Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá vẫn nhích lên mỗi ngày
26 | 03 | 2008
Không ít người dân mong chờ sau Tết, giá sinh hoạt sẽ giảm trở lại, giờ lại lo một cơn "bão giá" mới. Đáng nói hơn, cơn "bão giá" lần này lại xảy ra với hàng ngàn mặt hàng, với mức leo thang giá cả khá cao, từ 5-15%, thậm chí có mặt hàng tăng đến 30%.

TP.Hồ Chí Minh: Hàng ngàn mặt hàng thay giá mới

Mở đầu cho đợt bão giá lần này là tình hình tăng giá sữa bột của một số Cty vào đầu tháng 3 khiến nhiều người dân ngao ngán. Tuy số Cty thực hiện điều chỉnh tăng giá chỉ khoảng 4-5 Cty, nhưng số lượng sản phẩm sữa bột điều chỉnh giá trên thị trường lên đến hơn 50 loại sản phẩm, với mức tăng giá 10.000 - 25.000 đồng/hộp, chiếm tỉ lệ 5-10%.

Cũng tại thời điểm này, giá gas tiếp tục tăng thêm 4.000 - 6.000 đồng/bình 12kg theo tình hình giá gas thế giới dù trước đó gas đã nhiều lần tăng giá, khiến giá gas hiện nay đứng ở mức cao, 145.000 - 246.000 đồng/bình.

Tiếp đó, tình hình giá gạo, thịt heo trên đà leo thang suốt 2-3 tuần liền càng khiến người tiêu dùng choáng váng.

Ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng ban quản lý chợ gạo Trần Chánh Chiếu - cho biết: "Trong vòng chưa đầy 1 tháng nay, giá gạo đã tăng 3 đợt, thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg, tăng 20% so với tháng 2 và tăng 30-40% so với cuối năm 2007".

Bên cạnh đó, giá thịt heo tại các chợ cũng tăng mạnh nhiều đợt và ngay chính các siêu thị cũng vừa điều chỉnh giá thịt heo theo biểu giá mới của các Cty chế biến, cung cấp như Vissan, CP...

Với mức giá mới điều chỉnh, thịt heo của Cty Vissan tăng thêm gần 20%, còn các loại thực phẩm chế biến, hải sản, trứng của Cty CP cũng tăng bình quân 10%. Hiện giá thịt heo bán lẻ tại các chợ ở TPHCM không còn mức giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, mà đã tăng lên 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Tương tự, các loại trái cây, rau củ quả tại các chợ cũng vượt dốc thêm khoảng 10-20% so với thời điểm cuối tháng 2. Nhưng rõ nét nhất của tình hình bão giá này là cả ngàn sản phẩm đang bày bán tại các siêu thị đã lần lượt thay biểu giá mới, từ hàng tiêu dùng đến các loại hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, thực phẩm tươi sống lẫn đã qua chế biến...

Bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc chuỗi hệ thống siêu thị Maximark - cho biết: "Từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, lần lượt các thông báo điều chỉnh tăng giá của hơn 300 nhà sản xuất, cung cấp có hiệu lực, nên đợt điều chỉnh giá các mặt hàng tại siêu thị sẽ kéo dài từ nay đến tháng 4. Số mặt hàng điều chỉnh giá có thể lên đến 10.000 loại mặt hàng, với mức tăng phổ biến nhất là 10-15%".

Bên cạnh đó, tình hình thị trường vật liệu xây dựng cũng leo thang không thua kém các mặt hàng tiêu dùng, khiến nhiều người dân lẫn các đơn vị thi công, chủ đầu tư xây dựng lao đao.

Chỉ riêng mặt hàng sắt thép, theo Chi cục quản lý thị trường TPHCM, thị trường trong tháng 3 tiếp tục tăng giá so với tháng 2. Hiện thép phi 16 tăng thêm 1.800 đồng/cây, bán lẻ 284.000 đồng/cây, thép phi 20 tăng 2.700 đồng/cây, lên 445.600 đồng/cây. Các loại thép phi 6,8 cũng tăng 200 đồng/cây.

Với mức tăng này, các loại thép phi 16-20 hiện nay tăng thêm 5.000 - 6.500 đồng/cây so với cuối tháng 1. Giá bán lẻ tại các đại lý trên thị trường không chỉ vượt mức 16 triệu đồng/tấn, mà đã đạt đến 16,5 triệu đồng/tấn.

Mặt khác, giá dịch vụ vận chuyển tại TPHCM cũng góp phần đáng kể trong cơn bão giá này khi bình quân giá dịch vụ vận tải hàng hoá tăng thêm 18-20% từ đầu tháng 3, vận tải hành khách tăng 20 - 25% và taxi tăng 8-10%.

Trước tình hình bão giá xảy ra với nhiều mặt hàng, ngành hàng, hầu như chi phí các dịch vụ tại TPHCM đã bị tác động mạnh mẽ, càng góp gió thành cơn bão giá lớn hơn.

Được biết ngày 24.3, theo tin từ Sở Tài chính TPHCM, chỉ số giá hàng hoá (CPI) của TP trong tháng 3 tiếp tục tăng 1,9% so với tháng 2, khiến CPI của quý I lên mức kỷ lục 7,2%.

Hà Nội: Giá rau giảm, thịt có nguy cơ tăng

Vòng qua các chợ trên địa bàn Hà Nội ngày 24.3 cho thấy, giá bán các loại rau đã giảm giá đáng kể so với thời gian trước. Theo giải thích của các tiểu thương, vì thời tiết không còn giá lạnh như trước nên các loại rau quả bắt đầu vào mùa.

Trong khi giá của hầu hết các loại rau đã giảm rất nhiều thì giá của các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt các là các loại thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt. Ngoài thị trường, thịt lợn mông sấn vẫn được bán với giá 60.000-65.000đ/kg, thịt lợn thăn có giá 70.000-75.000đ/kg, sườn non có giá 80.000-85.000đ/kg,... Bên cạnh đó, gà tam hoàng có giá từ 50.000-55.000đ/kg, gà ta nguyên con có giá 70.000-75.000đ/kg...

Theo chị Nhàn - một tiểu thương tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân), giá thịt lợn trong suốt thời gian sau Tết đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mà rất có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo chị Nhàn, nguồn cung lợn thịt tại các làng quê đang ngày một giảm do giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng cao, khiến nông dân không mặn mà với việc chăn nuôi đang ngày càng thua lỗ. Đối với các lò mổ tình trạng cũng không khả quan hơn.

Đà Nẵng: Chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng dầu vẫn nâng giá

Đầu tiên phải kể đến việc tăng giá một cách bất hợp lý ở các chợ. Dù việc tăng giá xăng dầu, sự mất giá đồng tiền chưa thật sự ảnh hưởng ngay đến từ bó rau, mớ cá, tuy nhiên tư thương đã hùa nhau tăng giá vô cớ.

Nếu như giá các loại hải sản, cá biển tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 vì tăng giá xăng dầu còn có cách giải thích hợp lý vì tăng chi phí đánh bắt, nhưng thịt heo chưa thật sự ảnh hưởng lớn bởi giá xăng dầu cũng đột ngột tăng từ 45.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg.

Nhà nông chưa tăng giá bán nông sản thì tại các chợ ở Đà Nẵng đã tăng giá một bó rau muống từ 1.500 đồng lên 3.000 đồng. Tương tự, giá dầu ăn tăng từ 17.000 đồng lên 32.000 đồng/chai...

Theo đó, các dịch vụ ăn uống từ càphê giải khát, hàng quán ăn sáng, cơm... cũng đồng loạt leo thang về giá.

Rõ ràng ngành quản lý thị trường đã bất lực trước việc giám sát, kìm hãm sự phá giá, tự ý nâng giá của tư thương. Tuy vậy, những người làm dịch vụ cũng có lý do chính đáng của họ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết - tư thương chợ Tân Lập - cho biết: "Đúng là thịt heo của tôi, thậm chí bó rau muống chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng dầu, nhưng để có sản phẩm này ra thị trường, chúng tôi bị tốn kém bởi nhiều dịch vụ gián tiếp khác, trong đó có vận chuyển.



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường