Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp có thể là chỗ dựa cho kinh tế thời khủng hoảng
09 | 03 | 2009
Bất chấp việc mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra báo cáo đánh giá VN là một trong 26 quốc gia có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng kinh tế, chuyên gia kinh tế LÊ ĐĂNG DOANH vẫn cho rằng VN có những yếu tố tích cực có khả năng khắc phục được tác động.
 Nghiên cứu của nhóm tác giả từ IMF nhắc tương đối đậm tới VN, điều đó nhắc nhở chúng ta là thế giới chưa công nhận VN là nước có thu nhập trung bình (trên 986 USD/người/năm) dù năm ngoái chúng ta đã công bố là trên 1.000 USD. IMF cũng đánh giá chúng ta là một nền kinh tế dễ bị tổn thương và đang bị tác động mạnh. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc vấn đề này nhưng không nhất thiết đồng ý với mọi phân tích.

* Vậy đâu là điểm ông không đồng ý?

- Các tác giả của báo cáo không nhìn thấy kinh tế VN đang có các yếu tố tích cực mà nếu phát huy tốt thì VN có khả năng khắc phục được các tác động có thực và không thể xem thường của khủng hoảng.

* Yếu tố tích cực đó là gì, thưa ông?

- Đó là việc VN có nền nông nghiệp bảo đảm được an ninh lương thực và xuất khẩu. Tuy giá các mặt hàng xuất khẩu giảm, nhưng vẫn duy trì vì gạo, cà phê, cá… thì cho dù nước nhập có giảm để tiết kiệm nhưng không thể ngừng nhập. Đây là điểm đầu tiên khiến tôi nghĩ kinh tế VN năm nay sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ở khoảng 5%. Thứ hai, VN vẫn có những mặt hàng khác tiếp tục xuất khẩu được như dầu lửa, than đá, nông lâm, thủy sản, dệt may, da giày…

* Tại sao ông nghĩ nông nghiệp có thể là chỗ dựa cho kinh tế VN vào lúc này?

- Tôi nghĩ rằng tương tự như khi chúng ta thực hiện đổi mới, nền nông nghiệp VN bây giờ vẫn là chỗ dựa vững chắc, cứu được nền kinh tế chúng ta trước các hiểm nghèo khác. Khác với Singapore, họ phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài và không có nông nghiệp. Tôi tin kinh tế-xã hội có thể tiếp tục giữ ổn định và tăng trưởng nếu đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, hỗ trợ thích đáng cho nông dân và giải quyết các vướng mắc về đầu ra, bảo vệ môi trường, để làm sao, cũng như lúc đổi mới, người nông dân được lợi.

Nghiên cứu không nói đến đặc trưng quốc gia của VN, đó là nông nghiệp. Số người dân ở nông thôn và làm việc trong nông nghiệp còn lớn. Tỉ trọng của lương thực thực phẩm trong tổng quỹ tiêu dùng của người VN tương đối cao.

Lúc này còn quá sớm để lạc quan về tình hình kinh tế. Tuy có một số tín hiệu cục bộ nhưng lúc này chúng ta cần tỉnh táo, cầu thị và đẩy mạnh cải cách có hiệu quả. Không có lý do gì để tự hài lòng với những gì đã đạt được, đánh giá thấp các nguy cơ mà báo cáo IMF đưa ra.

* Vậy theo ông, cần làm gì cho nông nghiệp VN?

- Lợi ích cần được phân chia một cách công bằng hơn với người nông dân. Hiện nay người nông dân bán lúa giá rẻ, mua gạo giá đắt. Khâu phân phối được hưởng lợi nhiều hơn lợi ích của người nông dân.

Tôi nghĩ chúng ta phải giúp đỡ người nông dân, một mặt là như Bộ NN&PTNN đang làm, đó là khuyến nông, cấp tín dụng, vận dụng khoa học công nghệ; mặt khác phải kết hợp cải cách hệ thống phân phối và xuất khẩu để chia sẻ lợi ích nhiều hơn cho nông dân. Cũng phải tránh những trường hợp đã xảy ra là công ty xuất khẩu đi ký hợp đồng với giá bị hớ và bây giờ thua lỗ một cách oan uổng, không cần thiết.

Thêm nữa, phải đầu tư tốt hơn nữa cho kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Ví dụ như kho chứa thóc, bến bãi, phương tiện vận chuyển là rất cần thiết. Đồng thời cần khuyến khích, thu hút đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp. Mới đây có những DN gặp khó khăn về thủy sản, họ đầu tư sang xuất khẩu cây gừng, quả ớt, rau thơm. Tôi thấy chẳng hạn người Nhật ăn sushi lúc nào cũng có lá húng, tức là cần đưa người nhập khẩu tiếp cận với hàng nông nghiệp của ta.

Có thể làm như Trung Quốc, đó là xây nhà kính và để người nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu. Như thế đảm bảo sản phẩm sạch và đạt chất lượng. Ngoài ra cần đầu tư thêm vào công nghiệp chế biến. Không chỉ dừng ở tôm đông lạnh mà làm cả tôm bao bột. Không chỉ xuất hạt gạo mà cả bánh đa nem, mì ăn liền, bánh phở khô. Không chỉ xuất cà phê hạt mà hợp tác với các hãng lớn để làm cà phê hòa tan…

Việc đưa nền nông nghiệp VN hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu là cần thiết. Muốn làm được như vậy thì phải khắc phục nền nông nghiệp manh mún hiện nay, thuyết phục được người nông dân tham gia các hiệp hội ngành nghề từ việc trồng lúa, trồng bưởi Năm Roi để có sản lượng có giá trị thương mại và chuyên môn hóa cao hơn.

* Nghiên cứu cho rằng 26 nước này có thể cần ít nhất 25 tỉ USD trong năm 2009 để chống đỡ suy thoái. Liệu đã đến lúc VN thật sự cần trợ giúp vốn từ IMF?

- VN khác với các nước châu Phi cận Sahara ở chỗ có ổn định chính trị và xã hội, thêm nữa là VN có kinh nghiệm cải cách. IMF không nêu lên mặt này. Cách đây 10 năm, khi xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực, VN đã cải cách và phát huy nội lực rất tốt, như ban hành Luật doanh nghiệp 1999, bãi bỏ 186 giấy phép và tạo bước phát triển ngoạn mục.

Nhu cầu cần vốn là có thật, nhưng VN chưa cần vốn từ IMF. Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tuần trước ở Hua Hin, ASEAN đã lập ra quỹ bình ổn 120 tỉ USD. Tôi cho là VN có khả năng vượt qua được tình huống này, tất nhiên phải đi kèm với cải cách có hiệu quả.

* Nhìn chung, ông đánh giá thế nào về nghiên cứu này?

- Đây là thông tin đáng tham khảo và là lời cảnh báo đáng trân trọng. Tôi đồng ý với những điểm khác mà nghiên cứu đề cập như tiếp tục cải cách giải ngân FDI, cán cân thanh toán quốc tế, cán cân thương mại. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ đang gặp khó khăn lớn thì nông nghiệp trở thành chỗ dựa vững chắc. Phải chớp thời cơ này để hiện đại hóa nền nông nghiệp của mình.

TS Lê Đăng Doanh: Gói kích cầu cần đậm nét hơn về nguồn nhân lực

“Vấn đề ở đây là phải gắn các biện pháp kích cầu với cải cách về mặt hành chính và thủ tục đầu tư, chống tham nhũng hiệu quả, nâng cao hiệu quả DNNN, nhất là khối tập đoàn. Trong gói kích cầu của Trung Quốc, tỉ lệ an sinh xã hội rất được coi trọng. Họ chú ý một cách đậm nét đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong gói của Mỹ, họ chú ý nhiều tới yếu tố phát huy nguồn nhận lực: xây trường, hiện đại hóa việc giảng dạy từ trường phổ thông tới đại học.

Đó là hai kinh nghiệm rất đáng chú ý với chúng ta. Gói kích cầu của ta cần đậm nét hơn nữa về nguồn nhân lực, hiện đại hóa và phát triển giáo dục, cân nhắc miễn giảm học phí cho những đối tượng nghèo và gặp khó khăn. Nên cân nhắc những biện pháp thiết thực để chặn đứng đà học sinh bỏ học, đưa những em bỏ học quay lại nhà trường với sự giúp đỡ của nhà nước và cộng đồng. Cần sự công khai minh bạch ngay từ đầu và đảm bảo gói phải có hiệu quả để từng đồng tiền thuế của dân đến đúng đối tượng”.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường