Theo báo cáo thường niên Nông nghiệp Việt Nam 2008 và triển vọng 2009 của Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), trong hai kịch bản đưa ra cho năm 2009 có kịch bản thứ hai khá trùng khớp với mục tiêu mà Chính phủ đưa ra (tăng trưởng khu vực nông nghiệp là 2,8%). Có nhiều khả năng kịch bản 2 khó trở thành hiện thực, trong khi kịch bản 1 với mức tăng trưởng khoảng 2,3% khả thi hơn (xem bảng ở cuôic bài).
Những nhận định chính để đưa ra kịch bản 1 như sau:
- Mục tiêu của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 đạt 6,5%. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, mục tiêu này khó đạt được trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á đều đưa ra mức dự báo 5% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009. Thậm chí một số tổ chức còn đưa ra những con số bi quan hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009 (EIU đưa ra mức 4,2%)
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2008 bằng 79% GDP của khu vực này. Nhưng năm nay, xuất khẩu sẽ rất khó khăn do khủng hoảng tài chính khiến nhiều ngân hàng trên thế giới thắt chặt tín dụng, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng của Việt Nam.
Giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã giảm mạnh trong khi lượng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Tính đến tháng 12-2008, giá gạo đã giảm khoảng 58%, giá cà phê giảm khoảng 37%, giá hạt tiêu giảm khoảng 20%, giá cao su giảm 60% so với mức giá đỉnh điểm.
Giá xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản năm 2009 sẽ khó có thể tăng trở lại bằng mức của năm 2008 do nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đã, đang và sẽ đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước (xem biểu đồ). - Năng lực sản xuất của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, gỗ, cà phê, cao su... đã đến ngưỡng do đó khó có khả năng tăng cao về lượng và khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao như năm 2008 do xu hướng thị trường quốc tế suy giảm.
Ngoài ra, khi bối cảnh kinh tế được dự báo diễn biến xấu hơn sẽ không khuyến khích người sản xuất tăng mức đầu tư. Mặt khác, sản xuất nông sản có tính mùa vụ trong khi tại Việt Nam vấn đề dự trữ, bảo quản và chế biến còn nhiều yếu kém. Do vậy, tình trạng được mùa nhưng rớt giá vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.
- Việc xuất khẩu ra nước ngoài hạn chế sẽ kích thích chủ trương hướng vào thị trường nội địa. Nhưng với tư cách thành viên WTO, nhiều cam kết thương mại bắt đầu được thực hiện, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, nhất là với các mặt hàng nông sản trong nước.
- Thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn thường trực, đe dọa đến sản xuất của khu vực nông lâm ngư nghiệp. Ngay đầu năm 2009, những cơn mưa trái mùa ở vùng Đông Nam bộ đã làm hỏng hàng ngàn héc ta bắp giống của vùng này, có khả năng gây nên tình trạng thiếu giống cho năm 2009. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên gia súc gia cầm vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ bùng phát trên diện rộng vẫn có thể xảy ra như năm 2008.
Cũng theo dự báo của AGROINFO, giá trị sản xuất khu vực nông lâm thủy sản năm 2009 sẽ tăng 4,7% so với năm 2008, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng của năm 2008 (tăng 5,6%). Trong đó, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tăng 4,9%, ngành lâm nghiệp tăng 1,2% và ngành thủy sản tăng 6,5%.
Các kịch bản tăng trưởng GDP nông nghiệp 2009 (% GDP theo giá so sánh năm 1994) |
2008 | 2009 | - |
Tăng trưởng thực tế | Kịch bản 1 | Kịch bản 2 | - |
Cả năm | 3,79 | 2,33 | 2,81 |
Q1 | 3,2 | 1,5 | 1,6 |
Q2 | - 0,3 | 2,6 | 3,2 |
Q3 | 10,6 | 2,2 | 2,6 |
Q4 | 4,8 | 2,5 | 3,0 |
Nguồn: Số liệu năm 2008 là của Tổng cục Thống kê, số liệu năm 2009 là của AGROINFO dự báo; Báo cáo Thường niên Nông nghiệp Việt Nam 2008, triển vọng 2009 |