Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi mạnh
07 | 04 | 2008
Gia nhập WTO và phát triển kinh tế mạnh mẽ, mức sống được cải thiện đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam: Thói quen mua sắm hiện đại tăng từ 9% (2005) lên 14% vào năm 2007 và dự kiến là 24% vào năm 2010.
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam không thụ động mà đang từng bước thích ứng với tình hình mới: cạnh tranh ngày một gay gắt” - Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá như vậy tại một diễn đàn quốc tế về vấn đề bán lẻ Việt Nam diễn ra hôm qua (28/3), tại TP Hồ Chí Minh.
Khác với mọi khi, tại diễn đàn này, nhiều DN trong nước bày tỏ sự lạc quan về tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam sau giờ G (1/1/2009) - thời điểm mở cửa toàn bộ thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.
“Gia nhập WTO và phát triển kinh tế mạnh mẽ, mức sống được cải thiện đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng ở Việt Nam”-Bà Loan nói, đồng thời dẫn chứng: Thói quen mua sắm hiện đại ( mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên dụng…) của người Việt Nam tăng từ 9% (2005) lên 14% vào năm 2007 và dự kiến sẽ tăng lên 24% vào năm 2010.
Riêng thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ tương ứng là 15%, 24% và 37%.
Các hành vi tiêu dùng thay đổi như từ mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống, kể cả “chợ cóc” chuyển sang mua sắm khối lượng lớn cho cả tuần tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và qua mạng Internet; đồng thời gia tăng giá trị mua sắm, sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kể cả chăm sóc sắc đẹp cho cả phụ nữ và nam giới; dịch vụ du lịch, bảo hiểm, giáo dục…
Tầng lớp “người tiêu dùng trẻ” cũng như người tiêu dùng có thu nhập cao tăng lên, thúc đẩy hoạt động bán lẻ cao cấp. Điều đó cho thấy sự phát triển khá lạc quan của các DN bán lẻ Việt Nam.
Cũng theo bà Loan, đi đôi với sự thay đổi của thói quen tiêu dùng là sự thay đổi trong xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Xu hướng và là động thái tích cực trong thời gian gần đây của các DN bán lẻ trong nước là cùng nhau liên kết và xây dựng chiến lược dài hạn, tăng cường tính chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực và quản lý hiện đại, đồng thời khắc phục những điểm yếu cố hữu trong công tác tài chính và logistic.
Điển hình là hàng loạt chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Coop Mart, Hapro Mart, Phú Thái Group, Vinatex Mart, Fivimart, HTX Thuận Thành - Thừa Thiên-Huế…
Ngoài ra còn hình thành mối liên kết, hợp tác giữa các nhà bán lẻ Việt Nam với các nhà bán lẻ nước ngoài, và với các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa. Cùng với sự gia tăng của các nhà bán lẻ nước ngoài là sự gia tăng về các loại hình kinh doanh mới, hiện đại và nhiều tiện ích. Xu hướng mua bán, sáp nhập DN trên thị trường bán lẻ cũng rất sôi động.
“Việt Nam trở thành trung tâm mua sắm của châu Á, tại sao không?” - Bà Trần Mỹ Hòa-Phó TGĐ CT Group đặt vấn đề, rồi tự trả lời: Với những ưu thế về vị trí địa lý, ẩm thực và giá nhân công…, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển (bán lẻ) bằng các nước bạn và trở thành trung tâm mua sắm mới của châu Á và thế giới.
“Nếu Việt Nam có một trăm trung tâm mua sắm như Singapore thì việc trở thành thiên đường mua sắm là hoàn toàn hiện thực”- Bà Hòa lạc quan nói, đồng thời cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu đó, CT Group đã chuẩn bị một kế hoạch lớn, đó là mở 16 trung tâm mua sắm cao cấp trên cả nước, và trong năm 2008 sẽ phát triển thêm 80 cửa hàng hạng sang, nâng tổng số cửa hàng loại này lên 150.



doanhnghiep24g.com
Báo cáo phân tích thị trường