Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VFA cần rút khỏi điều hành xuất khẩu gạo
04 | 11 | 2009
Cách điều hành xuất khẩu gạo của VFA hiện nay chẳng khác gì một cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại chỉ bảo vệ lợi ích các thành viên mà bỏ quên lợi ích của nông dân

Ngày 3-11, tại hội thảo “Điều hành xuất khẩu gạo – Thực trạng và giải pháp” do Hội Nông dân VN và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu VN tham dự cùng kiến nghị thay đổi cơ chế điều hành xuất khẩu (XK) gạo hiện nay, trong đó Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cần làm đúng chức năng là tổ chức hội nghề nghiệp thay vì tham gia vào điều hành XK gạo.


Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: N.Trinh

Bỏ quên nông dân, “tiền thầy bỏ túi”


Nhà báo Nguyễn Đông, chuyên gia nghiên cứu về lúa gạo, mở màn phần thảo luận bằng việc nêu ra thực tế đau buồn là giá gạo cùng chủng loại mua của nông dân thấp hơn Thái Lan 30% là phi lý. Dù Thủ tướng đã chỉ đạo mua giá lúa của dân là 3.800 đồng/kg để nông dân có lãi tối thiểu 30% nhưng thực tế, thương lái không mua giá này.

Ông Đông ví von cách điều hành XK gạo ở VN hiện nay như tài xế mới ra trường điều khiển ô tô trên đường đó là cái gì cũng sợ dẫn đến căng thẳng là đạp phanh, giật cục, thiếu linh hoạt và chủ động. Chính tình trạng non kém này dẫn đến giá gạo VN thua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại tới 140 USD/tấn. Tuy nhiên, thiệt thòi lại chỉ rơi vào lực lượng làm ra hạt thóc, còn theo báo cáo của hai tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc lãi tới cả ngàn tỉ đồng.


Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, thì cho rằng hiện VN đang chạy theo số lượng XK gạo mà quên mất lợi ích của việc XK gạo đang thuộc về ai,  nông dân được hưởng lợi gì? VFA đặt quá nhiều mục tiêu về XK gạo nhưng có 2 mục tiêu quan trọng là tiêu thụ hết lúa hàng hóa và làm đời sống người dân tăng lên thì lại không làm rõ.


WTO không cấm Chính phủ điều hành xuất khẩu gạo


Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT Nguyễn Trí Ngọc nhìn nhận điều hành XK gạo cần phải khách quan, theo đúng quy luật và bản chất của kinh tế thị trường. Hội thảo tiếp tục “nóng” thêm khi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu VFA luôn lấy lý do là cơ quan Chính phủ không được tham gia điều hành XK gạo, do vậy VFA muốn từ chối nhiệm vụ này cũng không được là chuyện vô lý.

Bà Lan nói: “Với kinh nghiệm nhiều năm làm thương mại quốc tế, tôi khẳng định không có chuyện hội nhập WTO mà Chính phủ không có quyền tham gia vào điều hành XK gạo”.


Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN, ông Trần Đức Tụng, cho rằng: Thế lực của VFA thực quyền nằm trong tay lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, với cách điều hành XK gạo theo kiểu quản lý Nhà nước. Đồng tình với đánh giá này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần xem xét làm rõ việc doanh nghiệp này thành lập công ty trung gian tại Singapore và “đại phẫu” cách điều hành của VFA hiện nay.


Đóng dấu treo là cấp giấy phép con


Đại diện cho VFA, Phó Chủ tịch Nguyễn Thọ Trí giải thích về 2 nhiệm vụ lớn của tổ chức này trong hoạt động điều hành XK gạo hiện nay là tiếp nhận đăng ký hợp đồng XK và công bố giá sàn XK.

Giải trình về cáo buộc VFA đang hoạt động như một cơ quan quản lý Nhà nước về điều hành XK gạo, ông Trí cho biết từ năm 2006 đến nay, không tồn tại việc giao chỉ tiêu XK gạo mà chỉ có chỉ tiêu định hướng từ Trung ương đến địa phương, không tồn tại quota trong XK gạo. Biện bạch cho việc điều chỉnh giá sàn trong quá trình đàm phán hợp đồng tập trung là để có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp XK. Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán cũng cần hạn chế  thông tin để tránh thiệt thòi...


Bức xúc trước giải thích khiên cưỡng của đại diện VFA, TS Lê Đăng Doanh nói thẳng: Tôi tìm hiểu và thấy nếu hợp đồng XK gạo không có dấu treo của VFA là không được hải quan thông quan. Chưa hết, nếu không mua bao bì có logo của VFA thì cũng không thông quan. Phải làm rõ cái hiệu lực dấu treo của VFA, nếu nó có giá trị như vậy thì khác gì một giấy phép con, như chuyện một lưỡi gươm treo trên đầu doanh nghiệp XK gạo. 

TS Lê Đăng Doanh bức xúc: “Phải thay đổi cơ chế điều hành XK gạo hiện nay vì một sự thật là giá gạo VN cùng chủng loại với nước ngoài mà giá thấp kỷ lục. VFA tự ý điều chỉnh giá sàn là vì đại cục hay vì lợi ích bộ phận nào đó?”.


Ông Cung phản đối việc VFA tham gia điều hành XK gạo mà nên làm đúng chức năng của hiệp hội ngành nghề. Bởi theo ông Cung, cách điều hành XK của VFA hiện nay chẳng khác gì một cơ quan quản lý Nhà nước nhưng lại chỉ bảo vệ lợi ích các thành viên mà bỏ quên lợi ích nông dân.

     

Lạm dụng mác an ninh lương thực


Ông Lê Đăng Doanh cho rằng cách mà tổ điều hành XK gạo hiện nay đang làm là 2 tuần lại bàn đến vấn đề an ninh lương thực là vô lý vì đây là vấn đề chiến lược, không phải ngắn hạn. Nhưng đáng nói là vấn đề an ninh lương thực đã được lạm dụng để ra các mệnh lệnh hành chính điều tiết hoạt động XK gạo, dẫn đến sự bất cân đối lợi ích trong mối quan hệ sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.


TS Nguyễn Đình Cung góp ý vấn đề an ninh lương thực là vấn đề của Chính phủ, không nên đặt lên vai nông dân. Nhà nước muốn làm an ninh lương thực thì bỏ tiền ra thu mua dự trữ. Hưởng ứng quan điểm của ông Cung, nhiều đại biểu khẳng định cần tách an ninh lương thực ra khỏi hoạt động XK gạo vì sẽ kìm hãm việc tiêu thụ lúa gạo.

Bà Phạm Chi Lan dẫn lại bài học năm 2008 là vì lý do an ninh lương thực mà ngưng việc ký hợp đồng XK gạo, trong lúc giá gạo đang cao, làm mất cơ hội bán được giá lúa của nông dân. Cuối cùng, chỉ có bộ trưởng Bộ NN-PTNT đứng ra nhận trách nhiệm chứ không có ai bị kỷ luật.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường