Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thêm 4 giống rau chất lượng cao
04 | 04 | 2008
Đầu năm nay, Hội đồng KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá cao kết quả dự án SX một số giống rau chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu của Viện Nghiên cứu Rau quả (VNCRQ). Đó là các giống cà chua thuần PT18, cà chua lai F1 VT3 và 2 giống ớt lai F1 HB9, HB14 được VNCRQ nghiên cứu, chọn tạo nhiều năm qua và đến nay đủ điều kiện đưa vào danh mục các giống cây trồng được phép SX tại Việt Nam.
Giống cà chua thuần PT18: PT18 là giống cà chua có dạng hình sinh trưởng hữu hạn do Viện Nghiên cứu Rau quả chọn tạo từ các giống cà chua nhập nội từ Trung tâm phát triển rau châu Á (AVRDC), được Bộ NN-PTNT công nhận là giống Quốc gia và cho phép đưa vào sản xuất đại trà từ tháng 8 năm 2004. PT18 có thời gian sinh trưởng ngắn (100-120 ngày), tán gọn, phân cành ít, khả năng kháng bệnh tốt đặc biệt với bệnh héo xanh vi khuẩn. Giống có tiềm năng năng suất cao 45-50 tấn/ha, chất lượng tốt với độ Brix đạt 4,8-5,2, độ pH thấp <4,5, dạng quả tròn thuôn dài, khi chín có màu đỏ đậm, không bị nứt quả trong tất cả các thời vụ trồng (kể cả trồng vụ trái). PT18 là giống có khả năng trồng rải vụ tốt, có thể trồng và cho năng suất cao trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, cho thu hoạch từ khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 và kéo dài cho tới tháng 6 năm sau. Giống PT18 thích hợp cho ăn tươi và làm nguyên liệu chế biến công nghiệp.
Giống cà chua lai F1 VT3: Giống do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai (15xVX), được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống tạm thời và cho phép đưa vào sản xuất thử nghiệm từ tháng 8 năm 2004. VT3 là giống cà chua có dạng hình bán hữu hạn, cây cao 90-100cm, thời gian sinh trưởng 125-135 ngày, quả tròn, khối lượng đạt 90-100g,13-17 quả/cây, năng suất bình quân đạt 45-50 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt tới 60 tấn/ha, khả năng chống chịu bệnh sương mai, héo xanh virus khá, thích hợp cho ăn tươi và chế biến công nghiệp. Có thể trồng được 2 vụ: vụ chính gieo hạt và trồng từ 15-9 đến 15-10, thu hoạch từ cuối tháng 12 đến tháng tháng 2 năm sau; vụ muộn: gieo và trồng từ 5-11 đến 20-11, thu hoạch từ đầu tháng 3 đến tháng 4 năm sau.
Giống ớt lai F1 HB9: HB9 là giống ớt cay lai F1 do Viện Nghiên cứu Rau quả lai tạo, được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống tạm thời và cho phép đưa vào sản xuất thử nghiệm từ tháng 8 năm 2004. HB9 có thời gian sinh trưởng từ 160-170 ngày, cây cao 65-85cm, tán gọn, lá xanh đậm, hoa trắng, quả non màu xanh nhạt, khi chín đỏ tươi, hơi gồ ghề. HB9 ra quả tập trung, rủ xuống đất (chỉ địa), quả dài 14-16cm, hơi cong ở đuôi. Khối lượng quả bình quân đạt 13-16g, tỷ lệ thịt quả đạt 81-85%, tỷ lệ chất khô đạt 12-14%, độ cay khá, số quả trên cây đạt 55-75 quả, năng suất trung bình đạt 20-23 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt năng suất 30-35 tấn/ha, khả năng chống bệnh thán thư khá. HB9 thích hợp cho chế biến dưới các dạng muối nguyên quả, ớt khô, ớt nghiền bột… Giống ớt cay lai F1 HB9 có thể trồng được 2 vụ/năm:
- Vụ thu đông: gieo hạt cuối tháng 7, đầu tháng 8; trồng vào khoảng trung tuần tháng 9, thu hoạch cuối tháng 11, 12.
- Vụ xuân hè: gieo hạt cuối tháng 11, đầu tháng 12; trồng từ giữa đến cuối tháng 1, thu hoạch quả từ tháng 5, tháng 6.
Giống ớt cay lai F1 HB14: Đây là con lai của tổ hợp lai PV6/MC11 do Viện Nghiên cứu Rau quả lai tạo, được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống tạm thời và cho phép đưa vào SX thử nghiệp từ tháng 8 năm 2004. Cây HB14 cao 60-70cm, tán gọn, lá xanh đậm, hoa trắng, quả non xanh nhạt, chín đỏ, hơi gồ ghề, phần đuôi quả hơi cong, ra quả tập trung, rủ xuống đất (chỉ địa), quả dài 14-16cm, thẳng. Khối lượng bình quân đạt 14-16g, tỷ lệ thịt quả đạt 81-85%, tỷ lệ chất khô đạt 12-14%, độ cay trung bình. Bình quân một cây cho khoảng 65-85 quả, năng suất bình quân đạt 20-25 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 30-35 tấn/ha, khả năng chống bệnh thán thư khá, phù hợp cho ăn tươi và chế biến. Có thể trồng 2 vụ/năm như giống HB9.



kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường