Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống lạm phát nhìn từ trách nhiệm của DN Nhà nước
13 | 03 | 2008
Để chống lạm phát một cách căn cơ, theo TS Cao Sỹ Kiêm và TS Vũ Thành Tự Anh, điều quan trọng là Nhà nước cần có hệ thống đánh giá minh bạch và có sức ép đối với hiệu quả hoạt động của các DNNN, những người đang sử dụng chủ yếu nguồn đầu tư và chi tiêu công. Quan trọng hơn, đã đến lúc nên định hướng một cách rõ ràng, mạch lạc vai trò của nhà nước đến đâu.
DNNN vẫn là hộp kín về hiệu quả hoạt động

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta vẫn gọi hệ thống DNNN là chủ đạo trong nền kinh tế. Vậy thưa ông Cao Sỹ Kiêm, bây giờ DNNN sẽ chủ đạo thế nào trong công cuộc chống lạm phát ở điểm nào? Đối mặt với khó khăn, họ có trách nhiệm đến đâu?

(Hình ảnh mang tính chất trang trí)

TS. Cao Sỹ Kiêm:
Điều này rất rõ. Việc đầu tiên các DNNN phải tự sắp xếp, cân đối, loại ra những vấn về lãng phí, những vấn đề tạo ra áp lực lạm phát, để giúp cho khối lượng tiền tăng lên và có hiệu quả nhiều.

Thứ hai, việc sắp xếp lại các công trình, khoản vay của các DNNN phải làm nghiêm túc, các DN này phải chấp nhận gánh vác cùng với xã hội, nhà nước trong việc giảm lạm phát.

Thứ ba, Chính phủ cần giúp cho DNNN ở chỗ những khoản sau kiểm tra vừa qua có thất thoát nhiều thì phải chặn lại ngay. Khi chặn lại, rút xuống, trước hết các DNNN phải chấp hành nghiêm túc thì mới góp phần ổn định tình hình được.

Đó là những việc làm rất cụ thể, rõ ràng của DNNN

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi xin bổ sung tính minh bạch rất quan trọng. Khi các số liệu kinh doanh, số liệu kiểm toán, sổ sách được minh bạch, những người quan tâm có thể vào xem xét, đánh giá thì sẽ tạo ra sức ép tích cực với hiệu quả của DNNN.

Hàng năm chúng ta làm kiểm toán các công ty, các tập đoàn, nhưng chúng ta thấy rằng số liệu kiểm toán đấy khó có thể tin cậy được.

Thậm chí với các ngành độc quyền, chúng ta cứ bảo rằng vì sức ép thế giới tăng giá nên Việt Nam phải tăng giá. Nhưng cuối cùng có ai thực sự nhìn được vào cơ cấu giá của DN này không? Đó gần như là cái hộp kín, khi chúng ta không có thông tin, chúng ta cũng không nói được họ làm thế có lãng phí hay hiệu quả.

Tôi thấy minh bạch là thứ chúng ta có thể làm được. Có kiểm toán, có đánh giá tại sao ta lại không làm được?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Tôi xin bổ sung thêm. Vai trò của các DNNN đang chủ đạo và sự thực họ sử dụng số lượng vốn rất lớn của các Ngân hàng. Trong tình hình hiện nay họ nên xem xét nhường bớt vốn, bỏ bớt vốn đó ra - những vốn chưa hiệu quả hoặc không cần thiết để tập trung cho lĩnh vực tư nhân, những DN nhỏ vừa.

Tôi là Chủ tịch hiệp hội DN nhỏ vừa, thấy họ rất khó khăn vốn, công nghệ, tay nghề, mà trong lạm phát, họ cùng với nông dân và người làm công ăn lương chịu chi phối nặng nề nhất.

Bây giờ để cứu họ, để tạo ra nhiều hàng hoá, tạo sự ổn định, có lẽ phần vốn ấy cần có điều chỉnh. Những DNNN phải tính toán thế nào để nhường vốn cho DN nhỏ. Hoặc là có sự can thiệp của nhà nước và tính toán của các doanh nghiệp lớn.

Thắt chặt tiền tệ chưa trúng, làm khó DN dân doanh

TS. Vũ Thành Tự Anh: Trên thực tế đợt vừa rồi, tín dụng hơi thắt chặt lại, đối tượng bị khó khăn đầu tiên không phải là DNNN mà là DN khối dân doanh, nhỏ vừa.

Khi phân bổ tín dụng, đáng lẽ phải căn cứ vào hiệu quả. Nơi nào đầu tư hiệu quả nhất thì nguồn vốn phải đẩy vào đấy - đấy mới là nền tài chính hiệu quả. Đáng tiếc là hệ thống tài chính của ta có ưu ái vào khu vực nhà nước. Sự ưu ái này có phi lý là khu vực hiệu quả hơn thì lại bị thắt chặt. Đó là nguồn tạo thêm lạm phát chứ không phải giảm lạm phát

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy tức là thắt chặt tiền tệ có khi lại là phản tác dụng?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Thắt chặt tiền tệ không phải thắt một cách cứng nhắc. Chỗ nào cần bơm ra vẫn phải bơm ra, cho phát triển sản xuất hiệu quả, chỗ nào cần thu về phải thu về. Tức là phải chặt chẽ với từng đối tượng và thông thoáng với từng đối tượng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề khó khăn nằm ở chỗ hệ thống Ngân hàng thương mại, và dịch vụ chủ yếu là của Nhà nước. Liệu họ có chịu sức ép phải làm ăn hiệu quả như hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần? Lấy gì để bảo đảm họ sẽ có trách nhiệm khi phân bổ nguồn vốn vay? Liệu cán bộ Ngân hàng có khách quan không khi bỏ tiền cho vay?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Chúng ta phải dùng 2 phương pháp: một là dùng cơ chế, công cụ của nhà nước. Hai là có động lực kinh tế. Khi họ bỏ tiền vào đâu có hiệu quả thì họ sẽ bỏ.

Như thế, vừa phải có biện pháp hành chính, lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng cũng vừa phải sử dụng công cụ, động lực kinh tế.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Trên thực tế nhà nước vừa là người điều hành chính sách, vừa điều hành kinh doanh, tất yếu sẽ dẫn đến việc anh vừa nói. Chuyện đấy đã có từ lâu rồi và bây giờ vẫn xảy ra.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nghĩ đến giải pháp kiềm chế lạm phát căn cơ hơn là hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế tư nhân, bảo đảm hiệu quả và thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế? Kể cả hệ thống Ngân hàng cũng vậy. Chúng ta cần có hệ thống Ngân hàng cổ phần mạnh lên để họ chịu trách nhiệm với đồng vốn của họ cao hơn?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Đúng vậy. Mình cũng đang chuyển sang hướng như thế. Và tôi nghĩ dứt khoát phải theo quan điểm đó mới tồn tại nổi.

Nhưng muốn có được chuyện này, ta phải làm hai việc quan trọng: Một là, phải có hệ thống chính sách minh bạch, rõ ràng, kịp thời, công khai. Hai là, vừa phải có cán bộ có nghề, có chuyên môn, có đạo đức, có trách nhiệm với nghề của mình.

Hai cái đó sẽ hợp lại dần dần theo thông lệ quốc tế mà họ đang làm. Chúng ta không thể đi theo cái khác quốc tế được.

Nên phân định những gì Nhà nước nên làm và không nên làm

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ngoài những giải pháp trước mắt về TTCK, giảm chi tiêu, giải pháp dài hơi hơn chúng ta đã bàn đến là hiệu quả đầu tư. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể kiểm soát được hay không? Các công trình của Nhà nước, các dự án lớn đầu tư tiền ra liệu có bảo đảm không? Hay nên chăng chúng ta có cơ chế khác, chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài vào những công trình đó thay vì chúng ta cứ phải bơm tiền ra? Còn một nguồn tiền rất lớn đó là tài trợ cho các dự án của các DNNN. Theo các ông, giải pháp cho vấn đề này như thế nào?

(Hình mang tính chất trang trí)

TS. Vũ Thành Tự Anh:
Cơ chế phân bổ đầu tư và ra quyết định đầu tư hiện nay của ta ít căn cứ vào tiêu chí kinh tế mà căn cứ nhiều vào tiêu chí chính trị, và không ngoại trừ có sự tác động của các nhóm lợi ích.

Chẳng hạn, các đầu tư liên quan đến tập đoàn lớn cũng như liên quan đến dự án lớn đòi hỏi không phải ai cũng tiếp cận được. Tôi nghĩ với cơ chế phân bổ nguồn lực như hiện nay, chúng ta khó có thể đạt được hiệu quả phân bố nguồn vốn đầu tư trong dài hạn như anh vừa nói.

Nếu nói về một cơ chế khác, tôi nghĩ là hoàn toàn có thể vì những gì Việt Nam gặp phải thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm rồi. Thế giới đã từng trải qua, thế giới phát triển hơn và chúng ta đi sau, phải lần lượt trải qua từng căn bệnh trên con đường tưởng thành. Đứa trẻ thì có bệnh của đứa trẻ, người lớn thì có bệnh của người lớn. Chúng ta đang mắc bệnh của người lớn. Một khi nền kinh tế đang phát triển, phức tạp hơn, hội nhập hơn, thì có căn bệnh đó.

Chúng ta hãy nhìn ra xung quanh, sau đó soi lại bản thân mình. Cái cơ bản đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận lại nhà nước nên làm gì và không nên làm gì. Tức là định hướng một cách rõ ràng, mạch lạc vai trò của nhà nước đến đâu.

Những việc gì nhà nước không cần làm thì không cần làm, dành nguồn lực quý báu và hữu hạn của mình cho những dự án khác mang tính chất quốc kế dân sinh hay dự án nào đòi hỏi chỉ có nhà nước mới đầu tư được hoặc nếu để tư nhân làm nhưng tư nhân không đầu tư.

Thứ hai, có cơ chế đảm bảo những hoạt động công của nhà nước phải có hiệu quả, bắt đầu từ cơ chế thiết kế dự án. Nhiều dự án thiết kế xong nhưng ta thấy không cần thiết. Do đó, làm thế nào để loại được những dự án như vậy ngay từ khâu hình thành, đưa vào quy hoạch.

Vì nếu quy hoạch rồi mà quy hoạch sai, từ đấy về sau cứ đi vào vết xe đổ. Làm sao để những dự án đúng mới được được quy hoạch, dự án không đúng bị gạt ra khỏi quy hoạch. Phải có một màng lọc, sự thẩm định ở đấy.

Sau khi có dự án rồi thì triển khai nó như thế nào? Kiểm soát nó ra làm sao? Cuối cùng, sau khi đã đưa vào vận hành, các biện pháp liên quan để đánh giá thực sự hiệu quả xã hội, hiệu quả tài chính của dự án như thế nào. Đó là cả một quy chế, về kiểm tra, giám sát và thẩm định đầu tư công.

Đến thời điểm này chúng ta làm công việc này chưa tốt. Đặc biệt chưa có một hội đồng kiểm tra, đánh giá, thẩm định đầu tư công độc lập. Nên chăng Nhà nước có hội đồng thẩm định độc lập như vậy, với những dự án vượt qua ngưỡng đầu tư hoặc giữ tầm quan trọng nào đấy.

Rõ ràng cơ chế giám sát của các tổ chức liên quan như thanh tra, giám sát của chính quyền địa phương (nếu dự án đó rơi vào địa hạt của chính quyền địa phương) chưa hiệu quả. Tóm lại cần có cơ chế để đảm bảo đồng vốn của chúng ta được sử dụng, phân bổ đúng địa chỉ một cách hiệu quả.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thực tế khả năng sử dụng nguồn vốn, tài sản, cơ hội kinh doanh của DNNN vẫn còn nhiều bất cập so với DN tư nhân? Nên chăng trong lúc khó khăn như hiện nay, ta nên đi h hơn?

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ điều ông nói tới là chuyển đổi cơ cấu sở hữu trong nền kinh tế. Trong 20 năm qua từ khi ta chuyển đổi nền kinh tế đến thời điểm này có sự thay đổi cơ bản, về cơ cấu kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia rất nhiều vào đời sống kinh tế cả nước.

Nếu nhìn vào cơ cấu sở hữu thì lại không nhiều như vậy. Theo số liệu chúng ta có, tỉ lệ sở hữu 80% vẫn nằm trong tay nhà nước. Như vậy cơ cấu sở hữu chưa có thay đổi gì đáng kể cả.

Điều quan trọng của thay đổi sở hữu không phải chỉ thay đổi sở hữu mà là sự thay đổi sở hữu còn dẫn đến thay đổi về động cơ, trách nhiệm, làm cho hiệu quả của sản xuất kinh doanh tăng cao.

Hoạt động kinh tế phải do kinh tế chi phối

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó là điều chúng ta cần làm để chống lạm phát. Tại sao chúng ta không quyết liệt hơn như ông Kiêm vừa nói? Đây có phải khâu đột phá ta cần quyết liệt hơn không?

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh
nghiệp vừa và nhỏ (phải) và TS. Vũ Thành Tự Anh, GĐ nghiên cứu Chương trình
giảng dạy kinh tế Fulbright tại VN (trái) tại Bàn tròn Trực tuyến: Giảm lạm phát và
các mối liên quan
(Ảnh: LAD)


TS. Vũ Thành Tự Anh:
Khó khăn là những DNNN còn lại là DN lớn nên cổ phần hóa rất khó. Cổ phần hoá DN nhỏ, DN thua lỗ rất dễ nhưng cổ phần hoá những đại gia không phải là câu chuyện dễ dàng.

Ví dụ Vietcombank, về mặt kỹ thuật, việc định giá doanh nghiệp rồi bán cho cổ đông chiến lược ở mức bao nhiêu là có thể tính được. Nhưng thời điểm cuối cùng, quyết định đưa ra lại không theo cái giá đó mà theo giá rất cao. Bây giờ trên thị trường, giá đang giảm xuống rồi, từ 107 còn 94, 95. Như thế thị trường chắc chắn đang đánh giá lại và dần sẽ điều chỉnh theo đúng giá trị thực của nó.

Thứ hai, khó đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa vì DNNN vẫn nắm vị trí then chốt trong nền kinh tế, không thể cổ phần hoá một sớm một chiều DNNN ấy được.
Quay lại điều tôi nói lúc trước: Chính phủ phải đặt ra cho mình câu hỏi: thực sự đâu là những lĩnh vực nhà nước phải nắm, đâu là lĩnh vực nhà nước có thể cổ phần hoá và không tham gia nữa?

Ví dụ điện lực thời điểm này cơ bản vẫn của nhà nước. Tư nhân có một số nhưng tư nhân theo nghĩa thuần túy và hoạt động bình đẳng với các DNNN là chưa có. Ta có thể mua điện của Trung Quốc cao hơn nhưng từ chối mua của tư nhân trong nước. Đó là sự bất bình đẳng.

Trong những trường hợp như thế, ta phải thấy được an ninh về mặt năng lượng của Quốc gia quan trọng hơn vị trí của DNNN trong lĩnh vực đó.

Tức là chúng ta phải nhìn nhận, phân tích khách quan thấu đáo. Đó là điều chúng ta có thể học được của thế giới. Nhất là khi chúng ta xác định chúng ta là nền kinh tế hiện đại, theo cơ chế thị trường, bảo đảm được tính hiệu quả, phân phối tính công bằng về cơ hội và phúc lợi xã hội nói chung. Chúng ta phải đặt mục tiêu đó lên hàng đầu chứ không nên đặt mục tiêu duy trì tính độc quyền hay sự thống trị, vị thế của DNNN lên hàng đầu.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Làm thế nào để biến tư duy đó thành hiện thực, ít nhất là cho vay tín dụng. Liệu chúng ta có thể làm được ngay việc thắt chặt tín dụng cho hệ thống DNNN, kiểm soát kỹ, cải thiện hệ thống cho vay có hiệu quả, thúc đẩy tư nhân phát triển hiệu quả, bảo đảm tăng năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sản xuất? Ta có làm được không?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Kể cả những giải pháp tình thế và lâu dài, theo tôi là rõ ràng. Chỉ có cách là chúng ta phải tạo sự thống nhất cao, điều hành kiên quyết và có lộ trình.

Ngay cả với những giải pháp của chính phủ vừa qua, nếu chúng ta không triển khai nhanh, không đồng bộ, không kiên quyết tập trung thì tình hình không cải thiện được. Tôi đảm bảo rằng có sự thống nhất về chủ trương, phối hợp hành động kiên quyết thì nó sẽ chuyển biến, tốc độ đi nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào cái này.

TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi bổ sung thêm về tính công bằng: Điều mà các DN dân doanh muốn không phải là sự ưu ái, mà là công bằng. Nếu hai dự án như nhau thì phải được đối xử như nhau, cái nào hiệu quả hơn thì được ưu tiên vốn trước.

Nếu thế, DNNN làm tốt thì vẫn được làm bình thường. Không đơn thuần thắt chặt vốn của DNNN vì có những DNNN làm ăn hiệu qủa.

Quan trọng hơn các hoạt động kinh tế phải để kinh tế chi phối, không được để những quan hệ khác xen vào. Nó làm biến dạng kinh tế, từ đó làm biến dạng hiệu quả.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường