Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải cơn khát nguyên liệu cho nhà máy đường
15 | 04 | 2009
Từ giữa tháng 3 đến nay, có quá nửa trong tổng số 40 nhà máy đường trên cả nước phải ép mía cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với nguyên nhân chủ quan là mối quan hệ "thất thướng" giưũa nông dân và doanh nghiệp tồn tại lâu nay, các nhà máy "khát" nguyên liệu là do tác động của khủng hoảng kinh tế.


Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Xuân phân tích: Từ năm 2007-2008, giá nhiều loại nông sản như sắn, ngô, lúa... tăng khá mạnh, trong khi giá mía không tăng, nên nông dân ồ ạt phá mía chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn.


Nông dân còn không mặn mà chăm sóc mía là do niên vụ 2007-2008, trong khi giá mía nguyên liệu giảm thê thảm, thì giá phân và nhiều vật tư chăm bón tăng chóng mặt.

Hệ quả là niên vụ 2008-2009, sản lượng mía trên cả nước giảm khá mạnh, khoảng 2,3 triệu tấn (tương đương 198.000 tấn đường) so với vụ trước. Tuy nhiên, nhìn về sâu xa, nguyên nhân của tình trạng các nhà máy đường thiếu nguyên liệu là mối quan hệ lỏng lẻo giữa người trồng mía và doanh nghiệp chế biến.

Lúc đường đắt giá các doanh nghiệp tranh mua nguyên liệu, ngược lại thì bỏ rơi nông dân. Trong khi đó, dù đã ký hợp đồng bán mía cho doanh nghiệp, nhưng khi mía nguyên liệu tăng nông dân cũng sẵn sàng phá vỡ hợp đồng để bán với giá cao hơn...


Câu chuyện này đã được nói nhiều, nhưng tình hình chưa được cải thiện là bao, bởi doanh nghiệp và nông dân luôn đưa ra cái lý để giành quyền lợi nhiều hơn về mình.

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguyên liệu bền vững các giải pháp cần hướng mạnh vào cải thiện mối quan hệ giữa người trồng mía và doanh nghiệp sao cho bền chặt hơn.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thường xuyên đề nghị doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, để giữ giá thu mua mía nguyên liệu ổn định cho dân theo hướng ít nhất người trồng mía phải có lãi 30% thì mới giữ được vùng nguyên liệu”, ông Lê Xuân nói.


Tuy nhiên Nhà nước không thể ép doanh nghiệp và nông dân phải gắn kết chặt với nhau, mà nó phải xuất phát từ nhu cầu bức bách của hai bên.

Theo chiến lược trên, đến năm 2010, cả nước có 300.000ha trồng mía, trong đó 250.000ha trồng tập trung với năng suất 65 tấn/ha. Khi đó sẽ giải được bài toán thiếu nguyên liệu mía cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này lại phụ thuộc nhiều vào mức độ cải thiện sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân vốn còn nhiều lỏng lẻo hiện nay.



Nguồn: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường