Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dân trồng mía ở Sóc Trăng: Lao đao vì cách tính chữ đường
25 | 03 | 2008
Đã gần hết tháng 3.2008, nhưng nông dân trồng mía tại Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn chưa thu hoạch hết mía. Công việc chuẩn bị cho một niên vụ mới cũng chẳng thấy.Tất cả cũng chỉ vì giá mía bán cho các nhà máy tại ruộng chỉ 520đ/kg, không đủ chi phí. Nhiều nông dân gắn bó với cây mía ngậm ngùi nói lời chia tay với cây mía.
Giá mía không theo giá vật tư


Trên 12 CCS cũng tính 12 CCS.

Ông Lưu Văn Tường - nông dân trồng mía ở xã An Thạnh Ba, Cù Lao Dung - tính toán: "Cộng tất cả các khoản chi phí, mỗi công mía đầu tư khoảng 5 triệu đồng. Mía đạt khoảng 10 tấn, giá 500 đồng/một ký, nông dân sẽ không có lãi một đồng xu nào. Neo nợ ngân hàng là cái chắc".

Toàn huyện Cù Lao Dung, có 7.585ha trồng mía. Cho đến thời điểm này mới thu hoạch 60%, còn 40%, nông dân không chịu thu hoạch. Trước giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao so với năm 2007, niên vụ 2008 -2009 này, người dân sẽ phải đổ thêm tiền vào rẫy mía của mình dù đã cố gắng chọn giống tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật một cách triệt để.

Ông Trần Bé Tư - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho biết: " Trên 95% diện tích mía của huyện đều ký hợp đồng với các nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL. Theo hợp đồng ban đầu giá sàn 320đ/kg, đến khi thu hoạch tính theo giá thị trường".

Trước tình trạng chi phí đầu vào tăng cao mà giá mía không chịu tăng, ông Tư thừa nhận giá này là một gánh nặng cho địa phương, vì nông dân sẽ không trả được nợ ngân hàng, thiếu vốn đầu tư cho vụ sau.

Nhà máy đường có ép nông dân

Việc thống nhất giá mua mía giữa các nhà máy đường khu vực ĐBSCL ngày 21.2 là điều cần thiết khi mà trước đó, giá mía bị đẩy lên mức 720đồng/kg, trong khi giá đường xuất kho chỉ ở mức 8.000 đồng/kg, làm các nhà máy bị thua lỗ. Tuy nhiên, xung quanh thoả thuận về giá mua mía nguyên liệu mà đại diện các nhà máy đã ký, áp dụng từ ngày 26.2 làm cho người trồng mía điêu đứng.

Điểm bất hợp lý trước tiên là các nhà máy khi mua mía nguyên liệu, đo chữ đường (CCS), trường hợp mía đạt trên 12 CCS chỉ mua bằng giá mía 12 CCS, không tính phần chữ đường vượt 12 CCS. Số tiền chênh lệch mỗi CCS 30 đồng không đến tay người dân.

Điều khá bất ngờ là các nhà máy vạch ra hẳn một lộ trình giảm giá, càng gần thời gian thu hoạch chính vụ, giá càng hạ. Lộ trình này cùng quy định lại chênh lệch mỗi CCS chỉ 15 đồng, thay vì 30 đồng như các năm trước. Chính vì thế, người dân bị giảm giá đến hai lần (giá bán và giá chênh lệch CCS). Theo lộ trình này, từ ngày 26.2 đến 7.3 đã có đến 4 lần giảm giá, giá mua mía tại ruộng giảm đến 70đ/kg so với thời điểm các nhà máy chưa "bắt tay" nhau.

Việc đặt ra quy định mía đạt trên 12 CCS chỉ tính bằng giá 12 CCS là lấy không (phần vượt) công sức lao động của nông dân và đẩy người nông dân trồng mía đến nguy cơ phá sản.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường