho 5 công dâu của mình.

Nhưng để có những cây dâu trái đeo vàng tươi từ ngọn cho tới sát gốc, ông Măng đã có bí quyết riêng. Hào hứng, ông không ngần ngại thố lộ bí quyết riêng: “Trồng dâu trái to - nhỏ hay đẹp - xấu là do kỹ thuật. Dâu rất cần nước. Bóp nhẹ trái dâu mềm như trái cam èo phải biết ngay nó đang thiếu nước. Khi trời nắng dữ, phải để ý tới khâu nước nôi. Làm được điều đó, dâu sẽ cho trái ngon lành. Nhưng quan trọng hơn là việc ghép bông giúp dâu thụ phấn tốt. Tháng 6 tháng 7, dâu đực trổ bông, cắt nhánh bông này ghép vô tược cây dâu cái thì sang mùa sau sẽ có trái đạt yêu cầu. Phấn đực ra trễ 4-5 ngày, phấn già, không làm phấn cái đậu. Lợi hại là ở chỗ đó.

Để có kết quả tốt đẹp đó tôi phải mất nhiều năm trầy trật mày mò, học hỏi”. Chính vì vậy mà ông Măng đã được Hội Nông dân huyện Phong Điền và Hội Nông dân TP. Cần Thơ cấp giấy chứng nhận Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi vào các năm 2005 và 2006. Dù giỏi vậy nhưng có một điều khiến ông Măng hiện nay phải chịu “bó tay” là không thể buộc dâu ra trái nghịch mùa như các loại cây trái khác!

Hết mùa dâu, ông Măng bán dâu giống. Năm 2007, ông chiết 2.000 nhánh theo đơn đặt hàng của khách, bán mỗi nhánh 4.000 đồng. Năm nay, hết tháng ba âm lịch này, ông sẽ chiết nhánh theo đơn đặt hàng của các xã: Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Trường Long (huyện Phong Điền) và huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Hiện ông có 250 cây dâu đang cho trái. Năm 2008 này, ông sẽ trồng thêm 400 cây dâu nữa. Ngoài dâu, ông Măng còn trồng 120 cây sầu riêng và 170 cây măng cụt đang cho trái chiếng. Đó là ông kiếm thêm thu nhập trong suốt gần 10 tháng “dâu... nhàn” trong năm.

Dâu bòn bon được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Đến mùa thu hoạch, anh Thô chẳng cần treo bảng trước cửa vườn, chỉ nhìn dâu bám vàng cành nhánh là nhiều nam thanh nữ tú chạy xe trên bờ đất ngập tràn lá dâu vàng rơi rụng vào tham quan mua trái. Với 10.000 đồng/người “vô cửa” là du khách có thể ngồi dưới tán cây xanh mát rượi dù giữa trưa nắng đổ lửa, hái dâu ăn thoải mái tới khi nào ngán thì thôi. Khi về, du khách mua dâu bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu... Chuyện đó không chỉ có ở vườn ông Măng. Vườn ông Nguyễn Văn Đừng lớn nhất xã Nhơn Nghĩa, rộng tới 1 ha và mấy vườn dâu khác hiện cũng thu hút khách tham quan đông như vậy.

Mai này, khi con đường nối TP Cần Thơ với TX Vị Thanh (Hậu Giang), theo dòng kinh Xà No chạy ngang đây, hoàn tất, mấy vườn dâu ở đây khi vào mùa sẽ càng thêm tấp nập. Dâu, loại cây rừng, cổ thụ sẽ trở thành người bạn trung thành của nông dân khi những khu vườn của họ trở thành điểm du lịch sinh thái hoàn chỉnh với mô hình: câu cá mương vườn, thưởng thức đặc sản miền sông nước cùng vài dịch vụ khác.



Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường