Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Khuyến góp thêm câu chuyện, Hải Dương đã có tới gần 5.500 lao động thất nghiệp. Không nhiều DN mặn mà với khoản vay hỗ trợ 4% lãi suất do hầu hết làm hàng xuất khẩu, không thể xoay xở kịp khi quay về thị trường nội địa. DN đi vay chủ yếu để đảo nợ chứ không đưa vào sản xuất.
"Như con ếch đã chui vào giỏ, nhảy ra, chúng ta lại bắt vào. Tính ra có vẻ lớn nhưng đồng tiền không được đưa vào sản xuất", ông Khuyến nói.
Vị lãnh đạo của Hải Dương cũng than thở, các DNNN được ưu ái là thế, nhưng hãy nhìn KCN do Vinashin đầu tư, nay cũng "vắng như chùa Bà Đanh". Trong số 18 dự án sẽ triển khai ở Hải Dương, đến nay chỉ còn 5 dự án xin được làm tiếp.
Câu chuyện của bà Adams và dẫn chứng của Bí thư Hải Dương gợi mở cho những tranh luận thẳng thắn đánh giá hiệu quả thực chất của gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất.
Hàng loạt vấn đề nóng được các chuyên gia kinh tế mổ xẻ, tranh luận với những dẫn chứng và con số khác nhau. Đâu là phản ứng phụ từ các chính sách vừa qua? Định hướng ưu tiên của Chính phủ sắp tới là "cấp cứu" nền kinh tế hay cải cách cơ cấu? Lựa chọn chính sách nào cho Việt Nam để thoát khỏi khủng hoảng ngay năm nay khi kinh tế thế giới còn bất định? Kiểm soát đường đi của dòng tiền như thế nào?
Tăng trưởng chữ U, W hay L?
Trong khi ông Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế Chính trị thế giới) có chung nhận định lạc quan với một số tổ chức quốc tế có văn phòng tại Việt Nam là "máu đã cầm, tất cả đang hồng hào trở lại", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cảnh báo, kinh tế thế giới 2009 vẫn ảm đạm. Chưa thể tiên lượng khả năng hồi phục sẽ đi theo hình chữ W, U hay L.
Giữa lúc đáy của kinh tế thế giới liên tục biến động thì còn quá sớm để Việt Nam lạc quan "thừa thắng xông lên", tin tưởng vào khả năng thoát khỏi khủng hoảng ngay năm nay.
Thực tế, các dấu hiệu suy giảm tăng trưởng của quý I đã lộ rõ ở tỷ trọng GDP thấp, 20% DN "hết hơi" và 60% gặp khó khăn. Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên đặt dấu hỏi, liệu VN đã đến đáy chưa khi nhập khẩu giảm 45%, khi kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi và các thị trường xuất khẩu chủ lực còn chưa chạm đáy?
Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Cao Sĩ Kiêm cho rằng, Việt Nam có thể ra khỏi khủng hoảng năm nay, nếu hai gói kích cầu vừa rồi được làm đúng, trúng, đủ liều lượng và chuyển biến sớm.
Susan J.Adams: "Ở Việt Nam, kích thích về tài khóa nhanh, mạnh hơn còn kích thích về tài chính không rõ ràng". |
"Nhưng ngay cả khi ban hành gói kích cầu lần 1 mà nhiều DN vẫn không tiếp cận được thủ tục và điều kiện. Gói kích cầu thứ nhất chưa đủ liều, chưa thấm vào đâu và đang ngày càng lúng túng và khó khăn, bù lãi suất lớn, đảo nợ được bao nhiêu?", ông Kiêm nói.
Con số mà TS Nguyễn Quang A đưa ra là tỷ lệ đảo nợ không dưới 70%, tăng trưởng tín dụng 2%, không đáng là bao.
TS Vũ Thành Tự Anh đặt dấu hỏi, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 3/4, tính chung tất cả các khoản giải ngân như số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất (202.131 tỷ đồng), thì dư nợ tín dụng phải là 16% nhưng thực tế chỉ tăng 2,67%, vậy số còn lại đi đâu?
"Hiển nhiên là quay trở lại ngân hàng. Cuối cùng lại không kích cầu, mà kích cung. Đây là một sai lầm lớn về chính sách”, ông Tự Anh khuyến cáo.
"Hà hơi" cho DN hấp hối sẽ cản trở tái cấu trúc nền kinh tế
Xuất phát từ những lo ngại này, TS Vũ Thành Tự Anh đề xuất, nên hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ chung cho nền kinh tế thay vì tiếp tục hỗ trợ 4% lãi suất. Vì điều này đang tạo ra khe hở cho nhiều người lợi dụng và lập lờ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
"Tôi không cho rằng nên hạ lãi suất cơ bản thay cho hỗ trợ 4% lãi suất", TS Nguyễn Đức Thành tranh luận. Vì tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất sẽ thu hút tiền gửi, đồng thời vẫn cho vay được với lãi suất thấp.
Những quan ngại về hiệu quả thực chất của gói hỗ trợ lãi suất đã dẫn đến âu lo về việc gói kích cầu lần 2 cấp bù lãi suất trong 24 tháng sẽ chỉ để giúp tình hình làm ăn của các tập đoàn kinh tế và DNNN đẹp lên và giúp cho một số DN kéo dài thời hạn lay lắt, hấp hối. Điều này sẽ cản trở tốc độ tái cấu trúc nền kinh tế - mục tiêu đang được đặt ra như một cơ hội cho Việt Nam trong khủng hoảng.
Nhiều con số về tình trạng cầm chừng của DN nhỏ và vừa đã cho thấy cuộc “đại thanh lọc” để tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ kỳ vọng đã không đạt mong muốn.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TƯ Đinh Văn Ân, đã có tiêu cực trong triển khai hỗ trợ lãi suất vì những thỏa thuận riêng giữa ngân hàng và DN.
Nếu khủng hoảng là cơ hội để chấp nhận những đổ vỡ lành mạnh, những DN thoi thóp nên chấp nhận giải thể thì thực tế, lại vẫn đang được hà hơi tiếp sức. "Sẽ sai lầm nếu nâng đỡ để các DN này tiếp tục thoi thóp. Chính sách 4% đã chỉ giúp cho nhiều DN đang "chết lâm sàng" được kéo dài thêm thời gian", ông Ân cảnh báo.
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội VN Nguyễn Xuân Thắng, có vẻ như VN đang mắc vào một tình huống chung của thế giới là chú trọng giải pháp tình thế, cấp cứu mà chưa tính hết các kịch bản, kể cả xấu nhất. Đặc biệt là khả năng sẵn sàng cho đột phá tăng trưởng và phát triển.