Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiền, hàng chưa đến tay nông dân
21 | 05 | 2009
Gần ba tuần kể từ khi Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.
Tính đến thời điểm này, người dân hầu như chưa biết rõ muốn vay vốn hỗ trợ lãi suất mua thiết bị, vật tư nông nghiệp phải gõ cửa nào, cần những thủ tục gì...

Gần ba tuần kể từ khi Quyết định 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn có hiệu lực, việc triển khai thực hiện đang rất chậm. Đối tượng được thụ hưởng chương trình là người dân nông thôn đến thời điểm này hầu như vẫn chưa biết cụ thể về chính sách này.

Chuyển động quá chậm

Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN, ông Nguyễn Duy Lượng, cho biết: Trung ương hội đã triển khai đến cả bốn cấp với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ nông dân làm thủ tục vay vốn, chỉ chờ các ngân hàng (NH) vào cuộc. Do trình độ hạn chế, thiếu thông tin, nông dân có thể gặp khó khăn, không tự hoàn thiện được hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của NH nên Hội Nông dân VN cũng yêu cầu các đơn vị gần dân nhất là chi hội cấp dưới cần thiết thì đứng ra làm giúp thủ tục.

Ông Lượng cho biết trước đây, Hội Nông dân VN đã phối hợp với Tổng Công ty Máy động lực, máy nông nghiệp (VEAM) và chính quyền 24 tỉnh, thành triển khai chương trình hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, lấy kinh phí từ ngân sách địa phương (mỗi tỉnh cấp 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất).

Nhưng thực tế triển khai chưa được như mong muốn, nơi có hiệu quả nhất như tỉnh Hưng Yên cũng chỉ cung ứng được khoảng 300 máy, còn lại chỉ khoảng hơn 200 máy/tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu cơ giới hóa đang khá cao.

Theo Quyết định 497, tiền vay hỗ trợ lãi suất chỉ được mua hàng của các doanh nghiệp trong nước. Để nông dân chịu mua hàng nội, nhà sản xuất phải cung ứng được sản phẩm có giá hợp lý; chất lượng máy cũng phải tương đối và phù hợp với đồng đất các địa phương.

Chẳng hạn cùng là máy gặt đập, làm đất nhưng tại miền Bắc, ruộng đất  còn manh mún, khó cơ giới hóa nên không thể tiêu thụ các loại máy mã lực cao như tại các tỉnh phía Nam. Nếu nhà sản xuất không nắm bắt được đặc điểm này thì cung và cầu có thể vẫn không gặp nhau.

Nỗi lo kích cầu cho hàng ngoại

Ông Lê Phấn Hải, Phó Phòng Thị trường và Kinh doanh VEAM, cho biết: Ngoài 24 tỉnh đang thực hiện cho vay hỗ trợ từ ngân sách địa phương đã triển khai, VEAM sẽ tập trung bán hàng tại 15 tỉnh trọng điểm. Tại các khu vực xa chỉ gửi catalogue chào hàng, thay vì tiếp thị tận nơi.

Tính đến thời điểm này, người dân hầu như chưa biết rõ thông tin về Quyết định 497, muốn vay vốn phải gõ cửa nào, cần những thủ tục gì... Ông Hải ước tính nếu thực hiện tốt chương trình cho vay, nhu cầu mua máy móc của cả năm nay đạt khoảng 200.000 chiếc các loại và VEAM hoàn toàn có khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí khác. Vấn đề thiếu máy không đáng lo ngại bằng việc đưa tiền hỗ trợ đến tay nông dân và quản lý sử dụng đúng đồng vốn có hiệu quả.

Theo ông Hải, thực tế triển khai hỗ trợ nông dân mua thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp đang triển khai từ ngân sách địa phương cho thấy đã xảy ra các trường hợp xuất tiền ngân sách để mua máy ngoại. Mặc dù hàng Trung Quốc không rẻ hơn nhiều nhưng vẫn thu hút do người bán có thể trốn thuế, ghi giá khống trên hóa đơn... Biết là tiền sử dụng sai mục đích nhưng VEAM không thể can thiệp vì các NH thương mại có quyền quyết định cho vay.

Thủ tục vay vốn cũng rất phức tạp, chậm trễ do phải qua nhiều cấp xét duyệt. Nếu không có việc phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và NH trong thủ tục xác nhận nhu cầu và kế hoạch sử dụng thiết bị, rất có thể xảy ra những biến tướng để đem tiền kích cầu cho hàng ngoại. Nhất thiết phải quy định người vay vốn phải có hóa đơn GTGT.

Sẽ có thêm một số mặt hàng được hỗ trợ lãi suất

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước, cho biết NH Nhà nước đang làm quyết định bổ sung hai đối tượng thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497 gồm các quỹ tín dụng nhân dân và NH  chính sách. Bên cạnh đó, NH Nhà nước cũng có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương bổ sung một số mặt hàng vào danh mục hàng hóa được hưởng hỗ trợ lãi suất.



Nguồn: Báo Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường