Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo, mì đắt đỏ, khoai tây lên ngôi
23 | 04 | 2008
Do bột mì và gạo tăng giá, khoai tây, một lương thực vốn có vị trí khiêm tốn và lâu nay bị định kiến là dễ gây phát phì – đã được xem là chìa khoá giúp thế giới khắc phục nạn đói với giá rẻ.
Kho báu đã lộ

Khoai tây, xuất xứ từ Peru, có thể trồng ở hầu hết các độ cao và các loại khí hậu: từ những sườn đồi cằn cỗi, giá lạnh trên dãy núi Andes đến đồng bằng nhiệt đới của châu Á. Khoai tây cần rất ít nước, và chỉ 50 ngày là cho thu hoạch với sản lượng cao gấp hai đến bốn lần so với lúa mì hay gạo.

Theo bà Pamela Anderson, Giám đốc Trung tâm Khoai tây quốc tế ở Lima (CIP), một tổ chức khoa học phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các giống khoai tây để giúp tăng cường an ninh lương thực, khả năng lương thực sản xuất ra không đủ nuôi sống thế giới là hoàn toàn hiện thực. Giống như nhiều người khác, bà cho rằng, khoai tây và một phần của giải pháp.
Khoai tây có khả năng trở thành chìa khoá giải quyết vấn đề đói lương thực do giá lương thực tăng cao, dân số thế giới tăng nhanh (cứ 10 năm dân số thế giới lại tăng thêm một tỷ người), giá phân bón và dầu diesel cũng leo thang và ngày càng nhiều diện tích đất được dùng để canh tác các loại cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.

Để gây sự quan tâm đối với khoai tây, LHQ đã gọi năm 2008 là Năm quốc tế về Khoai tây và gọi loại củ này là “kho báu chưa phát lộ”.
Nhiều chính phủ trên thế giới đã bắt đầu coi trọng khoai tây. Trước tình hình giá bột mì tăng gấp đôi so với năm ngoái, các nhà lãnh đạo Peru đã khởi xướng chương trình sản xuất bánh mì từ bột khoai tây. Bánh mì khoai tây được cấp cho trường học, nhà tù và quân đội, với hy vọng xu hướng này sẽ được hưởng ứng. Những người ủng hộ nói vị của bánh mì khoai tây ngon không kém bánh mì truyền thống nhưng hiện chưa có đủ các xưởng sản xuất bột khoai tây. “Chúng ta phải thay đổi thói quen ăn uống của người dân,” ông Ismael Benavides, Bộ trưởng Nông nghiệp của Peru nói. “Người dân đã nghiện bột mì từ khi giá nó còn rẻ.”
Dù khoai tây xuất hiện đầu tiên ở Peru từ cách đây 8.000 năm, nhưng người dân Peru lại ăn ít khoai tây hơn người dân châu Âu: Belarus hiện là nước đứng đầu thế giới về lượng khoai tây tiêu thụ tính theo đầu người: 171kg/người/năm.
Ấn Độ đang muốn tăng gấp đôi sản lượng khoai tây trong vòng 10 năm tới. Trung Quốc, một nước tiêu thụ gạo lớn, trở thành nước trồng nhiều khoai tây nhất thế giới. Ở khu vực hạ Sahara (các nước nằm ở phía bắc sa mạc Sahara), hiện diện tích trồng khoai tây tăng nhanh hơn bất kỳ loại cây lương thực nào.
Người tiêu dùng cũng quay sang chọn khoai tây. Ở Latvia, giá lương thực tăng khiến lượng bánh mì tiêu thụ giảm từ 10 đến15% trong tháng một và tháng hai do người tiêu dùng mua các sản phẩm làm từ khoai tây tăng 20%.
Các nước đang phát triển là nơi khoai tây được trồng mới nhiều nhất và do nhu cầu tiêu thụ khoai tây tăng cao, các nhà nông nghèo đang có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn.

Cuộc cách mạng mới về nhận thức?

“Bản thân các nước này xem khoai tây như một lựa chọn tốt, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa đem lại thu nhập,” bà Anderson nói.
Khoai tây đã trở thành loại lương thực quan trọng thứ ba sau lúa mì và gạo. Ngô, cũng được trồng rộng rãi, nhưng giờ đây chủ yếu chỉ để dùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với màu sắc từ trắng như thạch cao đến vàng nhạt hay tím sẫm và với vô số hình dáng, kích cỡ, khoai tây tạo điều kiện cho các đầu bếp có thể tạo ra nhiều món ăn mới bắt mắt.
“Chúng ngon tuyệt,” Juan Carlos Mescco, 17 tuổi, một nông dân trồng khoai tây ở vùng núi Andes thuộc Peru nói. Anh thường ăn khoai tây xắt lát rồi luộc, hoặc khoai tây nghiền - từ bữa sáng cho đến bữa tối.
Khoai tây đôi khi bị xem là thực phẩm gây béo. Trên thực tế, khoai tây rất giàu dinh dưỡng mà không gây béo: Một củ khoai tây cỡ trung bình có thể cho 110 calo mà hầu như không kèm theo chất béo. Khoai tây cũng cung cấp rất nhiều đường tinh bột, vitamin C, sắt, kali, kẽm, và cả chất chống ô xi hoá được xem là có tác dụng ngừa ung thư.
Một yếu tố khiến khoai tây có giá phải chăng đó là không giống như bột mì, nó không phải là thứ hàng hoá mang tính toàn cầu, bởi vậy không hấp dẫn các đầu tư mang tính đầu cơ.
Mỗi năm, nông dân trên toàn thế giới sản xuất khoảng 600 triệu tấn lúa mì và khoảng 17% tổng số đó được đem giao dịch trên thị trường quốc tế.
Sản lượng lúa mì gần như gấp đôi sản lượng khoai tây. Các nhà phân tích ước tính, chưa đến 5% khoai tây được đem giao dịch trên thị trường quốc tế, và giá cả chủ yếu phụ thuộc vào khẩu vị từng địa phương thay vì nhu cầu quốc tế.
Khoai tây tươi khá nặng và có thể bị thối rữa khi vận chuyển, bởi vậy việc buôn bán khoai tây phát triển chậm. Khoai tây cũng dễ mang theo mầm bệnh, khiến việc xuất khẩu còn hạn chế để tránh lây lan dịch bệnh trên cây trồng.
Những yếu tố kể trên khiến giá khoai tây ở một số nước thấp, và khoai tây không phải là loại cây trồng hấp dẫn đối với người nông dân. Người trồng khoai tây ở Peru cho rằng chính phủ phải giúp khơi dậy nhu cầu tiêu thụ khoai tây.
“Giá khoai tây thấp. Không đáng để tốn công trồng trọt,” bà Juana Villavicencio, người có thâm niên trồng khoai tây đã 15 năm và hiện bán khoai tây với giá chỉ vài xu một kg ở chợ Cusco thuộc miền nam Peru, nói.

Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học Đức đã giới thiệu các giống khoai biến đổi gene có thể chống lại bệnh mốc sương (late blight) - một loại bệnh nguy hại nhất ở cây khoai tây. Căn bệnh này này hiện vẫn khiến khoảng 20% số vụ khoai tây trên toàn thế giới mất mùa mỗi năm, các nhà khoa học Đức cho biết.
Theo họ, nếu dùng hạt giống khoai tây sạch, không nhiễm virus thì nông dân có thể tăng sản lượng 30% và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Điều này sẽ khuyến khích họ trồng nhiều khoai tây hơn bởi vì các công ty có thể xuất khẩu khoai tây đặc sản ra nước ngoài thay vì chỉ xuất khẩu các món khoai tây đã được chế biến sẵn như khoai tây chiên.


vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường