Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh doanh thuỷ sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2008
05 | 04 | 2008
Theo dự kiến, giá trị và khối lượng thương mại thuỷ sản của nước này năm 2008 tiếp tục tăng nhưng ở mức khiêm tốn...
Tổng giá trị thương mại thuỷ sản của Trung Quốc năm 2007 ước đạt 12,6 tỉ USD, trong đó, nhập khẩu đạt 3,6 tỉ USD và xuất khẩu đạt 9 tỉ USD, tăng lần lượt, 7%, 13% và 5% so với năm 2006.
Thặng dư thương mại đạt 5,4 tỉ USD, tương đương với mức năm 2006. Năm 2007, thuỷ sản tiếp tục là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Mặc dù vậy, năm 2007, khối lượng xuất khẩu thuỷ sản của Trung Quốc chỉ tăng gần 3%, thấp hơn nhiều so với mức 17% năm 2006. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này là Mỹ thắt chặt kiểm soát nhập khẩu kể từ tháng 6/2007 sau khi thuỷ sản của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều đợt thanh tra của các nước nhập khẩu lớn trên thế giới.

Tiếp tục tăng nhập khẩu để chế biến

Nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng từ mức 2,4 triệu tấn năm 2007, tăng 9% so với năm 2006. Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 3,6 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2006. Hiện vẫn chưa có thống kê về thị phần thuỷ sản nhập khẩu phục vụ chế biến và tái xuất nhưng theo ước tính, thuỷ sản chế biến chiếm tới 40% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Trung Quốc. Nhập khẩu để tiêu thụ nội địa cũng tăng nhưng với tốc độ khá chậm.

Chính phủ Trung Quốc đã có chủ trương rất rõ ràng về việc ưu tiên mở rộng ngành chế biến để tạo việc làm cho người lao động. 10 tháng đầu năm 2007, Trung Quốc nhập khẩu 1,95 triệu tấn thuỷ sản, tăng so với 1,77 triệu tấn năm 2006, phần lớn được chế biến và tái xuất khẩu. Trong đó, nhập khẩu các loài thân mềm tăng 21%, chiếm 11% tổng giá trị nhập khẩu thuỷ sản, thuỷ sản đông lạnh tăng 9%, chiếm 75% tổng giá trị nhập khẩu.

Nga sẽ tiếp tục là nhà cung cấp thuỷ sản hàng đầu cho Trung Quốc. Vị trí này đã được duy trì liên tiếp trong 7 năm qua. Tiếp theo là Mỹ và Nhật. Năm 2007, nhập khẩu thuỷ sản từ Nga vượt 1,3 tỉ USD, tăng 11% so với năm trước, chiếm 38% tổng nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc. Nhập khẩu từ Mỹ tiếp tục tăng trong năm 2007. Tổng giá trị nhập khẩu từ Mỹ ước đạt 450 triệu USD, tăng 10% so với năm 2006. Mỹ là nhà cung cấp thuỷ sản lớn thứ 2 cho Trung Quốc kể từ năm 2004.

10 tháng đầu năm 2007, thuỷ sản đông lạnh là mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Trung Quốc với các loài gồm cá bơn (giá trị nhập khẩu đạt 123 triệu USD), cá hồi (113 triệu USD), cá tuyết (58 triệu USD), và nhuyễn thể (30 triệu USD).

Nhập khẩu cá hồi từ Mỹ năm 2007 tăng mạnh (60%), đạt 125 triệu USD do nhu cầu chế biến và nhu cầu tiêu thụ nội địa loài thuỷ sản này tăng cao. Nhiều người tin rằng, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những thị truờng tiêu thụ cá hồi lớn nhất trên thế giới trong tương lai.

Ngoài ra, nhu cầu đối với các sản phẩm chất lượng cao và có nguồn gốc tự nhiên của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhanh chóng với thu nhập tăng và vấn đề sức khoẻ ngày càng được coi trọng.

Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản GTGT tiếp tục tăng

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Trung Quốc, tăng 5% so với 8,6 tỉ USD năm 2006 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 14% của 2 năm trước đây.

10 tháng đầu năm 2007, 3 mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chính của Trung Quốc gồm philê cá (HS code 0304), giáp xác chế biến sẵn hoặc đóng túi và nhuyễn thể (HS Code 1605), và cá và trứng cá chế biến sẵn hoặc đóng gói (HS Code 1604). Các mặt hàng này chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá và trứng cá chế biến sẵn hoặc đóng túi tăng 23%, cao hơn mức tăng 7% của xuất khẩu các sản phẩm philê, phản ánh rõ xu hướng tăng thêm giá trị cho các sản phẩm của ngành chế biến thuỷ sản Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới, ngành thuỷ sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát huy xu hướng này trong tương lai thông qua cải tiến công nghệ và phương thức quản lý.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2007 có nhiều thay đổi. 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của nước này giảm 4%, do xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh từ 243 triệu USD năm 2006 xuống còn 136 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu sang Châu Á, và các nước khu vực Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Malaixia, Ôxtrâylia, Đài Loan tăng 26%, đạt 232 triệu USD. Xuất khẩu sang Nhật vẫn giữ mức tăng trưởng khá và giúp Nhật duy  trì vị trí nhà nhập khẩu thuỷ sản số một. 

Năm 2007, xuất khẩu cá rôphi của Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục. 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá rôphi của nước này đạt 369 triệu USD. Xuất khẩu rôphi chế biến sẵn có bảo quản đạt 153.887 tấn, tăng 694% so với cả năm 2006, chiếm 94% tổng giá trị xuất khẩu rôphi của nước này. Trong khi đó, xuất khẩu philê rôphi giảm mạnh, từ 85 triệu USD năm 2006 xuống còn 10 triệu USD năm 2007. Như vậy, xu hướng tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng ngày càng rõ nét.

Mỹ là nước tiêu thụ nhiều nhất cá rôphi Trung Quốc, chiếm 62% giá trị xuất khẩu và 58% về khối lượng. Ngoài ra, Nga cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng mặt hàng thuỷ sản này của Trung Quốc với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD.

Xuất khẩu tôm sông của Trung Quốc năm 2007 giảm xuống còn 150 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường chính như Bỉ, Đan Mạch giảm tương ứng 59% và 15%. Xuất khẩu sang Mỹ cũng không tăng.

Xuất khẩu cá chình của Trung Quốc trong năm này tăng 4% về giá trị. Xuất khẩu sang Nhật ổn định và tăng mạnh xuất khẩu sang Nga và Hồng Kông.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Năm 2007, Trung Quốc đã mở rộng thị trường xuất khẩu thuỷ sản sang 15 quốc gia khác với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 100 triệu USD.

Nhật là thị trường nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc. Các sản phẩm chính xuất khấu sang Mỹ là philê cá, cá rôphi, và tôm sông chiếm lần lượt 27%, 62% và 83% tổng giá trị xuất khẩu sang nước này.


Nguồn: Báo Công Thương
Báo cáo phân tích thị trường