Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không "hãm phanh" mà cần duy trì tăng trưởng
29 | 03 | 2008
Chuyên gia của ESCAP cho rằng, Việt Nam hiện chưa có những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế châu Á 1997. Chống lạm phát là chìa khóa, ưu tiên chính sách nhưng không cần "hãm phanh" mà cần duy trì tăng trưởng.
Bản báo cáo của ESCAP mang tên: "Duy trì tăng trưởng và chia sẻ lợi ích" công bố sáng 27/3 đã đánh giá những triển vọng và thách thức chính ngắn hạn và trung hạn về kinh tế vĩ mô và một số lĩnh vực xã hội của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi: Liệu Việt Nam có đang đứng trước chu kỳ khủng hoảng kinh tế sau hơn 20 phát triển nhanh? TS. Amarakoon Bandara cho rằng, hiện Việt Nam không có những dấu hiệu điển hình của các nền kinh tế châu Á trước khủng hoảng 1997. Thâm hụt tài khoản vãng lai chưa vượt quá mức cho phép. Nhập siêu tăng cao nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất. Các dòng vốn đổ vào Việt Nam lớn, chủ yếu là FDI, không sinh nợ, ODA và các khoản chuyển khoản tư nhân, tạo dư thừa cán cân thanh toán lành mạnh, đồng thời tích lũy lượng lớn dự trữ ngoại tệ.


Việt Nam cũng đã hạn chế mức độ phụ thuộc vào việc tài trợ của ngân hàng xuyên quốc gia và đã nâng cao khả năng ngành ngân hàng của mình. Nhờ đó, sức chống đỡ của nền kinh tế sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia ESCAP cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, lạm phát là vấn đề Việt Nam cần đặc biệt quan tâm. Lạm phát năm 2007 ở mức 12,6% và khả năng năm 2008 không giảm, gấp 2 lần Indonesia và không thể so sánh với các nước lạm phát thấp như Singapore, Malaysia.

Theo bà Phạm Lan Hương, Phó Ban Kinh tế Hội nhập, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM, lạm phát không hẳn do tăng trưởng kinh tế cao, vì Campuchia tăng trưởng kinh tế năm 2007 cao hơn Việt Nam nhưng lạm phát chỉ ở mức 5%. Tăng trưởng và lạm phát không đồng hành nhưng liên đới với nhau và mức gắn kết tùy thuộc vào bối cảnh từng nước.

Về ý kiến của Giáo sư Kenichi Ohno về việc Việt Nam cần "hãm phanh" kinh tế để tránh đổ vỡ, bà Lan Hương cho rằng, không hẳn cần hãm phanh nhưng cần đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng.

Theo TS Bandara, lạm phát chắc chắn sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan trọng là xem mức độ tác động như thế nào. Theo bà Hương, năm 2008, Việt Nam "đạt chỉ số tăng trưởng kinh tế như năm 2006, 2007 đã là may mắn rồi". Chính phủ hiện đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết câu chuyện lạm phát và duy trì tăng trưởng.

Nhu cầu nội địa lớn hạn chế tác động bất ổn kinh tế thế giới

Theo các chuyên gia ESCAP, tình hình kinh tế Việt Nam nằm trong bức tranh chung của kinh tế Đông Á.

Kinh tế khu vực này đã xuất hiện những "đám mây u ám ở phía chân trời". "Cái bóng bao phủ bởi tình hình suy thoái của kinh tế Mỹ rất dài, dẫn đến những bất trắc ở phía trước". Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vay nợ, tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ và rối loạn tiếp theo trên thị trường tài chính vẫn chưa thể dập tắt.

Theo báo cáo, kịch bản xấu nhất xảy ra, sự suy thoái kinh tế Mỹ và đồng đô la tiếp tục giảm giá, hầu hết các nước trong khu vực sẽ có tác động lớn, đặc biệt khi suy thoái lan sang châu Âu. Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dễ bị tổn thương.

Cả EU và Mỹ cộng lại là những thị trường lớn của các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Các nước sẽ chịu hai cú đòn một lúc: cầu giảm và các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ có mức cạnh tranh giảm, cùng với luồng vốn lớn có thể chảy khỏi khu vực do lo ngại về tình hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khá lạc quan về tương lai kinh tế khu vực. Nhu cầu nội địa lớn có tác dụng hạn chế tác động của những bất ổn kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực còn khá cao, 7,7% vào năm 2008. Kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng, là động lực kinh tế cho khu vực.

"Đưa nông nghiệp trở về đúng vị trí" để giúp người nghèo

Các chuyên gia dự báo, các nước vẫn có thể đảm bảo đủ sức mạnh và sự linh hoạt để đương đầu với những cú sốc và thích nghi với mọi biến cố về các dòng tài chính. Điều đáng quan ngại là những chấn động kinh tế sẽ ảnh hưởng nặng tới người nghèo và những người dễ tổn thương.

Chính phủ các nước cần khẩn trương giảm nhẹ tác động, trong đó nông nghiệp cần được xem là ưu tiên để hỗ trợ người nghèo tốt nhất.

Điều này, đòi hỏi phải có định hướng thị trường với trọng tâm nâng cao năng suất nông nghiệp. Ngoài ra, cần đổi mới chính sách về ruộng đất, kết nối dân nghèo nông thôn với thành phố và thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn và tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm cây trồng.

Đồng thời, cần đa dạng hóa các kỹ năng bằng cách nâng cao vị thế, năng lực cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, nâng cao khả năng nắm bắt, khai thác các cơ hội trên thị trường lao động cũng như bằng cách tăng cường các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn và các trung tâm tăng trưởng khu vực.

Đối với Việt Nam, việc chậm ứng dụng công nghệ, các ngành chế biến nông sản phát triển chậm, thiên tai và giá nông sản quốc tế không thuận lợi là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Bàn các biện pháp thúc đẩy nông nghiệp là biện pháp tốt nhất để hỗ trợ người nghèo trong tình hình hiện nay, bà Phạm Lan Hương, Phó Ban Kinh tế hội nhập, CIEM nói.

Hiện nay, đây là điểm không ổn trong tiếp cận kinh tế của khu vực. Thời gian qua, nông nghiệp không được chú ý đúng mức, mặc dù nó cung cấp việc làm cho 60% lao động và là chỗ dựa của đại đa số người nghèo trong khu vực. Mức tăng trưởng và năng suất trong ngành nông nghiệp đã giảm sút, cuộc cách mạng xanh dường như đã bỏ sót hàng triệu người.

Nếu tăng năng suất bình quân trong toàn khu vực thì có thể giúp cho 218 triệu người dân, tức là 1/3 người nghèo trong khu vực, thoát khỏi nghèo đói. Những nước được hưởng lợi nhiều nhất là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Bănglađét. Tự do hóa toàn diện thương mại nông nghiệp toàn cầu sẽ giúp thêm 48 - 51 triệu người trong khu vực thoát khỏi nghèo đói.


Nguồn: VietNamNet



Báo cáo phân tích thị trường