Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nông dân bỏ mía, vùng nguyên liệu ngày càng khó khăn
19 | 02 | 2014
Nếu như ở miền Bắc diễn ra cảnh nông dân bỏ lúa vào khu công nghiệp thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tái diễn cảnh bỏ mía nuôi tôm. Người nông dân sẵn sàng "mổ xẻ” từng thửa đất của vùng quy hoạch mía tại Sóc Trăng, Trà Vinh, đắp bờ bao nhằm phục vụ cho việc nuôi tôm.

Phá mía đào ao

Ông Nguyễn Thái Hoà, Phó Giám đốc Công ty mía đường Trà Vinh cho biết: Với giá đường 14.000 đồng/kg và Công ty phải mua với giá 1,060 triệu đồng/tấn mía nguyên liệu loại 10 chữ đường (10 CCS) như hiện nay, bình quân mỗi kg đường làm ra Công ty phải chịu lỗ 600 đồng.
 
Còn người nông dân cũng bị thiệt đủ đường do chữ đường trong cây mía ít khi trọn vẹn được 10. Cứ giảm 1 chữ đường nông dân lại mất thêm 70 đồng/kg. Trong khi đó, mọi chi phí cho sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, phí vận chuyển đều tăng từ 10 - 25%. Theo các hộ trồng mía tính toán, với năng suất mía từ 90 - 100 tấn/ha, chữ đường đạt từ 8 - 9 CCS, người trồng mía rất khó hòa vốn.
 
Điều này đã dẫn đến cảnh chán cây mía khiến cho diện tích trồng cây mía giảm mạnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, niên vụ 2013 - 2014 diện tích trồng mía chuyên canh của tỉnh chỉ còn khoảng 5.800 ha, giảm khoảng 300 ha so với niên vụ trước.
 
Ở tỉnh Sóc Trăng, tình trạng người nông dân trồng mía bị lỗ cũng diễn ra rộng khắp. Mía đạt 10 chữ đường được thu mua tại cầu cảng của nhà máy đường Sóc Trăng là 910 đồng/kg. Song giá mía được thương lái thu mua tại rẫy chỉ dao động từ 600-650 đồng/kg.
 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, giá thành sản xuất hiện là 724 đồng/kg. Mỗi ha mía sau gần 1 năm chăm sóc với năng suất bình quân là 110 tấn/ha, người dân lỗ từ 6-11 triệu đồng. Mức lỗ cao hơn khi năng suất và chữ đường giảm sâu.
 
Liên tiếp thua lỗ, người nông dân đã bỏ mía chuyển sang sản xuất các loại cây, con khác. Hiện nhiều diện tích chuyên canh mía của Sóc Trăng đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
 
Tính toán của cơ quan chức năng huyện Cù Lao Dung ở Sóc Trăng cũng chỉ ra, trong khi diện tích trồng mía đang giảm xuống thì diện tích ao đào  mới nuôi tôm lại tăng cao. Thậm chí có hộ gia đình chuyển 5.000m 2 đất trồng mía sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
 
Mía liên tiêp mất giá, nông dân không còn mặn mà với cây mía. Người nông dân sẵn sằng "mổ xẻ” từng thửa đất của vùng quy hoạch mía tại Sóc Trăng, Trà Vinh,  để lên liếp, đắp bờ bao nhằm phục vụ cho mục đích nuôi tôm. Từ đó dẫn đến nghịch lý: mía suy, tôm thịnh.  Vùng mía nguyên liệu các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục bị thu hẹp, hệ luỵ nhà máy đường phải đối diện là  "đói” nguyên liệu trong tương lai.
 
Thiếu vùng nguyên liệu
Điều đáng nói là việc bỏ mía nuôi tôm dù trước mắt có thể mang lại lợi cho người nông dân nhưng về lâu dài lại đẩy người nông dân vào cảnh: thiếu ổn định. Do chạy treo phong trào phá mía, bỏ mía nuôi tôm dẫn đến cảnh thiếu mía thừa tôm.
 
Tại các tỉnh phía Nam đã từng có những thực tế, người nông dân bỏ lúa trồng ca cao, cây điều. Sau đó, đốn hạ cây cacao, điều để trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Giờ đây các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh lại đang lặp lại vòng xoáy phá mía nuôi tôm, rồi đến khi lại phá tôm nuôi cá lóc… Điều này  khẳng định thêm một thực tế rằng, người nông dân chưa được định hướng một cách rõ ràng với các sản phẩm cây trồng vật nuôi.
 
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong điều kiện kinh tế thế giới đang khó khăn, nông nghiệp lại là trụ đỡ của kinh tế Việt Nam. Mặt hàng nông sản không những tiêu thụ trong nước, mà chiếm số lượng lớn trong cán cân xuất khẩu. Người nông dân bị thiệt là bởi vì họ sản xuất nhỏ lẻ, quy hoạch nông nghiệp chưa đến nơi đến chốn. Chúng ta chưa hình thành được chuỗi hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ.
 
Trong mỗi khâu, cứ có 3 – 4 tầng nấc trung gian, 1 tầng nấc lại 1 lần đội giá. Ví dụ như giá vật tư nông nghiệp cung ứng cho bà con nông dân, cũng phải qua 3-4 anh đại lý rồi mới được đến tay người nông dân. Giá đầu vào của họ đội lên rất nhiều. Rồi đến khâu thu mua, người nông dân bán cho thương lái, thương lái bán cho công ty, rồi mới đến tổng công ty. Mỗi lần như vậy, các khâu trung gian lại ép 1 mức giá của người nông dân để hưởng chênh lệch, có lãi. Thế mới có chuyện giá tới tay người tiêu dùng chênh 3-4 lần. Do vậy mới có cảnh giá mía thu mua thấp nhưng giá đường người tiêu dùng mua lại rất cao. Đó là nghịch lý từ bao lâu nay mà chúng ta chưa khắc phục được. Không chỉ có nghành mía đường mà nhiều ngành nông sản khác đang chịu cảnh tương tự.
 
Điều này đã khiến cho người nông dân rơi vào cảnh thiệt thòi, bỏ ruông, phá ao, cho thuê đất. Vùng nguyên liệu sản xuất cho các ngành hàng xuất khẩu bị thiếu trầm trọng.
 
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
 


Báo cáo phân tích thị trường