Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DNNN phải phát huy vai trò nòng cốt của nền kinh tế, tích cực tham gia kiềm chế lạm phát
03 | 04 | 2008
Chiều 1-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chủ tịch các hiệp hội ngành hàng về các giải pháp kiềm chế lạm phát.
Cùng tham gia chủ trì buổi làm việc, có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng. Ðại diện các Bộ: Kế hoạch và Ðầu tư; Tài chính; Xây dựng; Giao thông vận tải; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước; Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia đã tham dự và báo báo về những giải pháp thuộc lĩnh vực được phân công.

Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Cao Viết Sinh được Thủ tướng chỉ định trình bày Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và cũng là Báo cáo trung tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về những vấn đề nổi lên trong quý I năm 2008 và các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng của nền kinh tế và ổn định đời sống nhân dân.

Báo cáo nêu ra mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 cần điều chỉnh phù hợp với tình hình mới và tám nhóm giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề cập yêu cầu đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, DNNN cần triển khai thực hiện tốt tám nhóm giải pháp của Chính phủ, đồng thời tập trung vào bốn nhiệm vụ:

Một là, triển khai ngay việc rà soát chi phí sản xuất ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất; thực hiện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

Hai là, rà soát các danh mục dự án đầu tư của doanh nghiệp theo hướng loại bỏ các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và các dự án kém hiệu quả hoặc không có hiệu quả; tập trung vốn cho các dự án hoàn thành để sớm đưa vào hoạt động. Cơ cấu lại chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế, thị trường và giá cả thế giới, trong nước, bảo đảm nâng cao hiệu quả, giảm rủi ro trong đầu tư kinh doanh.

Ba là, thực hiện nhiều biện pháp để phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có kim ngạch lớn, có giá trị gia tăng cao. Ðặc biệt chú trọng việc phát triển thị trường và nâng cao chất lượng các mặt hàng sản xuất bằng nguyên liệu trong nước.

Bốn là, đẩy mạnh sản xuất nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường.

Ðối với các mặt hàng quan trọng: xăng dầu, sắt, thép, xi-măng... và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống như: lương thực, thuốc chữa bệnh..., các doanh nghiệp cần phải bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng, đồng thời có trách nhiệm cùng các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp giữ ổn định giá cả, không được nâng giá. Tổ chức tốt mạng lưới phân phối sản phẩm hàng hóa, hợp lý hóa các khâu lưu thông, tổ chức tốt hệ thống đại lý cung ứng hàng hóa, thường xuyên kiểm tra giá tại hệ thống đại lý của mình và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hoạt động của doanh nghiệp; tham gia tích cực vào việc bình ổn thị trường và giá cả.

Sau khi Thủ tướng gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã phát biểu ý kiến. Thống nhất với nhận định tình hình và các giải pháp của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương và Tổng giám đốc Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Trần Bắc Hà cho rằng, các giải pháp đã đủ, nhưng trong việc thực hiện cần thống nhất, và có chính sách đồng bộ. Ðể giúp các ngân hàng thương mại hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, ông Trần Bắc Hà kiến nghị: Không để tiến độ cung tiền tăng quá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, không để lãi suất huy động vốn ở mức hai con số. Trích dự trữ ngoại tệ quốc gia cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng cho vay trung và dài hạn.

Về quy định dư nợ cho vay xuất khẩu ở mức 30%, nên quy định ở cuối kỳ, còn từng thời điểm cần linh hoạt. Bà Dương Thu Hương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạm thời chưa nên cho mở thêm ngân hàng mới mà cần củng cố các ngân hàng hiện đang hoạt động; chỉ đạo linh hoạt, cho phép các ngân hàng nhỏ và mới chuyển đổi, mở rộng các nghiệp vụ ngoài tín dụng để các ngân hàng này có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Ðoàn Văn Kiển cam kết chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến hết tháng 6 không tăng giá bán than, nhưng cho biết, hiện nay giá bán than trong nước chỉ bằng 45% giá than xuất khẩu, vì vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu than để bảo vệ lợi ích của đất nước. Chưa tăng thuế xuất khẩu than để doanh nghiệp bù lỗ (giá bán than trong nước hiện chỉ bằng 84% giá thành khai thác than). Hiện tại giá thiết bị trong các dự án đầu tư tăng rất cao, đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá thiết bị, và tổng dự toán để có thể triển khai nhanh các công trình, dự án. Trong tình hình hiện nay, cần có những phản ứng mau lẹ, kiến nghị Chính phủ giao cho HÐQT các doanh nghiệp quyết định đấu thầu hay không đấu thầu các dự án đầu tư hiệu quả.

Giải trình về việc Thủ tướng phê bình Tổng công ty Ðường sắt không chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, thông báo tăng giá trần vé xe lửa từ ngày 1-4, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam Vũ Hữu Bằng cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá trần là do giá dầu diesel tăng cao làm cho Tổng công ty lỗ 200 tỷ đồng, Tổng công ty đã báo cáo Bộ Tài chính và việc thông báo tăng giá trần được thực hiện từ trước khi có Chỉ thị của Thủ tướng. Nay Tổng công ty sẽ điều chỉnh chưa thực hiện việc tăng giá này.

Tổng Giám đốc Vũ Hữu Bằng cũng đề nghị các ngành chức năng cần có những dự báo và đưa ra những chính sách kịp thời hơn giúp các doanh nghiệp không lúng túng trong quá trình thực hiện.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam Ðậu Văn Hùng kiến nghị, cần điều chỉnh tiêu chuẩn nhập khẩu thép phế liệu để tăng năng lực sản xuất phôi thép. Hiện nay, việc nhập khẩu thép phế liệu ách tắc vì quy định của các bộ không thống nhất. Hiện tại, sản lượng thép của Tổng công ty chỉ chiếm 40% thị phần, giá thép còn có thể tăng, nếu Tổng công ty không được phép tăng giá sẽ tạo chênh lệch lớn giữa giá thép của Tổng công ty và giá thép của các đơn vị khác. Vì vậy, cho phép Tổng công ty duy trì mức giá thấp hơn chút ít để kéo giá thị trường.

Ông Ðậu Văn Hùng kêu gọi các tập đoàn, các tổng công ty, các địa phương trực tiếp đến tổng công ty mua thép mà không mua qua trung gian để có giá thấp hơn.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh kiến nghị: Tiết kiệm 2% điện năng trong sản xuất công nghiệp; có chế tài để các đơn vị thụ hưởng Ngân sách Nhà nước thực hiện nghiêm chỉ thị tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ; đến thời điểm thích hợp, cho phép tập đoàn thực hiện việc tăng giá điện để bảo đảm sản xuất.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, cần có quy định hạn chế việc mở rộng kinh doanh ngoài nghiệp vụ chính, không để các đơn vị mở rộng kinh doanh đến 40% như hiện nay để hạn chế rủi ro. Chính phủ cần quy định các doanh nghiệp dành tỷ lệ doanh thu nhất định cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Chủ tịch Hiệp hội xi-măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện, để bảo đảm cân đối nhu cầu xi-măng hiện nay, Bộ Tài chính nên cho phép giảm thuế nhập khẩu xi-măng; ngành đường sắt cần dành cho một số đoàn tàu để chở clanh-ke từ bắc vào nam để tăng dự trữ cho khu vực phía nam; chỉ nên bán than cho sản xuất xi-măng một mức giá mà không phân biệt sản xuất bằng lò đứng hay lò quay như hiện nay.

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, DNNN là nòng cốt của nền kinh tế, có vai trò và trách nhiệm to lớn. Thủ tướng cho rằng, cần kiên quyết kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Vì vậy, các DNNN cần quán triệt tám nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, triển khai cụ thể ở từng đơn vị. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, DNNN cần tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ sau:

Rà soát sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, sáng tạo trong hoạt động để hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Kiên quyết cắt giảm những dự án đầu tư kém hiệu quả. Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế yêu cầu cắt giảm 10% chi phí của các đơn vị hưởng ngân sách; các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm chi tiêu, nhất là điện và nhiên liệu. Phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; các mặt hàng điện, xăng, dầu, than, thép, phân bón, xi-măng,... phải bảo đảm cung ứng đủ, không để tạo ra hiện tượng đầu cơ, tăng giá. Các DNNN làm nòng cốt để bình ổn giá, do đó, chưa tăng giá các mặt hàng thiết yếu, kể cả giá điện.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc chưa tăng giá không đồng nghĩa với việc trở lại thời kỳ bao cấp, việc tăng giá sẽ tính toán ở thời điểm thích hợp. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét xử lý những đề nghị cụ thể của các doanh nghiệp, hiệp hội. Thủ tướng khẳng định, việc các DNNN, các hiệp hội ngành hàng gắn kết các thành viên, cùng Chính phủ đối phó với tình hình hiện nay không chỉ vì lợi ích quốc gia mà cũng là bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp.



Nguồn: Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường