|
Giá gạo xuống thấp là đè nặng người nông dân Ảnh: Lê Phương Chăm |
Tiền Phong đăng tải và hy vọng nhận được ý kiến nhiều chiều từ công luận, vì quốc kế dân sinh.
Ông Phạm Vỹ Bền, Giám đốc Cty Cổ phần Tháp Sơn nói:
|
Ông Phạm Vỹ Bền |
Qua theo dõi tôi thấy, 15 năm qua nước ta xảy ra hai cơn sốt gạo. Năm 1998 do hiện tượng Elnino nên Philippines, Indonesia và Trung Quốc mất mùa, gây nên cơn sốt gạo trong khu vực, giá tăng từ 200 USD/tấn lên 290 USD/tấn FOB tại TPHCM.
Tháng 5/1998, có quyết định ngừng xuất khẩu gạo, giá gạo trong nước giảm từ 3.900 đồng xuống còn 2.300 đồng/kg. Một số doanh nghiệp kinh doanh gạo ở ĐBSCL bị tổn thất lớn do lúc mua giá cao, khi được xuất trở lại thì cơ hội bán giá cao không còn nữa, giá trên thị trường thế giới trở về mức 200 USD/tấn.
10 năm sau, tháng 3/2008, lại có lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công văn của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ cho ngừng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo.
Lý do ông Phong có công văn đề nghị này là để TCty Lương thực Miền Nam nơi ông đang làm tổng giám đốc gỡ lỗ cho hai lô gạo 25 phần trăm tấm đã ký bán cho Philippines giá FOB cảng TPHCM bình quân là 393 USD/tấn (?).
Tôi quả quyết rằng, công văn của ông Phong gửi các cơ quan quản lý của nhà nước xuất phát từ quyền lợi cục bộ của TCty Lương thực Miền Nam chứ không phải vì lý do khác được lý giải sau đó.
Sốt gạo năm 2008 là ảo?
Gây nên cơn sốt ảo, theo tôi có những nguyên nhân chính: Giá gạo trên thị trường thế giới tăng đột biến; một số tờ báo đã nhận định thiếu khách quan về tình hình tồn kho lúa gạo trong nước và cung cầu gạo trên thế giới, làm cho bạn đọc ngỡ rằng vựa lúa ĐBSCL đã cạn kiệt.
Bên cạnh đó là phát biểu trên báo chí của Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong khi ông đánh giá nguyên nhân chủ yếu gây sốt giá gạo là đầu cơ và đổ lỗi cho những người đầu cơ!
Nếu như ông Phong nói đúng sự thật và cung cấp số liệu tồn kho thật của các Cty thành viên trực thuộc TCty Lương thực Miền Nam ở thời điểm đó đã mua nhập kho khoảng 700.000 tấn gạo; và nếu như ông Phong dám khẳng định trước công luận “nếu xảy ra cơn sốt gạo, VFA sẵn sàng can thiệp vào thị trường” thì chắc chắn cơn sốt gạo không bùng lên.
Như vậy nguyên nhân sốt gạo một phần do lãnh đạo VFA điều hành thiếu minh bạch?
Đúng thế. Đến khi Thủ tướng dỡ bỏ lệnh tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, vào tháng 6/2008, ông Phong lại dùng cây gậy VFA để khống chế các doanh nghiệp, chỉ cho giao dịch ký hợp đồng bán từ 3.000 đến 5.000 tấn. Lúc này nhu cầu gạo của thế giới đã giảm, giá cả giảm theo, cơ hội bán gạo giá cao của Việt Nam không còn.
Hệ quả là chính các Cty thành viên thuộc TCty Lương thực Miền Nam và các doanh nghiệp khác tồn đọng số lượng gạo rất lớn, chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Ở cuộc họp bàn về việc tiếp tục xuất khẩu gạo sau đó tại Tiền Giang, ông Phong lại đổ lỗi cho Chính phủ và các bộ, ngành làm thiệt hại cho dân khoảng 400 triệu USD vì không cho xuất khẩu gạo. Tại sao không có ai phản ứng gì về lời phát biểu của ông Phong?
Theo ông, để xuất khẩu gạo ổn định cần có những biện pháp nào?
Theo tôi, Chính phủ không nên giao quyền cho VFA quá lớn. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nếu muốn kiểm soát lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp, rất đơn giản chỉ cần hỏi qua Trung tâm Thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sẽ biết được các doanh nghiệp vay bao nhiêu tiền để mua gạo, vì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ yếu sử dụng vốn vay để mua gạo xuất khẩu.
Ông Phạm Vỹ Bền có 15 năm trong ngành chế biến và xuất khẩu lúa gạo. Cty Cổ phần Tháp Sơn hiện đóng tại xã Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp), mỗi năm xuất khẩu 40 nghìn tấn gạo. |
Bộ Tài chính muốn chống đầu cơ gạo thì nên đề xuất phương án đánh thuế xuất khẩu gạo để bình ổn giá gạo trong nước sao cho nông dân và doanh nghiệp chấp nhận được. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ cho xuất khẩu gạo để không làm mất cơ hội xuất khẩu gạo giá cao.Tôi chia sẻ quan điểm với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo nói chung là phân tích cơ hội, tiết kiệm cơ hội và tận dụng cơ hội. Việc mua gạo dự trữ là phù hợp. Nông dân bán được lúa giá cao. Tôi cũng nhận thấy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần đoàn kết. Khi giá gạo thế giới xuống đến đáy, không nên ký hợp đồng bán bằng mọi giá. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay.
Đồng thời, tôi xin kiến nghị các vị lãnh đạo Chính phủ, cơ quan báo, đài cân nhắc kỹ và loại bỏ bốn từ “an ninh lương thực” ra khỏi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo vì rằng lúa gạo chứ không phải nguyên liệu hóa thạch. Chỉ sau ba tháng gieo trồng chúng ta đã có vụ lúa mới để thu hoạch.
Loại bỏ cũng để tránh một số người lợi dụng thuật ngữ này để thao túng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam. Việc điều hành xuất khẩu gạo nên đi theo hướng của Thái Lan, tức là Chính phủ cử một cơ quan chuyên trách mua lúa gạo dự trữ khi thị trường thế giới hạ nhiệt cục bộ, và trao quyền điều hành xuất khẩu gạo cho Bộ Công Thương.
Cảm ơn ông.