Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN bán lẻ nội địa: Yếu và thiếu liên kết
04 | 06 | 2008
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hàng loạt đại gia trong ngành bán lẻ thế giới như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia), Dairy Farm (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc), Wal Mart (Mỹ), Carefour (Pháp), Tesco (Anh)... đã và đang thực hiện các dự án kinh doanh lớn tại VN.
Sự có mặt của các đại gia này tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước, đẩy họ đến gần nguy cơ mất thị trường.


Nếu các doanh nghiệp bán lẻ nội địa không thay đổi tư duy kinh doanh thì nguy cơ bị các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài “thôn tính” là rất cao


Áp đảo bằng chính sách giá rẻ

Có mặt ở VN sớm nhất, Metro Cash & Carry và Bourbon (hệ thống siêu thị Big C) đang theo sát nhau về số lượng siêu thị tại VN và tốc độ thực hiện các dự án mới. Cả 2 đại gia này đều đã có 8 siêu thị tại các thành phố lớn trên cả nước. Hai tập đoàn này cũng khá thông thuộc tâm lý, tập quán của người tiêu dùng VN là ưa thích hàng giá rẻ nên cùng một loại hàng hóa của một nhà cung cấp nhưng giá bán tại Metro luôn rẻ hơn thị trường và các siêu thị khác từ 5% - 10%. nhiều mặt hàng tại Big C có giá rẻ hơn các siêu thị khác từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/món. Khoản chênh lệch này đủ để kéo khách hàng từ các siêu thị khác về Big C, nhất là trong thời điểm giá cả tiêu dùng đắt đỏ như hiện nay.

Cần thay đổi tư duy kinh doanh

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Ngọc, các nước phát triển đang giảm bớt các siêu thị bán lẻ, xuất khẩu các siêu thị bán lẻ sang các nước đang phát triển như VN và tập trung phát triển thương mại điện tử ở nước họ. Vì thế, các nhà bán lẻ trong nước nên thay đổi tư duy kinh doanh và tập trung xây dựng, phát triển hình thức bán lẻ truyền thống là các cửa hàng tạp hóa đồng thời hướng đến thương mại điện tử.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TPHCM, nhìn nhận: Hệ thống siêu thị VN chưa cạnh tranh được với DN bán lẻ nước ngoài cả về số lượng hàng, đa dạng hóa sản phẩm, tầm cỡ siêu thị lẫn khả năng ứng phó trước biến động của thị trường. Các DN nước ngoài nhận phân phối hàng với tiêu chuẩn cao và ký hợp đồng dài hạn nên giữ được giá bán ổn định trong khi đa số DN trong nước đều ký hợp đồng ngắn hạn, phải lệ thuộc nhiều vào biến động giá.


Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex, các tập đoàn nước ngoài vào VN có nhiều kinh nghiệm, tài chính dồi dào, chấp nhận lỗ từ 4-5 năm để giành thị trường trong khi không có DN trong nước nào đủ điều kiện làm như vậy.


DN bán lẻ nội địa: yếu và thiếu liên kết

Từ năm 2006, các DN bán lẻ VN đã tăng tốc đầu tư mở rộng mạng lưới và chuẩn bị nguồn lực cho cuộc cạnh tranh khi vào WTO. Hàng loạt siêu thị mới ra đời, nhiều dự án xây dựng trung tâm thương mại cao cấp, hệ thống kho vận... được khởi công. Thế nhưng, nhìn chung, nỗ lực của các DN chỉ mới dừng lại ở phát triển bề rộng chứ chưa có chiều sâu. Theo một chuyên gia kinh tế, DN VN không chỉ thiếu vốn, mặt bằng, nhân lực, hậu cần... mà còn thiếu liên kết. DN bán lẻ nào cũng kinh doanh một loại siêu thị tổng hợp chứ chưa có siêu thị hàng hóa đặc trưng và ít hợp tác với nhau. Điển hình là Saigon Co.op và Satra vẫn không tìm được tiếng nói chung sau nhiều lần họp bàn phương án liên doanh. Việc liên kết giữa bốn “anh cả” bán lẻ VN là Saigon Co.op, Tập đoàn Phú Thái, Satra, Hapro ra đời từ tháng 5-2007 nhưng đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Hệ quả là chưa có được một tập đoàn bán lẻ nội địa nào đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các đại gia nước ngoài. Để tự cứu mình, một số DN bán lẻ trong nước âm thầm liên doanh với DN nước ngoài. Giám đốc một siêu thị lớn cho rằng cứ theo đà này thì trong vòng 5 năm nữa, khó duy trì chứ đừng mong đến phát triển thương hiệu bán lẻ nội địa.


DN bán lẻ VN với ưu điểm là hiểu được sở thích, thói quen, phong tục của người dân nên có thể đứng được trên sân nhà nếu có chính sách kinh doanh phù hợp và được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. “Đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa xây dựng xong định hướng quy hoạch tổng thể mạng lưới bán lẻ cho cả nước thì nhiều tập đoàn nước ngoài đã nhanh chân xây dựng chuỗi cung ứng bán buôn. Họ luôn đi trước ta một bước” – bà Hương nhìn nhận.

Việt Nam: Điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư bán lẻ

Ấn Độ, được xếp hạng là nơi hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư bán lẻ của những thị trường mới nổi trong 3 năm qua, đã mất vị trí hàng đầu về lĩnh vực này trong năm nay, thay vào đó là Việt Nam, theo một báo cáo mới nhất vừa được công bố.

Nghiên cứu hằng năm của hãng tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) cho thấy Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí thứ 4 năm 2007 lên vị trí số 1 năm nay, nhờ vào tốc độ tăng GDP bền vững, những thay đổi về cơ cấu theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bán lẻ và mở rộng đòi hỏi của người tiêu dùng đối với các khái niệm bán lẻ hiện đại. Trong lúc đó, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, 3 nước đứng đầu bảng về chỉ số này hồi năm ngoái, rớt xuống các thứ hạng 2, 3 và 4 trong năm nay theo thứ tự tương ứng. “Trong khi Ấn Độ xuống vị trí thứ 2, nước này vẫn là địa chỉ “nóng” đối với các nhà bán lẻ khắp thế giới. Tuy nhiên, những thách thức tăng lên trong việc kinh doanh bán lẻ ở Ấn Độ đã dẫn đến tình trạng không giữ đúng mục tiêu phát triển”, Hemant Kalbag ở AT Kearney nhận xét.



Theo NLĐ
Báo cáo phân tích thị trường