Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khẩn trương kích hoạt nền kinh tế, chống suy thoái và đề phòng lạm phát trở lại
22 | 05 | 2009
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải khẩn trương kích hoạt nền kinh tế, song song với chống suy thoái và đề phòng lạm phát có thể trở lại.

Tháng 4 vừa qua, đặc biệt những ngày cuối tháng, có nhiều ngày nghỉ lễ, nhu cầu đi lại, chi tiêu của nhân dân tăng lên, giá cả hàng hoá và dịch vụ trên thị trường có sự gia tăng. Mở đầu là cước vận tải, rồi đến giá thuê phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ, các khu vui chơi giải trí, giá các nhu yếu phẩm khác như thịt, cá, sữa, rau xanh, hoa quả, thuốc chữa bệnh…đều nhích lên đôi chút so với các tháng trước. Trước hiện tượng này, đang có nhiều ý kiến khác nhau, một vài người đã vội vàng cho rằng đồng tiền lại mất giá và lạm phát đang trở lại. Bình tĩnh, khách quan và thận trọng hơn là hầu hết các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế đã cho rằng, nền kinh tế nước ta  vẫn đang trong động thái lấy lại sự ổn định và có xu hướng phát triển khá tốt. Tuy nhiên không thể chủ quan mất cảnh giác trước sự biến động khó lường của kinh tế trong nước và quốc tế, những dấu hiệu biến thiên của thị trường là tín hiệu cảnh báo cho chúng ta phải luôn luôn chủ động trước mọi tình hình để chống suy thoái và đề phòng lạm phát kinh tế có thể tái trở lại… Đó cũng chính là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đã được đưa vào chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XII đang họp bàn vào những ngày của tháng  5 này.


Kích hoạt nền kinh tế ( trong đó có giải pháp kích cầu) để chống suy thoái và chống lạm phát là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có liên quan với nhau. Ở nước ta, kích hoạt nền kinh tế là để chống suy thoái và chống cả lạm phát vì đều có chung một mục tiêu là phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện an sinh xã hội.  Chống suy thoái và chống lạm phát, tức là duy trì được sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm đồng tiền không mất giá, bảo đảm sức mua của nhân dân, bảo đảm đời sống nhân dân luôn luôn ổn định và nâng cao…Đời sống nhân dân ổn định và nâng cao sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để phát triển sản xuất…Trên nền tảng phân tích đặc điểm cụ thể của nền kinh tế nước ta, xuất phát từ mục tiêu cơ bản vì con người, tất cả vì con người, vì nhân dân… dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã luôn luôn chủ động có những đối sách kịp thời đưa nền kinh tế nước ta từng bước vững chắc vượt qua các thử thách để phát triển bền vững. Nhìn lại kết quả thực hiện giải pháp tổng thể chống lạm phát, chống suy giảm kinh tế của Chính phủ năm 2007 và 2008, và những tháng đầu năm 2009, chúng ta phấn khởi, vững tin vào chính mình… Mặc dầu còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng rõ ràng lạm phát năm 2008 đã được đẩy lùi và nền kinh tế đang chuyển động vượt ra khỏi sức ỳ để vươn tới sự khởi sắc linh hoạt… Tuy nhiên ,sự khởi sắc và linh hoạt vẫn chưa bền vững, trước tác động của những cơn bão tố mới, nền kinh tế của ta còn có nhiều trắc ẩn khó lường. Nguyên nhân của tình hình này có nhiều nhưng theo nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý, quy tụ lại, nguyên nhân chính là sự chuyển động chậm của cơ chế quản lý, của phương thức điều hành và tổ chức thực hiện trong quá trình triển khai chủ trương và các giải pháp tổng thể chống lạm phát và kích hoạt nền kinh tế. Bởi vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần tiếp tục tích cực kích hoạt mạnh mẽ nền kinh tế để chống suy thoái, song song với việc nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chủ động đối phó với khả năng lạm phát quay lại. Trên nền tảng các quan điểm định hướng chung của Đảng ta về phát triển kinh tế bền vững và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ và yêu cầu cụ thể trong thực hiện các tư tưởng, chủ trương, giải pháp tổng thể kích hoạt nền kinh tế của Đảng , Quốc hội và Nhà nước ta, trong thời gian tới chúng ta cần thực hiện tốt một số vấn đề sau…

Một là: Cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức cho mọi người, trước nhất là các cán bộ công chức trong bộ máy công quyền về quan điểm, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay về kích hoạt phát triển kinh tế…Do nhận thức không đồng đều và  chưa nhất quán trong không ít cán bộ công chức, cho nên nhiều chính sách cụ thể về kích cầu không được triển khai nhanh, triển khai đúng, cộng hưởng vào đó là tinh thần phục vụ nhân dân, trách nhiệm với công việc của một bộ phận công chức vẫn chưa cao do vậy nhiều chính sách ưu đãi chậm chễ, không kịp thời đến với cơ sở, thậm chí có nơi không đến , gây ách tắc và cản trở sự phát triển chung của cả nước…

Hai là: Mục tiêu Nghị quyết số 30/2008 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “ Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả trong đó nhiệm vụ trọng tâm là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội”. Các nghành các cấp cần kiểm tra lại các chương trình, đề án hành động của mình đã thiết thực phục vụ cho mục tiêu đó chưa…Bởi lẽ thời gian qua, có nghành, có cấp, có cơ sở, vẫn còn đứng ngoài cuộc, ban hành một số chính sách cụ thể không phục vụ cho nục tiêu chung, để thất thoát nhiều vật tư, tiền của, đất đai, nhiều dự án vẫn nằm im, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn còn khó khăn khi tiếp súc với đồng vốn ưu đãi…

Ba là: Chúng ta cần tích cực vận hành thật tốt các gói kích cầu. Cần khẩn trương hơn nữa trong việc thực hiện gói kích cầu cho đầu tư khu vực công, khu vực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của các bộ ngành chuyên môn, nhất là các bộ ngành Kế họạch đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước…Luôn luôn bám sát thực tiễn, bám sát thị trường, bám sát cơ sở để có thể dự báo một cách nghiêm túc và thận trọng những tác động ngoài mong muốn trong quá trình triển khai các chính sách tài chính và tiền tệ như thâm hụt ngân sách, đầu tư không hiệu quả, đầu ra của thị trường ngoài nước thấp , các luồng tiền, các luồng vốn vận động trong thị trường không đúng đối tượng, không hiệu quả… tất cả cần phải được kiểm soát chặt chẽ để chúng ta có thể chủ động giảm thiểu các nguy cơ lạm phát trở lại.

Bốn là: Trong bão giông của nền kinh tế thế giới, chúng ta càng nhìn rõ hơn đặc điểm và bước đi hiện nay của của nền kinh té nước nhà. Bởi vậy giờ đây Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển sâu sắc hơn các chủ chương chính sách về cơ cấu đầu tư, cơ cấu sản xuất, cơ cấu thị trường, giải quyết tốt các mối quan hệ phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, mối quan hệ giữa tốc độ phát triển và chất lượng phát triển, mối quan hệ nội lực và ngoại lực…Chỉ có chủ động, và luôn luôn chủ động chúng ta mới đủ sức vượt qua những sóng gió trong tiến trình hội nhập và phát triển trong một thế giới luôn luôn có những biến động khó lường…



Nguồn: www.cpv.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường