Liên tục từ nửa cuối tháng 11.2009, giá đường trên thị trường đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và hiện giá bán lẻ nhiều nơi đang xấp xỉ mức 19.000 đồng/kg, có nơi còn lên tới 20.000 đồng/kg.
Nếu so với giá xuất xưởng mà các nhà máy đường công bố cách đây khoảng 2 tuần là 15.200 đồng/kg thì giá đường bán lẻ ở TP.HCM hiện có mức chênh lệch khá lớn. Hiện giá đường tại hệ thống siêu thị Big C đang ở mức 18.000 đồng/kg, cụ thể đường Thành Công: 17.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với tuần trước; đường Bonsu: 17.800 đồng/kg, đường Biên Hòa: 18.200 đồng/kg.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C cho biết: “Đường là một trong những mặt hàng thiết yếu mà chúng tôi đang cố gắng kiềm giữ giá và vì thế dự trữ rất nhiều, không để xảy ra tình trạng thiếu đường. Còn việc tăng giá chủ yếu là từ phía nhà cung cấp”.
“Buộc phải tăng giá sữa”?
| Với yếu tố này thì giá thực phẩm dịp Tết chắc chắn phải tăng cao, hiện chúng tôi đã phải tăng giá bán lên khoảng 10 - 15%
|
| Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm, sữa và nước giải khát Hanco |
Giá đường tăng mạnh trong thời điểm các doanh nghiệp (DN) đang tập trung sản xuất hàng Tết càng góp phần khiến giá thực phẩm tăng. Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm, sữa và nước giải khát Hanco, cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ mỗi tháng của chúng tôi từ 50 - 100 tấn đường, giá đường gần đây đã tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm, rõ ràng chúng tôi phải gánh thêm chi phí rất lớn. Với yếu tố này thì giá thực phẩm dịp Tết chắc chắn phải tăng cao, hiện chúng tôi đã phải tăng giá bán lên khoảng 10 - 15%”.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại của Công ty sữa Vinamilk (VNM), bức xúc: “Quan điểm VNM là sẵn sàng sử dụng đường sản xuất trong nước với điều kiện giá phải rẻ hơn hoặc ít ra phải bằng giá đường nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay giá đường trong nước đã cao hơn đường nhập khẩu khoảng 5.000 đồng/kg. Cụ thể giá đường nhập khẩu khi về đến VN, trừ các chi phí thì chỉ khoảng 13.000 đồng/kg, trong khi VNM buộc phải mua đường trong nước vì đã hết quota nhập khẩu đường được cấp. Nhu cầu sản xuất của VNM gần 7.000 tấn đường/tháng, nếu mỗi kg đường phải mua với giá cao hơn gần 5.000 đồng thì mỗi tháng thiệt hại trên 35 tỉ đồng”.
| Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tăng số lượng quota nhập khẩu đường để bình ổn giá thị trường trong nước
|
| Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Vinamilk |
Theo bà Hương, với cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, VNM đã cân nhắc tính toán rất kỹ trước khi điều chỉnh giá bán để người Việt có cơ hội dùng sản phẩm sữa VN với chất lượng cao và giá cả vừa phải. Tuy nhiên nếu giá đường không hạ nhiệt, lượng quota không được cấp đủ nhu cầu thì VNM buộc phải tăng giá sữa thêm nữa và như vậy người tiêu dùng vẫn là đối tượng gánh chịu thiệt hại cuối cùng.
Thái độ tỉnh bơ...
Nếu như cách đây vài tháng, Hiệp hội Mía đường VN còn tìm cách bình ổn, giữ giá đường vào khoảng 10.000 đồng/kg thì hiện nay tình thế hầu như đã xoay ngược hoàn toàn, giá đường tăng gần gấp đôi mức giá dự kiến và không ai dự báo được xu hướng sắp tới sẽ như thế nào. Các DN sản xuất đường, Hiệp hội Mía đường... thì thấy chuyện giá đường tăng một cách vô lý hiện nay là... bình thường.
Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, nói: “Tôi có thể khẳng định giá đường như thời điểm hiện tại là hợp lý với chi phí mà DN, người trồng mía bỏ ra. Giờ mình thấy cao do mấy năm trước giá đường quá thấp khiến cả người trồng mía và DN sản xuất đều chịu thiệt. Cho nên giá đường cao thì nông dân được lợi để yên tâm sản xuất”.
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến - Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, cũng nhận định: “Giá đường tăng cao là diễn biến bình thường của thị trường và vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Từ nay đến cuối năm, cân đối cung cầu sẽ chuyển dần sang giai đoạn dư thừa do các nhà máy tiếp tục vào vụ ép. Bên cạnh đó quota nhập khẩu bổ sung vẫn còn trên 10 nghìn tấn. Việc nhập khẩu theo quota sẽ góp phần hạ cơn sốt giá đường trong nước”.
Thái độ tỉnh bơ trước tình hình giá đường tăng cao chính là một biểu hiện bất thường, bởi như đã phân tích ở trên, giá đường trong nước đang cao hơn giá thế giới gần 5.000 đồng/kg, mọi thiệt hại đều do người tiêu dùng gánh chịu. Điều đáng nói là những dự báo của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực mía đường lại hầu như trật lất.
Vào thời điểm các DN có nhu cầu sản xuất xin nhập bổ sung quota đường, Bộ Công thương trả lời sốt giá là do đường chưa vào vụ, không đồng ý cho nhập khẩu vì lượng đường vẫn có thể cân đối và đủ cho nhu cầu. Bộ Công thương cũng dự báo khi các nhà máy ở ĐBSCL vào vụ thì giá đường sẽ trở về mức 12.000 đồng/kg. Thực tế hiện nay đã có 4 tỉnh miền Trung thông báo mất toàn bộ diện tích mía do các cơn bão, các nhà máy ở miền Bắc do ảnh hưởng khí hậu cũng chưa thể vào vụ, và giá đường cũng không thể bình ổn.
Để hạ nhiệt giá đường, cần thiết phải phân bổ lại quota nhập khẩu cho những DN thật sự có nhu cầu sản xuất, đồng thời theo dõi sát việc thực hiện các hợp đồng nhập khẩu đường, không thể để các DN “ngâm” quota lâu như vậy để cố tình đẩy người tiêu dùng vào cơn sốt giá không biết khi nào mới dứt.