Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, bình quân các nước thành viên của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) tiêu thụ nội địa mỗi năm lên đến 25,16% sản lượng, trong khi Việt Nam (là thành viên của Tổ chức) hiện nay chỉ mới đạt 5% sản lượng thu hoạch. Anh Nguyễn Hồng Phong, Lê Văn Vĩnh, ở thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M'Gar (Đắc Lắc) là những người có thâm niên trồng cà phê từ 25 năm trở lên, với diện tích mỗi nhà từ 5 ha trở lên, mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cà phê nhân. Mặc dù làm ra cả "núi" cà phê, ấy thế mà các anh vẫn chưa cảm nhận được cái hương vị đậm đà, đầy quyến rũ của cà phê. Các anh nói: Mình quanh năm lam lũ với nương rẫy, chỉ biết uống nước chè, hoặc nước trắng thôi, chứ cà phê khó uống lắm, lại mất công, tốn thời gian !.
Không chỉ có anh Phong, anh Vĩnh mà nhiều nông hộ chuyên sản xuất kinh doanh cà phê trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan Đắc Lắc, nơi được mệnh danh là "Vương quốc cà phê", nơi chiếm 50% trong tổng số lượng cà phê xuất khẩu của cả nước và chiếm 60% tỷ trọng GDP của tỉnh này vẫn không thích dùng cà phê. Đơn giản là tập quán uống cà phê vẫn chưa thay thế được thức uống hàng ngày truyền thống của bà con là trà, hoặc chè xanh, nước trắng. Làm cà phê chỉ để xuất khẩu, còn đối với phần lớn người tiêu dùng trong nước họ xem đây là loại thực phẩm "xa xỉ". Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, với đa số thành viên là doanh nghiệp Nhà nước, trong mấy năm qua, vẫn loay hoay mãi với việc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu, sử dụng các biện pháp hạn chế thua lỗ xuất khẩu, mà chưa có chương trình hoạch định chiến lược ngắn hạn, dài hạn cụ thể cho việc tiêu thụ cà phê trong nước. Thực tế, trong mấy năm qua, cả nước hầu như không có một hoạt động xúc tiến thương mại tích cực nào nhằm thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước. Có chăng là do các doanh nghiệp, địa phương tự lo, tự quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê của mình đến với thị trường. Năm 2003, doanh nghiệp cà phê Trung Nguyên ra mắt G7, mời gọi mọi người uống cà phê miễn phí tại Dinh Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh). Và đến năm 2005, Đắc Lắc mở Festival cà phê Buôn Ma Thuột, thực chất chỉ là một hoạt động triển lãm về mặt hàng cà phê, mang tính chất phô trương, quảng bá hơn là tính chất thương mại. Cũng nhờ đó, việc tiêu thụ cà phê trên thị trường nội địa bắt đầu tăng lên một cách đáng kể. Ngay tại Đắc Lắc, trước đây chỉ có vài cơ sở chế biến rang xay cà phê bột, nay đã tăng lên 140 cơ sở rang xay chế biến cà phê bột, cà phê hoà tan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Trung Nguyên, An Thái, Mêhicô, Nam Nguyên, 2/9...., mỗi năm cũng tiêu thụ được gần 10.000 tấn cà phê nhân. Ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột, hiện nay quán cà phê mọc lên như nấm sau cơn mưa, có nhiều khu phố, tuyến đường chuyên bán cà phê...Không riêng gì Đắc Lắc, mà hiện nay các tỉnh, thành khác trong cả nước, cà phê cũng đã và đang trở thành một loại nước uống ưa chuộng của nhiều người từ thành thị đến nông thôn.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, ông Lữ Ngọc Cư cho biết, vào cuối tháng 11 và những ngày đầu tháng 12 này, tỉnh Đắc Lắc sẽ tổ chức" Tuần lễ văn hoá cà phê" tại hai thành phố lớn của cả nước đó là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. "Tuần lễ văn hoá cà phê" này là hoạt động quảng bá, gắn kết kinh tế với văn hoá, đưa kinh tế cà phê vượt qua giới hạn của hoạt động sản xuất, làm thăng hoa giá trị của cây cà phê để xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nhằm tăng tiêu thụ cà phê nội địa, vừa đẩy mạnh tiêu thụ cà phê ở nước ngoài, tăng thu nhập cho người trực tiếp sản xuất cà phê. Cũng theo ông Lữ Ngọc Cư, việc quảng bá, tăng tiêu dùng nội địa ngày càng tăng với mong muốn từng bước đưa văn hoá ẩm thực cà phê lên thành "cà phê đạo" từ thành thị đến nông thôn sớm trở thành hiện thực.