Có xin nhưng không nhậpTrao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với 50 nghìn tấn đường thương mại được cấp mới đây thì tổng số đường được cấp quota nhập năm 2010 lên đến 200 nghìn tấn, gấp đôi lượng nhập năm 2009.
Tuy nhiên, với những biến động của thị trường hiện này thì không dễ để các doanh nghiệp nhập ngay được đường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần: Tôi không đồng ý với Hiệp hội mía đường. Họ không muốn cho nhập khẩu đường để “làm giá” đường trong nước. Tôi đồng ý cho các nhà máy đường trong nước bán theo giá thị trường thế giới nhưng họ còn bán cao hơn cả mức này. Thực tế, giá đường thế giới vẫn không cao như Hiệp hội Mía đường nói, nếu nhập về Việt Nam, cộng cả chi phí thuế, vận chuyển, lãi suất ngân hàng thì vẫn chỉ ở mức giá 16.000đồng/kg. Trong khi đó giá đường trong nước vẫn bán ở mức cao hơn: 18.000đồng. |
Theo ông Hòa, đáng ra các doanh nghiệp được cấp quota để bình ổn giá là phải nhập ngay đường. Nhưng thực tế các doanh nghiệp này cứ hô như vậy cho oai, và đến khi có quota cũng không nhập đường. Tâm lý của doanh nghiệp là chờ giá thế giới xuống thấp mới nhập nhưng giá đường liên tục thay đổi, không biết lúc nào là thấp cả.
“Nhiều doanh nghiệp đòi quota mà không nhập thì chúng tôi cũng đã yêu cầu Bộ Công thương tăng cường quản lý, giám sát việc này. Không thể cấp quota bừa bãi được” - Ông Hòa kiến nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Võ Thành Đàng khẳng định: Với tình hình giá đường trên thế giới như hiện nay, doanh nghiệp không dại gì nhập đường về.
Ông Đàng cho biết, niên vụ mía 2009 - 2010 không riêng Việt Nam mà nhiều nước trồng mía trên thế giới đều bị mất mùa khiến cung không đủ cầu. Giá đường thế giới vẫn đang ở mức rất cao, 680 - 730 USD/tấn, chưa có dấu hiệu giảm.
Nếu doanh nghiệp nhập đường về Việt Nam lúc này, cộng tất cả các chi phí vận chuyển, thuế thì giá bán lẻ phải 18 - 19 nghìn đồng/kg mới có lãi. Trong khi giá đường trong nước đang chững lại ở mức 16 - 18 nghìn đồng/kg.
“Doanh nghiệp dại gì nhập đường khi giá trong nước thấp hơn giá nhập khẩu” - Ông Đàng nói. Bằng chứng cụ thể là từ đầu năm 2010 đến nay, mới chỉ có một vài doanh nghiệp nhập đường.
Sử dụng quota làm “con tin”
Có một thực tế là, doanh nghiệp được cấp quota có nhập đường hay không là quyền của họ.
Khi giá đường thế giới thấp, giá trong nước cao thì họ nhập, khi không còn lợi nhuận thì họ thôi, mà cũng chẳng hề hấn gì. Quota nhập khẩu là thể hiện chức năng độc quyền điều hành thị trường của nhà nước, nhưng phương thức cấp quota hiện nay giúp các doanh nghiệp nhập khẩu biến độc quyền đó thành “con tin”.
Ông Võ Thành Đàng cho rằng, chỉ có doanh nghiệp thương mại nhập khẩu là có lợi.
“Về lâu dài, tôi nghĩ không thể cấp quota nhập khẩu đường mãi. Chúng ta có đủ điều kiện sản xuất không thể mỗi năm phải bỏ ra 200 triệu đô la để nhập khẩu đường, gây lãng phí hơn 350 tỷ đồng trong khi nông dân thiếu việc làm. Giá đường cao, lạm phát cao chính vì điều này chứ do đâu?” - Ông Đàng nói.
Ông Đàng cho rằng, phải thay đổi cách cấp quota, cấp có thời hạn. Cơ chế để doanh nghiệp được cấp quota nên theo kiểu “bỏ thầu”. Hết hạn mà anh không chịu nhập thì cũng phải chịu trách nhiệm, chẳng hạn như bồi thường chứ không thể “phủi tay” như hiện nay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Hoàng Thọ Xuân khẳng định: Bộ sẽ xử lý nghiêm những trường hợp xin quota mà không nhập hoặc nhập về nhưng bán không đúng với giá đã cam kết.
“Cần thiết, chúng tôi sẽ bàn với Bộ Tài chính truy thu phần chênh lệch thuế, được ưu đãi thuế quan nhưng không bán theo yêu cầu nhà nước. Lúc có quota, lúc thị trường cần mà anh không nhập là không được, chúng tôi sẽ xử lý” - Ông Xuân nói.