Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều hành xuất khẩu gạo: Cần linh hoạt, đúng lúc
05 | 06 | 2009
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo đã thu về một lượng ngoại tệ lớn, trên 1,2 tỷ USD, giá bình quân là 411 USD/tấn, nhưng do nhiều vấn đề trong khâu điều hành, nước ta vẫn thua thiệt 400 triệu USD.

Để giải quyết vấn đề nóng bỏng này, ngày 4-6, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức buổi giao ban trực tuyến về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2009 không còn chuyện đáng tiếc lặp lại.

Sau vụ đông xuân năm nay, nông dân ĐBSCL trúng mùa, được giá, người trồng lúa tưởng sẽ "gỡ" lại phần thua thiệt của năm ngoái. Thế nhưng, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 5-2009, thị trường lúa gạo đã nhanh chóng sụt giảm, tình trạng gạo mất giá vào nửa cuối năm 2008 lặp lại. Chỉ vì một lý do công tác điều hành xuất khẩu gạo quá cứng nhắc và nhiều lỗ hổng.


"Nóng bỏng" chuyện lúa gạo tồn kho

Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm nay lúa vụ đông xuân của tỉnh được mùa, vụ hè thu đã gieo trồng 196.000ha, dự kiến tháng 6 và tháng 7 sẽ thu hoạch, sản lượng lúa toàn tỉnh có khả năng đạt 7 triệu tấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá lúa thấp, nếu như lúa vụ đông xuân chất lượng cao, có giá từ 4.400-4.500 đồng/kg, thì vụ hè thu giảm còn 4.100-4200 đồng/kg, lúa thường là 3.400-3.500 đồng/kg. Tính sơ bộ, toàn tỉnh Đồng Tháp còn tồn khoảng 38.000 tấn lúa chưa kể số lượng lúa vụ hè thu sắp tới.

Tình hình tồn đọng lúa ở tỉnh An Giang cũng hết sức căng thẳng, ông Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sản lượng lúa của An Giang năm 2009 ước đạt 3,4 triệu tấn, dự kiến xuất khẩu được khoảng 700.000 tấn. Hiện nay, số gạo còn tồn kho là 126.000 tấn nằm ở 4 công ty xuất khẩu của tỉnh. Việc xuất khẩu lúa gạo hiện nay vẫn rất "nóng" không chỉ đối với các DN đang có hàng tồn kho mà còn đối với cả triệu nông dân vì vụ thu hoạch mới đang cận kề. Theo báo cáo, Long An còn tồn 200.000 tấn, Vĩnh Long tồn 100.000 tấn, An Giang 200.000 tấn…

Ông Phạm Văn Quỳnh, Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết: Trong vòng 20 ngày trở lại đây, ghe, xuồng vào mua lúa rất ít. Dự báo trong những ngày tới sẽ ít hơn và giá tiếp tục rớt, tâm lý nông dân xao động. Đại diện 10 tỉnh ĐBSCL tham dự giao ban trực tuyến đều khẳng định, nông dân trồng lúa không được lãi 30% như báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trước đó.

Tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo

Các DN ở ĐBSCL đều có chung ý kiến: Mỗi lần có lệnh tạm dừng hay ngừng ký hợp đồng xuất khẩu, người thiệt thòi nhất là nông dân. Vì khi giá lúa gạo trong nước bị giảm xuống, DN xuất khẩu sẽ đè DN cung ứng, theo phản xạ dây chuyền DN cung ứng lại giảm giá mua gạo từ thương lái và cuối cùng gánh nặng đó đặt lên vai nông dân.

Theo ông Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Mục tiêu của các tỉnh ĐBSCL sản xuất lúa hàng hóa là để xuất khẩu, nếu Chính phủ cũng như VFA điều hành theo kiểu cứng nhắc như đinh đóng cột, chỉ xuất khẩu 5,2 triệu tấn thì thua thiệt sẽ khó tránh khỏi. Giải pháp cấp bách lúc này là tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2009 từ 5,2 triệu tấn lên 6 triệu tấn nhằm tránh tình trạng dư thừa lúa. Đồng thời có cơ chế tạm trữ lúa ngay từ bây giờ, không để thời gian tạm trữ đến cuối năm như năm ngoái. Mặt khác, đề nghị Nhà nước cần có chính sách điều phối xuất khẩu gạo hợp lý theo cơ chế DN có lúa trong kho rồi thì để DN tự do xuất khẩu để giảm thiệt hại cho cả người dân và DN.

Linh hoạt trong điều hành

Ông Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp đề nghị, cần rà soát lại sản lượng sản xuất gạo cả nước và khu vực ĐBSCL; ông Dương cũng cho rằng, cơ quan chuyên môn phải dự báo chính xác tình hình sản xuất và cung ứng gạo, không nên để VFA làm công tác dự báo thị trường, dễ xảy ra tình trạng giá lên cao thì không cho xuất khẩu, nhưng giá xuống lại cho xuất khẩu như thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu lúa gạo những tháng cuối năm sẽ hết sức khó khăn, yêu cầu VFA chỉ đạo các DN thu mua lúa gạo ở thời điểm tốt nhất, rà soát các hợp đồng đã đăng ký theo hướng ưu tiên xuất khẩu gạo cho các DN ở tại địa phương. Nếu cần thiết có thể mua tạm trữ sớm hơn cho nông dân. Mở rộng tổ điều hành xuất khẩu gạo trong đó chú trọng tới thành viên là UBND các tỉnh có lượng xuất khẩu gạo lớn tham gia.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, UBND các tỉnh phải nắm chắc về sản lượng lúa để cân đối chỉ tiêu xuất khẩu cho phù hợp. Trong tháng 6, tháng 7 khuyến khích các DN xuất khẩu lúa gạo ký càng nhiều càng tốt để làm cơ sở cho việc tiêu thụ lúa vụ hè thu và thu đông. Giá lúa đang xuống, thu hoạch vụ hè thu (vụ chính) đang cận kề nên nguy cơ lúa gạo tiếp tục giảm giá dễ xảy ra, do đó phương án tối ưu bây giờ là Chính phủ cần sớm cho mua trữ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT sớm đưa thêm thành viên vào tổ điều hành xuất khẩu gạo theo kiến nghị của các địa phương; tăng cường công tác thông tin thị trường theo hướng chính xác, minh bạch. Trước những kiến nghị của cơ sở, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ không hạn chế xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu thì cần phải có sự tính toán, căn cứ theo khả năng sản xuất. Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương rà soát lại cơ chế tạm trữ năm 2008 và đề xuất cơ chế tạm trữ năm 2009 để xử lý tốt vấn đề xuất khẩu gạo. Phó Thủ tướng cảnh báo, nếu điều hành không khéo, nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo lên 6 triệu tấn, có thể đối mặt với việc giá sẽ giảm hơn nữa. Nếu phân chỉ tiêu cho các địa phương, dẫn đến việc đăng ký tăng lượng xuất khẩu khi đó, giá xuất gạo sẽ không cao" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Có thể thấy tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm sẽ khó khăn, đòi hỏi VFA chỉ đạo các DN thu mua lúa gạo ở thời điểm tốt nhất, đồng thời rà soát các hợp đồng đã đăng ký theo hướng ưu tiên xuất khẩu gạo cho các DN ở địa phương. Nếu cần thiết có thể mua tạm trữ sớm hơn cho nông dân, các DN phải cân nhắc giá cả bảo đảm có lợi cho nông dân.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường