Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải “cơn khát” nguyên liệu mía đường
08 | 04 | 2010
Nhiều năm qua, nước ta liên tục phải nhập khẩu đường để bù đắp lượng đường thiếu hụt và bình ổn thị trường do giá đường bị đẩy lên cao bởi tình trạng "đốn - trồng" mía của nhiều địa phương tự do không theo quy hoạch. Nếu điệp khúc này vẫn lặp lại, ngành mía đường sẽ khó đứng vững.
Vẫn cảnh tranh mua, tranh bán
Từ năm 2000 trở lại đây, diện tích trồng mía trên cả nước giảm dần do không cạnh tranh được với một số cây trồng thu nhập cao như cao su, sắn, cà phê... khiến việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa các nhà máy đường thường xuyên xảy ra. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nguyên liệu lớn nhất cả nước hiện có 10 nhà máy đường công suất lớn nhưng suốt thời gian dài không hoạt động hết công suất vì thiếu nguyên liệu.

Bộ NN&PTNT cho biết, cả nước hiện có 40 nhà máy đường với công suất ép mía 97,2 nghìn tấn/ngày, mỗi vụ sản xuất khoảng 5 tháng, về lý thuyết cần 14 đến 15 triệu tấn mía nguyên liệu. Thế nhưng, diện tích mía nằm trong vùng nguyên liệu của các nhà máy còn khoảng 220 nghìn hécta và có xu hướng giảm dần, trong khi năng suất lại thuộc mức thấp nhất thế giới (54 tấn/ha), bằng một nửa so với Thái Lan. Như vậy, sản lượng mía cây thực tế hằng năm chỉ từ 11 đến 12 triệu tấn, nên dẫn đến thị trường luôn thiếu cung, khiến một nước mạnh về nông nghiệp như Việt Nam không còn cách nào khác là phải nhập khẩu đường. Nhiều chuyên gia cho rằng, với diện tích mía hiện tại, nếu chăm sóc tốt, đẩy năng suất lên cao, hoàn toàn có thể đủ mía nguyên liệu để ép được từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn đường.

Hiện giá mía nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 1.200 đồng đến 1.300 đồng/kg tại nơi trồng, giá mua tại nhà máy là 1.400 đồng/kg. Theo thống kê, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử trồng mía của khu vực này.
Trao đổi với Hànộimới chiều qua (7-4), một đại diện của Hiệp hội Mía đường Việt Nam xác nhận, một nguyên nhân sâu xa khác của việc thiếu nguyên liệu là mối quan hệ chưa chặt chẽ giữa người trồng mía và doanh nghiệp chế biến. Lúc đường đắt, doanh nghiệp tranh mua nguyên liệu, ngược lại thì bỏ rơi nông dân. Trong khi đó, dù đã ký hợp đồng bán mía cho doanh nghiệp, nhưng khi mía nguyên liệu tăng nông dân sẵn sàng phá hợp đồng để bán với giá cao hơn. Ở thời điểm này, khi giá đường tăng, nông dân một số địa phương như Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh… ồ ạt mở rộng diện tích mía. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, khi giá đường cao, doanh nghiệp nâng lên không tương xứng; giá đường thấp lại "đè" người trồng mía nên không khuyến khích người dân đầu tư sản xuất. Trong khi đó, nông dân thấy giá mía cao thì tăng cường đầu tư, mở rộng diện tích, nhưng giá thấp thì chặt mía trồng cây khác, thu hẹp diện tích. Nếu sản xuất theo kiểu này, các nhà máy đường sẽ thiếu nguyên liệu.

Phát triển bền vững vùng nguyên liệu
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong thời điểm chuyển vụ là không mới, tuy nhiên năm nay trầm trọng hơn do giá đường trong nước đang ở mức cao, khiến cho các nhà máy "khát" nguyên liệu. Từ giữa tháng 3 trở lại đây, đã có hơn 20 trong tổng số 40 nhà máy đường phải kết thúc sản xuất trước niên vụ 2009-2010 do hết nguyên liệu. Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường, để giải bài toán giá đường trồi sụt và thiếu nguyên liệu, phải quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch vùng mía nguyên liệu nghiêm túc, bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất đường và hướng dẫn, thông tin thị trường kịp thời, tránh mất cân bằng cung cầu. Tuy nhiên, vấn đề mấu nhất là cần nhanh chóng nâng cao năng suất để tăng sức cạnh tranh của cây mía với các loại cây trồng khác. Đây chắc chắn là hướng chủ đạo, bởi ngoài sức ép cạnh tranh của các loại cây trồng khác, cây mía và ngành công nghiệp đường còn chịu sức ép lớn từ những thị trường đường lớn trên thế giới.

Ngoài ra, phải bảo đảm sự gắn kết bền chặt giữa người trồng mía với nhà máy đường để bảo vệ quyền lợi thỏa đáng và ràng buộc nghĩa vụ mỗi bên. Theo hướng này, cần thu hút nông dân trở thành cổ đông của nhà máy đường; nghiên cứu áp dụng cơ chế giá mía nguyên liệu theo giá đường thực tế trong suốt vụ tiêu thụ đường, không theo giá đường trên thị trường ở thời điểm "mua đứt bán đoạn" mía nguyên liệu. Về phía cơ quan quản lý, Bộ NN&PTNT cần thường xuyên đề nghị doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, giữ giá thu mua mía nguyên liệu ổn định cho người trồng mía có lãi 30% thì mới giữ được vùng nguyên liệu bền vững.


Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường