Nuôi cá: Đã không còn thua lỗ
Gói kích cầu của Chính phủ trị giá 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng) được triển khai đúng vào cao điểm thu hoạch và tiêu thụ lúa đông-xuân ở ĐBSCL. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua lúa gạo ở ĐBSCL không còn cảnh “khát vốn” khi nông dân vào cao điểm thu hoạch lúa đông-xuân như năm ngoái.
Đại diện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở Cần Thơ như Công ty Mekong Cần Thơ, Công ty Lương thực Sông Hậu… cùng cho rằng: “Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp được cung đủ vốn với lãi suất ưu đãi nên việc thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thuận lợi hơn.
Ông Hà Hồng Ngọc, giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Cần Thơ nhận định: Dư nợ trên địa bàn đang tăng. Điều đó cho thấy, sản xuất có chuyển biến, dấu hiệu kinh tế sẽ phát triển nhiều hơn trong thời gian tới. Quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng trên địa bàn có chiều hướng tích cực. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Cần Thơ tháng 1-2009 đạt khoảng 21.300 tỷ đồng; đến tháng 2, con số này đạt 21.800 tỷ đồng và 22.600 tỷ đồng trong tháng 3-2009. Tổng hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp được các ngân hàng giải quyết từ 83% ở những tháng cuối năm 2008 nay đã tăng lên 92%. Hầu hết doanh nghiệp đã tìm cách trả nợ cũ và vay lại với lãi suất mới.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phấn khởi cho biết: Những người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã vượt qua giai đoạn thua lỗ và đang bước vào giai đoạn có lời. Hiện tại, các doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu với giá từ 15.000 - 16.500 đồng/kg; những người nuôi cá tra đạt năng suất cao có mức lời từ 1.000 - 1.200 đồng/kg.
Theo ông Hải, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt được mức lợi nhuận trên do sự cộng hưởng từ nhiều chính sách. Nhiều xã viên của HTX được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT của địa phương. Mặt khác, các xã viên HTX được doanh nghiệp bao tiêu cá chia sẻ trách nhiệm bằng cách cung cấp thức ăn thủy sản với giá “mềm” hơn giá thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo ông Hải, để được hưởng lợi từ những chính sách trên thì người chăn nuôi phải liên kết trong các HTX, tổ hợp tác hoặc chăn nuôi theo quy mô trang trại. Riêng các hộ nuôi đơn lẻ với quy mô nhỏ, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ trên.
Cần linh động đảo nợ
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết: Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều mong muốn được vay vốn có hỗ trợ 4% lãi suất để khép kín quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản, nuôi cá tra, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã vay vốn vượt định mức tín dụng nên khó tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Do tác động của suy giảm kinh tế, hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất. Tại ĐBSCL, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, các nhà máy chế biến chạy cầm chừng 30%-50% diễn ra trong nhiều tháng qua làm cho không ít doanh nghiệp chồng chất khó khăn! Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản (chế biến và xuất khẩu tôm) đều “nợ” ngân hàng, sản xuất đang gặp khó khăn, nên khó “trả nợ” cũ!
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm SAOTA (FIMEX VN), cho rằng: “Phía ngân hàng cần phải linh động thực hiện hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cụ thể, phía ngân hàng cần phải linh hoạt xem xét khái niệm đảo nợ. Thực tế, doanh nghiệp nào rơi vào “nợ xấu” và “nợ thường” ngân hàng thừa biết! Vì vậy, không nên quá cứng nhắc đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ lãi suất để “vượt cạn”!
Gói kích cầu của chính phủ hiện nay như “cú hích” tiếp sức cho doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với quá trình này, phía ngân hàng cũng nên thực hiện lộ trình nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất để kích cầu đầu tư cho sản xuất. Khó có một giải pháp toàn diện cho tất cả doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự thân nỗ lực vượt qua khó khăn!