Mía cây có thân màu tím, mềm, đứng thẳng..., được trồng ở nước ta từ nhiều năm nay, nhất là ở một số địa phương của các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Ở tỉnh Đồng Nai, một số hộ nông dân ở các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, TX.Long Khánh… đã trồng thử nghiệm loại mía này, cho thu hoạch với năng suất cao.
Với đặc tính mềm, nhiều nước và ngọt, thân ít sâu, hằng năm cứ đến khoảng cuối tháng 11 đến trước tết Nguyên đán, người trồng mía tím bước vào vụ mùa thu hoạch. Ngoài công năng giải khát, được người tiêu dùng ưa thích, thì mía cây vào dịp tết Nguyên đán còn được xem như là loại cây tâm linh, được dùng làm cây nêu ngày tết cạnh bàn thờ mỗi hộ gia đình để cầu may, cầu tài, cầu phúc lộc…
Vợ chồng anh chị Phạm Văn Tới, Lưu Thị Cẩm Nhung - một trong khá nhiều cặp vợ chồng bán mía cây tại khu vực chợ An Bình, xã Tam Phước (TP.Biên Hoà) cho biết, mỗi ngày vợ chồng anh chị bán được hơn 20 chục bó mía, mỗi bó 12 cây (tuỳ theo từng loại to nhỏ khác nhau), với giá nhập vào bình quân khoảng 9.000 - 10.000 đồng. Khi anh chị bán ra, loại to mỗi cặp 2 cây có giá 25 ngàn đồng, lời được từ 1.000-3000 đồng/cây mía. Trong những ngày này, nhất là mấy ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán, mỗi ngày vợ chồng anh chị bán được khoảng 500 - 600 cây mía, thời tiết càng nắng to thì sức mua càng nhiều, thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 600.000 đồng. Chị Nhung cho biết, mía cây bán tết là loại hàng đã được đặt tại vựa mía, tuỳ mức tiêu thụ hàng ngày, chị không phải đi tới tận nơi, mà chỉ cần gọi điện thoại để nhà vườn mang mía đến.
Ngoài ra, nhu cầu của người mua mía cây ngày càng tăng cao vì đây là mặt hàng giải khát sạch, không lo bị các loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người tiêu dùng như các loại nước uống giải khát khác bày bán trên thị trường. Việc bán mía cây tại một số chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa thực sự đem lại nguồn thu nhập cho người trồng mía và người buôn bán nhỏ lẻ.
Nguồn: Báo Đồng Nai