Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường đang bị làm giá
21 | 12 | 2009
Theo Hiệp hội Mía đường VN, đường trong nước hoàn toàn không thiếu, nhưng giá vẫn cứ tăng cao là do các doanh nghiệp (DN) đường “té nước” theo... giá đường thế giới.

Không thiếu đường

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN khẳng định: “Vụ mía đường 2009 - 2010, nông dân cả nước trồng khoảng 290.000 ha mía, tăng hơn so với vụ trước đó 19.400 ha. Theo kế hoạch, cả vụ, các nhà máy đường sẽ ép được 1,13 triệu tấn đường. Nhưng chắc chắn lượng đường sản xuất ra sẽ bị thiếu hụt so với dự kiến vì sản lượng mía tại các tỉnh miền Trung bị giảm trên 20% sau các trận lũ lụt vừa qua, trong khi tại các vùng nguyên liệu khác, năng suất mía sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt”.

* Khi giá đường tăng, các nhà máy ca ngợi điều này có lợi cho nông dân, nhưng ai biết cụ thể người nông dân trực tiếp trồng mía được lợi bao nhiêu hay là số tiền chênh lệch đã chạy vào thương lái và nhà máy đường? Thực tế nông dân cũng là một bộ phận người tiêu dùng. Họ được trả cao hơn 100 đồng cho 1 kg mía nguyên liệu, nhưng ngược lại họ phải mua đường cho nhu cầu sử dụng trong gia đình cao hơn gấp nhiều lần. (Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk)

* Hạn ngạch nhập khẩu đường cả năm 2009 là 111.000 tấn nhưng thực tế, đến hết tháng 9 chúng ta mới nhập về 74.000 tấn, số còn lại hiện chưa có thông tin gì. Tôi cho rằng, các DN đầu mối đang chần chừ nhập khẩu là vì họ hy vọng vào chính vụ, nguồn cung trong nước dồi dào, giá vì thế cũng sẽ “mềm” hơn”. (Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN)

Tuy nhiên, theo ông Phái, từ nay đến tháng 6.2010, VN sẽ không thiếu đường. Bởi lẽ, bây giờ đã vào chính vụ sản xuất đường, và hiện đã có 36/40 nhà máy đường bước vào sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ đường trong nội địa vào tháng cao điểm nhất cũng chỉ ở vào khoảng trên dưới 150.000 tấn/tháng, còn từ đầu năm 2009 đến nay lượng đường tiêu thụ của các nhà máy đường bình quân hằng tháng là dưới 80.000 tấn. Trong khi đó, đến ngày 15.11, các nhà máy đã ép được trên 1 triệu tấn mía, thu về 79.150 tấn đường. Lượng đường tồn trong kho các nhà máy đến ngày 15.11 là trên 20.000 tấn, chưa kể lượng đường tồn trong khâu lưu thông. Hiệp hội Mía đường VN dự báo, từ ngày 15.11 đến 15.12, các nhà máy sản xuất được 100.000 tấn đường, từ 15.12.2009 đến 15.1.2010 các nhà máy sẽ cung cấp thêm 230.000 tấn đường nữa. Vụ mía đường 2009 - 2010 sẽ kết thúc sau tháng 6, khi tất cả các nhà máy ngừng sản xuất.

Lý giải nguyên nhân giá đường trong nước tăng cao, ông Phái cho rằng các nhà kinh doanh đường trong nước đã nắm bắt thông tin giá đường thế giới tăng cao và điều chỉnh theo. Hiện giá đường thế giới và trong nước đã dịu xuống chút ít nếu so với thời điểm 1 tuần cuối của tháng 11. Cụ thể, giá đường trắng thế giới chỉ còn 618,1 USD/tấn, giá trong nước từ 16.000 - 16.300 đồng/kg xuống còn 15.000 - 15.800 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại thị trường TP.HCM, giá đường bán lẻ vẫn đang duy trì xung quanh mức 18.000 đồng/kg.

Nhưng phải “ăn đong từng bữa”

Trong khi đó, đại diện Công ty sữa Vinamilk (VNM) nói: “Hiện số lượng đường để VNM sử dụng cho sản xuất vào tháng 1.2010 hoàn toàn chưa có. Lý do là các nhà cung cấp đường trong nước đợi đến khoảng 26-28.12 mới báo giá. Từ khi xảy ra cơn sốt đường họ đều thực hiện như vậy vào mỗi tháng. Là nhà sản xuất lớn nhất trong ngành sữa ở VN, với doanh thu kế hoạch của năm 2010 là hơn 13.000 tỉ đồng, VNM thực sự lo lắng về nguồn cung đường hiện nay. Nếu như quota nhập khẩu đường được Bộ Công thương cấp sớm và cấp một lần thì DN sản xuất sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu đường, sẽ tránh được tình trạng ăn đong từng bữa và phụ thuộc vào các nhà máy đường như hiện nay”.

VNM cho biết vẫn đang chờ Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) trả lời số lượng quota được cấp cho năm 2010, vì quota được cấp cho năm 2009 đã sử dụng hết, còn lại phải mua trong nước với giá quá cao, bất ổn cho sản xuất. “Một mặt thì đợi quota, mặt khác bị các nhà cung cấp đường trong nước ép giá vì họ biết chắc quota được cấp thì nhanh nhất cũng cần 6 tuần mới có thể nhập khẩu về đến VN, tất cả diễn biến này đều nằm trong sự tính toán của một số DN cung cấp đường”, một lãnh đạo VNM bức xúc.

Một DN khác trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, nước giải khát ở TP.HCM cũng cho biết các nhà máy đường mấy tháng nay cứ liên tiếp thay đổi giá bán theo chiều hướng tăng lên với đủ mọi lý do, còn người mua thì cứ bấm bụng chịu đựng.

Ông Lê Văn Khôi, đại diện Văn phòng Coca-Cola khu vực Đông Dương, nhận định: “Giá đường tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng và tạo áp lực lên người tiêu dùng. Ngoài ra, giá đường tăng cũng làm nguồn cung của đường không ổn định, hợp đồng mua bán đường dễ bị hủy bỏ. Chúng tôi ủng hộ việc mua nguyên liệu đường nội địa nhưng với điều kiện nguồn cung ổn định, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý. Trước mắt chúng tôi đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT xem xét việc nới lỏng việc cấp quota nhập khẩu đường để bình ổn giá và giải quyết tình trạng khan hiếm. Về lâu dài chúng ta nên có kế hoạch điều hành vĩ mô để tránh tình trạng giá đường tăng cao và nguồn cung không ổn định như hiện nay”.

Thực tế khi giá đường trong nước tăng cao, đường nhập lậu lập tức tràn vào gây áp lực buộc các nhà máy phải hạ giá để cạnh tranh. Hiện giá đường ở ĐBSCL đã giảm gần 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng và ở mức 14.700 - 14.800 đồng/kg. Rõ ràng việc đẩy giá đường lên cao trong thời gian qua là việc làm có chủ ý của nhiều nhà máy.

Diễn biến giá đường “đến hẹn lại tăng” đã lặp đi lặp lại nhiều đợt từ nhiều năm nay nhưng vẫn không khắc phục được. Điều này cho thấy công tác điều hành từ phía cơ quan quản lý đang có vấn đề. Ngoài việc phân bổ quota nhập khẩu đường chưa hợp lý, việc xử lý các DN “té nước theo mưa”, lợi dụng cao điểm sản xuất để tăng giá đường quá mức cũng chưa được quan tâm đúng mức. Mà mọi thiệt hại thì cứ đổ hết lên đầu người tiêu dùng.



Theo Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường