Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người trồng mía như ngồi trên lửa!
28 | 04 | 2010
Giá đường thế giới giảm mạnh, kéo theo giá mía trong nước cũng giảm sâu khiến người trồng mía ở các tỉnh, thành và Đồng Nai như ngồi trên lửa. Bởi với giá mía như hiện nay, nông dân sẽ lỗ hoặc chỉ huề vốn.


 * Giá chỉ còn một nửa

Nếu đầu tháng 3-2010, giá mía trên thị trường thế giới là hơn 700 USD/tấn thì bất ngờ cuối tháng 3 giá đường giảm xuống chỉ còn gần 400 USD/tấn khiến nhiều công ty sản xuất đường trong nước vội vã giảm giá mua mía. Tại vùng Đông Nam bộ, giá mía nguyên liệu đang hơn 1 triệu đồng/tấn đột ngột giảm xuống còn 400-500 ngàn đồng/tấn. Trước thực trạng giá mía giảm sâu, nhiều nông dân trồng mía trong tỉnh đang phân vân không biết nên trồng mía hay chuyển qua trồng mì vì giá mì đang cao. Ông Trương Hùng Dung, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) kể: "Vừa qua, tôi may mắn bán được mía lúc giá đang cao, song hiện giá mía xuống quá thấp làm tôi lo lắng chưa biết nên tiếp tục trồng mía hay chuyển qua trồng mì. Vụ này, vừa đất của nhà, lẫn đất thuê tôi có gần 100 hécta nếu trồng cả mía đến lúc thu hoạch giá mía không tăng thì cầm chắc thua lỗ. Vì tiền đầu tư một hecta mía khoảng 30-32 triệu đồng, trong trường hợp năng suất đạt dưới 80 tấn/hécta chắc chắn lỗ vốn". Anh Đỗ Thanh Hải, người có hơn 100 hécta đất chuyên trồng mía ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho hay: "Các khâu trồng, chăm sóc mía của gia đình tôi đa số được cơ giới hóa, chi phí giảm hơn so với các hộ khác khoảng 2 - 4 triệu đồng/hécta. Song, theo như tính toán của tôi, với giá mía hơn 400 ngàn đồng/tấn thì năng suất mía phải đạt trên 80 tấn/hécta mới có lời".

Theo nhiều nông dân trồng mía ở các huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu, năng suất mía đa số chỉ đạt khoảng 60 - 70 tấn/hécta. Như vậy, nếu giá mía không tăng nông dân khó an tâm để hết lòng đầu tư cho cây mía.

* Để giữ vùng nguyên liệu

Vụ hè - thu năm 2010, nông dân Đồng Nai dự kiến sẽ trồng gần 4.500 hécta mía, tập trung ở các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc. Mía của nông dân trong tỉnh đa số được hai đơn vị là Công ty cổ phần đường Biên Hòa và Công ty cổ phần mía đường La Ngà mua.

Trước giá đường giảm mạnh, kéo theo giá mía giảm chỉ còn một nửa, hai công ty này đều đưa ra các chính sách hỗ trợ vốn, giá bao tiêu đầu ra cho người trồng mía an tâm giữ vùng nguyên liệu. Thế nhưng, nông dân vẫn chưa an tâm vì theo họ giá bao tiêu 500 ngàn đồng/tấn mới chỉ huề vốn. Ông Trương Văn Thành, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An thuộc Công ty cổ phần đường Biên Hòa, cho biết: "Trước thực trạng giá mía giảm sâu làm nông dân bất an, hiện nhà máy đang tiến hành điều chỉnh hợp đồng với dân tăng giá bao tiêu mía lên 550 ngàn đồng/tấn. Vào thời điểm thu hoạch, nếu giá mía tăng nhà máy sẽ điều chỉnh tăng, còn trường hợp giá mía tiếp tục giảm, nhà máy vẫn mua theo giá bao tiêu. Bên cạnh đó, phía công ty còn đưa ra một số chính sách như hỗ trợ không hoàn lại 4 triệu đồng/hécta với những diện tích chuyển đổi sang trồng mía. Các hộ trồng mía ký hợp đồng với công ty còn được mua giống chỉ bằng 80% giá ngoài thị trường và được vay từ 10 - 20 triệu đồng/hécta với giá ưu đãi để chăm sóc mía".

Ông Trần Văn Ngà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà, nói: "Để giữ vùng nguyên liệu mía ở Đồng Nai, hiện công ty đưa ra giá bao tiêu 550 ngàn đồng/tấn và những hộ chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng mía được cho thêm 2 - 5 triệu đồng/hécta. Ngoài ra, hộ nào cần vốn công ty cho vay từ 10 - 28 triệu đồng/hécta với lãi suất thấp hơn ngân hàng 0,2%/tháng".

Theo một số chuyên gia kinh tế, giá các loại nông sản trên thị trường thế giới gần đây luôn có sự tăng, giảm thất thường. Do đó, nông dân nên bỏ thói quen chỉ trồng những cây đang được giá, mà hãy tập trung vào thâm canh tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào để bù lại giá thấp.



Theo www.hoinongdan.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường