Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), chua chát: “Từ giữa tháng 3-2011 giá đường giảm liên tục đến nay còn 17.000- 18.000 đồng/kg, trong khi các khoản chi phí đầu vào tăng cao đẩy nhà máy lâm vào cảnh khốn đốn”.
Giá giảm đã đành nhưng ngặt nỗi kêu bán không ai mua, khiến lượng đường tồn kho ngày càng lớn. Dù Casuco đã cố xoay trở nhiều cách nhưng đến nay 2 nhà máy của công ty là Phụng Hiệp và Vị Thanh vẫn còn tồn trên 21.000 tấn.
“Mỗi ngày chúng tôi cần 8 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu, tính ra một tháng riêng tiền mua mía trên 240 tỷ đồng. Số tiền lớn nhưng đường không bán được khiến công ty như ngồi trên lửa” - ông Ngoan than.
Đồng cảnh ngộ, Nhà máy đường Hiệp Hòa đến nay còn 7.800 tấn chưa bán được. Tại miền Đông Nam bộ, Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh cũng rối bời như canh hẹ. Từ tháng 11-2010 đến giữa tháng 3-2011 đã sản xuất 76.000 tấn đường nhưng chỉ tiêu thụ được 26.000 tấn, hiện tồn kho trên 50.000 tấn.
Ở khu vực miền Trung-Tây nguyên, Nhà máy đường Khánh Hòa sản xuất 30.000 tấn đường, chỉ bán được 1.000 tấn, tồn kho 29.000 tấn; Nhà máy đường Ninh Hòa tồn kho đến 15.000 tấn. Tại miền Bắc tình hình cũng tương tự. Nhà máy đường Việt-Đài tồn kho 30.500 tấn; Nhà máy đường Lam Sơn tồn kho trên 51.000 tấn…
|
Nhà máy đường Vị Thanh đang cần 4 tỷ đồng/ngày để mua mía nguyên liệu. |
Còn nhớ vào thời điểm quý 3-2010, giá đường trên thị trường liên tục nhảy vọt, có lúc bán lẻ đến 24.000 - 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây giá đường lại đổi chiều giảm mạnh và bán chẳng được.
Giải thích việc này, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: “Nguyên nhân khiến giá đường giảm là do lúc đầu ngành chức năng dự báo sai về lượng đường thế giới giảm do mất mùa nhưng thực tế lại tăng khoảng 1 triệu tấn, hiện giá đường thế giới tuột dốc, cộng với đường Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam đã tác động đến giá đường nội. Song song đó, Bộ Công thương cấp phép cho các doanh nghiệp chế biến nhập 250.000 tấn đường ngay thời điểm trong nước đang sản xuất cao điểm đã góp phần làm giá đường sụt giảm.
Ngoài ra, vụ mía năm nay trúng mùa, sản lượng đường tăng 150.000 - 200.000 tấn so kế hoạch, dẫn đến nguồn cung dồi dào. Ngoài ra, do lãi suất cao, các doanh nghiệp quay lưng với nhà máy đường bằng cách không chịu mua đường dự trữ mà chỉ mua “nhỏ giọt”, bán đến đâu - mua đến đó. Thế là các nhà máy đường rơi vào thế kẹt buộc phải “ôm hàng tồn kho” một cách miễn cưỡng. Nhà máy nào có lượng đường tồn kho càng nhiều càng bất lợi bởi tốn kém hàng loạt chi phí như: lưu kho, hao hụt, giảm phẩm chất, chịu lãi ngân hàng…
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà máy đường đang khát vốn trầm trọng. Vụ mía còn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4, riêng khu vực miền Trung-Tây nguyên đến cuối tháng 5 mới kết thúc.
Trước tình hình trên, hiệp hội đề nghị các ngân hàng và ngành chức năng khẩn cấp cung ứng vốn lãi suất thấp để các nhà máy tiếp tục trữ hàng - bán chậm; xem xét vốn ưu tiên cho sản xuất mà Chính phủ chỉ đạo theo Nghị quyết 11 nhưng đến nay doanh nghiệp mía đường chưa tiếp cận được.
Mặt khác, hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp quay lại mua đường cho nhà máy nhằm giảm áp lực tồn kho hoặc ứng tiền trước và nhà máy sẽ chịu lãi suất cho doanh nghiệp.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, niên vụ mía đường 2010 - 2011 đạt 1,1 triệu tấn, cộng với lượng đường nhập lậu… cơ bản đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước. Trước mắt, các nhà máy còn tồn gần 400.000 tấn chưa biết giải quyết ra sao.
Vì vậy, hiệp hội đề nghị Bộ Công thương xem xét tạm ngưng cho nhập khẩu đường đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng chưa nhập, nhằm hạn chế lượng đường quá thừa trên thị trường. Thậm chí nên rút bớt quota nhập đường lại càng nhiều càng tốt để cứu nông dân trồng mía.