Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội quá lớn sẽ đè bẹp thể chế yếu
03 | 04 | 2008
"Quá say sưa với tăng trưởng và đầu tư cho tăng trưởng trong khi việc cải cách các công cụ chính sách vĩ mô và cải cách hành chính còn quá chậm và lúng túng" có thể trở thành một rủi ro nằm trong các cơ hội hội nhập của VN.
Đây là một trong các nhận định đưa ra tại cuộc gặp gỡ giữa các chuyên gia kinh tế của VN, Trung Quốc, Đức... trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế thường niên lần 5 về chuyển đổi kinh tế khai mạc ngày 2-4 tại Hà Nội.

GDP của VN trong quí 1-2008 tăng 7,4%, không bằng mức cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn quí 1-2005 và 2006. Trở ngại hiện nay là lạm phát tiếp tục cao và nhập siêu quí 1 đã chiếm 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN. Những con số này được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh cung cấp tại diễn đàn.

Ông Võ Trí Thành - trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nhìn nhận rủi ro có thể nảy nở không chỉ từ các thách thức mà thậm chí cả cơ hội. PGS.TS Trần Đình Thiên - phó viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng nếu VN không gắn liền việc thúc đẩy tăng trưởng và cải cách cấu trúc, thể chế thì "chắc chắn khi thời cơ và thách thức ập tới, cơ hội sẽ đè bẹp thể chế. Một thể chế yếu sẽ không thể tận dụng được các cơ hội quá lớn".

Ông Thành đưa ra bốn điểm yếu then chốt hiện nay của VN mà theo ông, chỉ cần một trong bốn yếu tố đó không đáp ứng được cơ hội thì sẽ hủy hoại tăng trưởng. Đó là hạ tầng - cơ sở tối thiểu để cơ hội phát huy tác dụng; nhân lực; các thể chế thị trường và năng lực quản trị điều hành vĩ mô, cả ở nấc doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Thành đánh giá năm 2007 có thể thấy rõ tầng lớp trung lưu mới hình thành ở VN và trong 7-10 năm nữa, tầng lớp này sẽ quyết định tiêu dùng và hoạch định chính sách của VN. Tuy vậy, trong lúc thu nhập của lao động trong các khu vực dịch vụ và công nghệ tăng cao thì lao động ít kỹ năng rất khó tăng thu nhập, khiến khoảng cách giàu - nghèo ngày càng tăng. Điều này, theo tiến sĩ Ulrike Maenner (GTZ), đó là thực tế mà nhiều nước chuyển đổi gặp phải: "Mặc dù lúc đầu có mức bình đẳng rất cao, tình hình này đã hoặc đang thay đổi và vì thế đặt ra nhiều thách thức cho việc tiếp tục giảm nghèo".

Láng giềng Trung Quốc của VN cũng đang gặp một số thách thức không nhỏ, phần nhiều trong số đó tương đồng với VN như giáo sư Chi Fulin - viện trưởng Viện Nghiên cứu cải cách và phát triển Trung Quốc (CIRD) - chỉ ra.

Trợ cấp cho người thu nhập thấp

Trả lời báo chí, giáo sư Chi Fulin cho biết Trung Quốc kiểm soát được việc tăng giá lương thực, thực phẩm nhờ cùng lúc thực hiện các biện pháp: trợ cấp cho nông thôn, nông dân và nông sản; kiểm soát việc tăng giá không hợp lý; trợ cấp cho người có thu nhập vừa và thấp; chống đầu cơ giá cả. Cụ thể, Trung Quốc trợ cấp cho nông dân theo diện tích đất trồng lương thực, số lợn nuôi... sau khi lợn đẻ, trợ cấp cho nông dân nuôi lợn con, đồng thời Chính phủ đảm bảo mức dự trữ lương thực quốc gia đủ đáp ứng yêu cầu và kiểm soát việc sử dụng lương thực cho công nghiệp.


Nguồn: Tuổi Trẻ


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường