Thất thoát hàng trăm tỷ đồng do thiếu máy móc thu hoạch
Huyện Mỹ Đức là đơn vị dẫn đầu thành phố Hà Nội về phong trào trồng đậu tương vụ Đông. Bà Lê Thị Kim Thúy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho rằng, trước đây, để gieo được 5 sào đậu tương, người dân phải mất cả chục ngày mới xong. Nhưng giờ đây thì đã khác, với sự ra đời của chiếc máy gieo đậu tương, công việc đã đơn giản đi rất nhiều. Máy có thể gieo hạt đều, đúng quy cách, trong khoảng 3 giờ gieo được 1ha. Ngoài ra, máy còn được gắn lưỡi phay gốc rạ để gieo hạt đến đâu cắt rạ đến đấy, tác dụng phủ kín hạt giống, tăng tỷ lệ nẩy mầm. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cũng là một trong những điều kiện để nông dân nơi đây tận dụng hết diện tích sau thu hoạch lúa vào gieo trồng vụ Đông.
Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa được phổ biến. Ở hầu hết các địa phương, nông dân vẫn sản xuất với cái cày, cái cuốc là chính, tỷ lệ cơ giới hóa hết sức nhỏ so với tổng diện tích. Theo Bộ NN&PTNT, ở nước ta việc trang bị động lực bình quân chỉ đạt 0,57 mã lực/ha đất canh tác, trong đó máy tự chế không qua đăng kiểm chiếm tới 10%. Cơ khí hóa mới chỉ tập trung ở khâu bơm tưới, làm đất, tuốt đập và xay xát lúa, gạo. Đến nay, mức độ bình quân cơ khí hóa làm đất trồng lúa và màu đạt 72%; cây trồng cạn khác (lạc, đậu, mía) 23%; tưới lúa 84%; phun thuốc trừ sâu bằng máy 6%; vận chuyển vật tư, sản phẩm 66%; xay xát lúa gạo 90%... Còn theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ước tính mỗi năm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL mất 3.200 - 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch, chiếm gần 12% tổng sản lượng.
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020. Theo đó, thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp thuộc chương trình cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng được 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí cả nước. Ngoài ra, Chính phủ còn cho phép các tỉnh, thành phố hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng ngân sách của địa phương. |
Ứng dụng còn gặp khó khăn
Một trong những nguyên nhân khiến việc cơ khí hóa nông nghiệp gặp nhiều khó khăn là do nguồn máy móc sản xuất trong nước còn hạn chế về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả chưa hợp lý. Hiện nay cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp và thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể: người nuôi tôm mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 - 10 mã lực, trong khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ đạt khoảng 25.000 máy. Máy nhập khẩu nhiều nhưng phần lớn là hàng đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc, làm ảnh hưởng đến sản xuất cơ khí trong nước, môi trường cạnh tranh và quá trình vận hành của nông dân, nhất là khâu bảo dưỡng, thay thế phụ tùng... Diện tích từng hộ quá nhỏ hẹp cũng là một trở ngại lớn cho cơ giới hóa. Một nguyên nhân nữa do quá trình đưa máy vào đồng ruộng còn bởi giá thành đầu tư cao. Vì thế, dù có chính sách cho vay 70% số vốn mua máy và hỗ trợ lãi suất nhưng nông dân cũng rất vất vả khi xoay sở 30% vốn còn lại.
Cần định hướng đúng, phù hợp
Theo các chuyên gia Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, vấn đề quan trọng hiện nay là phải xác định cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đường lối, chính sách và quy hoạch đối với từng lĩnh vực cơ giới hóa. Cơ giới hóa nông nghiệp chỉ có thể phát triển đúng hướng, vững chắc và hiệu quả khi có định hướng đúng với đầy đủ cơ sở thực tiễn khoa học. Do đó cần tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa thị trường và sản phẩm để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất. Các nhà khoa học cần bám sát nhu cầu thực tế, tổ chức lại việc nghiên cứu và sản xuất máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp, thiết bị công nghệ cao; xây dựng mô hình thí điểm và mở rộng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Hoạt động nghiên cứu phải gắn với các doanh nghiệp và đẩy mạnh nghiên cứu theo đơn đặt hàng... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Cơ giới hóa không thể trở nên phổ biến nếu không đẩy nhanh dồn điền đổi thửa. Không để nông dân "tự bơi" mà cần có sự phối hợp của nhiều địa phương, ban, ngành trong phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước xuất khẩu; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, đặc biệt là những nông dân hăng say nghiên cứu tham gia chế tạo thiết bị máy móc một cách có tổ chức...