Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích cầu toàn diện cho nông dân, nông nghiệp
09 | 04 | 2009
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ các đề án, gói kích cầu nhằm phát triển tổng thể nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổng số tiền kích cầu lên đến cả tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNT, giá sản phẩm công nghiệp đang giảm mạnh, nhất là hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp (như phân bón, vật tư nông nghiệp, máy kéo, máy gặt đập, máy phơi sấy, xi măng, sắt thép...).

Trên cơ sở đó, Bộ kiến nghị Chính phủ tập trung hỗ trợ lãi suất cho vay hoặc cho ứng trước vật tư đầu vào; hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy nông nghiệp như máy làm đất, máy gieo cấy.

Đối với các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, hợp tác xã, Bộ kiến nghị hỗ trợ 30-50 phần trăm lãi suất tín dụng cho vay để đầu tư con giống, cải tạo, nâng cấp chuồng trại; hỗ trợ tiền mua hoặc cấp vaccine phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi.

Đối với các hộ nuôi trồng thủy sản có sử dụng thức ăn công nghiệp, Bộ đề xuất được hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng của đơn vị sản xuất thức ăn để tăng lãi thực tế cho hộ nuôi; hỗ trợ các hộ đóng lồng mới để nuôi thủy sản trên biển, hải đảo với mức 500.000 - 2.000.000 đồng/lồng nuôi…

Ông Bùi Tất Tiếp - Phó Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhiều nước (như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc...) đã triển khai gói kích cầu nông nghiệp bằng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như phát phiếu gạo, phiếu ăn cho hộ nghèo; trợ cấp trực tiếp cho người thất nghiệp, sinh viên; bù lương cho công nhân mất việc, giảm việc...

Đối với Việt Nam, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ tăng cường hỗ trợ: các vùng trọng điểm (nhất là 61 huyện nghèo); lao động thất nghiệp về quê; các đối tượng nghèo, chính sách; chi mua lương thực, thực phẩm...

Cũng theo ông Tiếp, lúa gạo được xem là mặt hàng ưu tiên hỗ trợ hàng đầu, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và giúp người trồng lúa có lãi.

Kích cầu dài hơi

Đối với việc kích thích sản xuất, mỗi hécta sản xuất lúa Thu - Đông (lúa vụ 3) ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hỗ trợ một triệu đồng; tại miền Bắc, hỗ trợ một triệu đồng/hécta vụ Đông. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ cấp hàng nghìn tỷ đồng mua tạm trữ hai mặt hàng tồn kho lớn là cà phê nhân và mủ cao su.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ trực tiếp ngắn hạn, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị các giải pháp kích cầu dài hơi, đảm bảo phát triển tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) bền vững, với mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bộ kiến nghị tập trung đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học; hạ tầng cơ sở cho tam nông theo các chương trình đã được Nhà nước phê duyệt như nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều, kiên cố hoá kênh mương; xây dựng hạ tầng ngành thủy sản. Đào tạo nghề cho nông dân...

Bộ NN&PTNT cũng đang kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hệ thống thủy lợi, đê điều; nâng kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn từ 4.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng ngay trong năm 2009.

Mới đây, Bộ Công Thương trình đề án hỗ trợ nông nghiệp khoảng một tỷ USD, trong đó chú trọng kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng trong nước ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp, phân bón và hàng hóa tiêu dùng.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường