Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nam Trung bộ thiếu giống lạc trầm trọng
10 | 04 | 2008
Do giá lạc thương phẩm ổn định ở mức cao nên diện tích gieo trồng lạc vung Nam Trung bộ ngày một mở rộng. Thế nhưng vì không có nguồn giống ổn định nên hầu hết nông dân phải mua lạc thịt làm giống đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng.




Ông Phạm Văn Thi, cán bộ Cục Trồng trọt đứng chân trên địa bàn cho biết: Diện tích trồng lạc trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đạt đến 170.000 ha/vụ. Với diện tích này bà con nông dân phải cần đến 2.000 tấn giống/vụ. Thế nhưng theo nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp của các tỉnh trong khu vực thì hiện nay chưa có đơn vị nào cung cấp giống lạc ổn định phục vụ sản xuất trên địa bàn. Trong khi đó bà con lại không thể tự dự trữ giống vì không có điều kiện bảo quản.

TS. Lại Đình Hoè- Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, giải thích: “Do đặc điểm về thời tiết nên vụ hè thu ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thường không chủ động được nước tưới nên diện tích trồng lạc tập trung vào vụ đông xuân. Vì diện tích trồng lạc trong vụ hè thu ít nên giống lạc dành cho sản xuất vụ đông xuân không có là bao. Còn lạc sản xuất từ vụ đông xuân năm trước để làm giống cho vụ đông xuân năm sau thì vì qua thời gian dài và do không được bảo quản tốt nên tỷ lệ nẩy mầm rất kém, bà con không dùng. Do đó liên tục xảy ra tình trạng thiếu giống, bà con phải dùng giống không có chất chất lượng nên dẫn đến tình trạng cây lạc cho năng suất kém”.

Quảng Nam, một tỉnh có diện tích trồng lạc lớn nhất khu vực với từ 10.000-12.000 ha mỗi năm, tình hình thiếu giống đã trở thành nỗi bức xúc lớn của ngành nông nghiệp tỉnh này. Anh Võ Văn Nghi-Trưởng phòng Kỹ thuật- Thông tin của Trung tâm Nông nghiệp và Khuyến nông Quảng Nam, cho biết: “Để phần nào đáp ứng nhu cầu giống lạc cho bà con nông dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương sản xuất nhiều giống lạc mới như: L14, MD7, LDH01 nhưng chủ yếu cũng chỉ làm được trong vụ chính (đông xuân) chứ trong vụ hè thu không sản xuất được nhiều diện tích nên Trung tâm chỉ cung ứng được vài chục tấn giống/năm, hầu hết bà con phải mua giống từ Tây Nguyên.

Do mua từ thị trường trôi nổi nên lượng giống này không có phẩm cấp, bị thoái hoá nên sau khi trồng nhiều diện tích lạc đã bị nhiễm các bệnh: héo xanh, lở cội rễ”. Ông Đoàn Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm giống NN Quảng Ngãi cho biết thêm: “Mỗi năm tỉnh Quảng Ngãi sản xuất khoảng 10.000 ha lạc, chủ yếu trong vụ đông xuân. Chúng tôi biết rất rõ tình trạng thiếu giống của nông dân nhưng muốn dự trữ giống từ vụ đông xuân này để cung ứng cho vụ đông xuân năm sau thì phải có kho lạnh. Thế nhưng kho lạnh của công ty chỉ có vài m3 nên dù biết chuyện dữ trữ giống lạc cung ứng cho nông dân hằng năm là việc bức thiết nhưng “lực bất tòng tâm”. Ngoài những hộ có thể xoay xở được, hơn 50% lượng giống được bà con mua ngoài thị trường là lạc thương phẩm mang về từ Tây Nguyên”. Tại Bình Định, vấn đề lạc giống cũng không có gì sáng sủa hơn.

Ông Ngô Tùng Thu- Trưởng phòng Nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, nói: “Lạc giống phục vụ cho sản xuất ở đây luôn bị thiếu trầm trọng. Mỗi ha lạc phải cần đến 200kg giống (lạc vỏ) nên với diện tích 6.500 ha lạc trong vụ đông xuân bà con có nhu cầu về giống rất cao. Trong khi đó việc sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng được từ 7-10% nhu cầu. Đến vụ sản xuất, bà con phải mua từ Tây Nguyên các loại giống lạc sẻ, lạc mỏ két. Gọi là giống nhưng thực ra đó chỉ là lạc thịt và phải mua với giá rất cao, từ 25.000đ-30.000đ/kg”. Nói về chất lượng của các loại giống này, ông Luyện Như Dung- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh, bức xúc: “Giống mua từ các thương lái mang về từ Tây Nguyên bị lẫn tạp đến 30%, tỷ lệ nẩy mầm rất kém, cây lạc phát triển èo uột. Do không có giống nên bà con có gì dùng nấy chứ biết sao hơn”.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp ổn định giống lạc bền vững cho bà con nông dân, anh Võ Văn Nghi- Trưởng phòng Kỹ thuật-Thông tin của Trung tâm Nông nghiệp và Khuyến nông Quảng Nam đề nghị: “Cần đưa lên Tây Nguyên SX các giống lạc có năng suất, chất lượng cao. Sau khi thu hoạch, Tây Nguyên cung ứng ngay cho bà con các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ sản xuất lạc vụ đông xuân. Do diện tích sản xuất cây lạc trên địa bàn ngày càng tăng mạnh nên các địa phương cần đẩy mạnh việc sản xuất lạc giống cung ứng tại chỗ với chính sách hỗ trợ như chương trình cấp 1 hoá giống lúa. Các cơ quan chuyên môn sản xuất giống lạc nguyên chủng cấp cho nông dân và hỗ trợ giá để kích thích nông dân tham gia. Được như vậy thì nạn thiếu giống lạc triền miên sẽ không còn xảy ra nữa và năng suất, sản lượng cây lạc trên địa bàn sẽ được nâng cao”.




.thitruong24g.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường