"Không biết lấy đâu ra đất để tích tụ..."
Có một thực tế, ở ĐBSH, hầu hết những mô hình tích tụ ruộng đất từ vài ha đến vài chục ha, đều có nguồn gốc từ đất công điền do chính quyền địa phương quản lý. Ông Vũ Quang Sang - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang (Hải Dương) buồn lòng: “Dù là một huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Hải Dương, thành tựu sản xuất nông nghiệp không nhỏ, và cũng không hiếm những “nông dân tiên tiến” có vốn, có trí tuệ, có sức khoẻ, mong muốn được tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá, đủ khả năng để “thay đổi” diện mạo nông thôn, nhưng cho đến nay, các mô hình tích tụ trên địa bàn toàn huyện đều là những mô hình tích tụ từ đất công điền (đất 5%, 10%) giao cho xã quản lý mà ra, chưa có một mô hình tích tụ nào được chuyển nhượng từ ruộng được giao cho dân. Trong khi đó, đất công điền của địa phương thì chỉ có 5-10%, lại còn được dùng vào rất nhiều việc khác nhau, vì thế, số người mong muốn tích tụ làm ăn lớn thì đếm không hết, còn số mô hình tích tụ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.”
Ông Sang cho rằng, đó là một sự vô lý. “Bởi, theo khảo sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, thì có đến 20-30% nông dân mình đã không muốn cấy ruộng nữa và đang sống bằng những nguồn thu nhập khác ngoài nông nghiệp. Họ có muốn chuyển nhượng không? Có. Nếu người nhận chuyển nhượng trả cho họ số tiền bằng với số tiền công nghiệp lấy đất trả, khoảng 38 triệu đồng/sào (giá hiện nay). Thậm chí, họ còn muốn chuyển nhượng hơn nhiều so với việc chuyển đất đó thành đất công nghiệp. Lý do đơn giản mà họ đưa ra là chuyển nhượng cho những người sản xuất nông nghiệp, thì tuổi của họ vẫn còn có thể làm thuê bằng nghề nông nghiệp, để tăng thêm thu nhập cho gia đình"- ông Sang nói.
GĐ Sở NN-PTNT Hải Dương Nguyễn Đức Dương còn cảm thấy “bất lực” hơn trong việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất. Mặc dù nhiều năm qua Hải Dương rất quyết tâm thực hiện chăn nuôi tập trung, nhưng cho đến tận thời điểm này vẫn chưa làm được một khu chăn nuôi tập trung nào.
Ông Dương bức xúc: “Vấn đề là không biết lấy đâu ra đất để làm. Đất công điền thì các xã bảo cho một số người dân tích tụ hết rồi, còn đất của dân thì không thể nhận chuyển nhượng được vì tiền đền bù và san lấp mặt bằng với tổng chi phí khoảng 1 tỉ đồng/ha. Mặt khác, vì không có quy hoạch, nên những khu vực mình muốn tích tụ tập trung thì có người có ruộng đồng ý, lại có người không đồng ý. Muốn có 10 ha, mà chỉ có 5 hộ dân không đồng ý là cũng không làm được. Ở ĐBSH, nơi nào còn quỹ đất công điền thì mới mong tích tụ được vì ở đó liền khoảnh, liền vùng, chủ đất chỉ có một, là UBND xã.”
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cũng cho hay, ở tỉnh trọng điểm lúa Thái Bình nếu thống kê chi tiết thì số hộ muốn nhượng đất cho người khác không nhỏ, nhưng tích tụ đất lại không thể diễn ra. Lý do là cả người tích tụ và người nhượng đất đều “sợ” cái mốc 2013. Nếu xã chuyển nhượng đất công điền cho dân tích tụ thì có thể ghi được là chuyển nhượng 20-30 năm. Mặc dù ghi thế là ghi bừa để lấy tiền cho ngân sách, vì xã chỉ có quyền cho thuê đất theo nhiệm kì Hội đồng nhân dân là 5 năm một.
Nhưng như thế, người tích tụ vẫn cảm thấy an tâm. Còn nếu các hộ nông dân chuyển nhượng cho nhau, thì ông xã lại không dám chứng nhận cho họ là chuyển nhượng 20-30 năm, vì cái sổ đỏ của họ chỉ ghi có thời hạn đến 2013 thôi. “Thế là cả người muốn nhượng ruộng và người muốn tích tụ đều phải… chờ đến sau 2013, hoặc làm chui lủi một cách dè dặt và nguồn lực rất lớn (khi chuyển thành vốn) của những diện tích đất dân không còn mặn mà không được phát huy", vị lãnh đạo này nói.
“Cởi” thế nào?
Nếu thể chế luật pháp của chúng ta sửa đổi quy định được như nội dung Nghị quyết TƯ7 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn là “giao đất lâu dài và ổn định cho nhân dân”, thì nông dân sẵn sàng chuyển nhượng đất cho người khác 30-50 năm. Đó là điều chắc chắn. Luật pháp và chính sách đất đai hiện nay của chúng ta chưa minh bạch, chưa rõ ràng, và những hành động lấy đất bấy lâu nay của chúng ta làm cho người nông dân, đặc biệt là nông dân ĐBSH luôn trong tình trạng sợ sệt, lo lắng, không biết mình bị lấy đất lúc nào. (TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách Chiến lược PTNN-NT) Có một thực tế hiện hữu là nông dân của chúng ta có người muốn tiếp tục làm nông nghiệp, làm lớn, nhưng lại có những người thích đi làm thuê, hoặc làm các nghề khác, vì có phải ai sinh ra ở nông thôn chỉ giỏi một nghề nông nghiệp. Điều ấy có thể cho phép chúng ta thúc đẩy tích tụ đất đai, tăng giá trị và sản lượng trong sản xuất nông nghiệp mà không ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề xã hội. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các mô hình tích tụ ruộng đất lớn rất hiệu quả. Người tích tụ có vốn, có kĩ thuật, có chế biến, có thị trường, có nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ… Họ chỉ có thiếu đất. Còn nông dân thì thiếu vốn, thiếu việc làm. Chính sách, cơ chế của ta phải để 2 nhu cầu ấy gặp nhau. (Ông Nguyễn Văn Bái, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang) |
Một chuyên gia Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNNT) cho rằng, những người làm chính sách, đặc biệt là khi chúng ta bắt tay vào xây dựng Nghị định về tích tụ đất đai thì phải hiểu dân đang bức xúc, đang cần cái gì, đang vướng cái gì, từ đó chính sách mới điều chỉnh được. Mấu chốt nhất ở đây là vấn đề thời hạn giao đất và hạn điền. Nếu hai vấn đề này “thông”, cùng với quy hoạch cứng thì nông dân không còn phải băn khoăn sợ sệt nay bị thu hồi, mai bị thu hồi nữa.Vị chuyên gia này cho rằng: “Những khảo sát của chúng tôi tại những mô hình tích tụ đất đai trồng hoa ở Lào Cai, Yên Bái cho thấy, người tích tụ trồng hoa có thị trường tốt, muốn mở ruộng và đầu tư trồng hoa kĩ thuật cao luôn “đòi” thuê đất 20-30 năm nhưng người nhượng đất lại chỉ cho họ thuê có 10 năm thôi. Nói thật, nếu đặt chúng ta vào địa vị của nông dân, chúng ta cũng có tâm lí như thế. Vì cả người nhượng đất và người nhận nhượng đất hiện nay không nhìn thấy tương lai phía trước là gì. Tôi cho rằng, nếu cứ thế này thì sản xuất nông nghiệp của ta sẽ luẩn quẩn mãi. Còn muốn “cởi” được thì thời hạn giao đất phải là vô thời hạn, hạn điền phải tăng gấp đôi hiện nay hoặc là bỏ.”
Theo một thăm dò nhỏ của chúng tôi với 20 hộ dân trên địa bàn huyện Bình Giang (Hải Dương) thì có đến 19 hộ đồng ý nhượng đất cho người khác làm nông nghiệp với thời hạn dưới 50 năm ngay lập tức nếu thay dòng chữ “thời hạn năm 2013” ghi trong sổ đỏ của họ bằng “ổn định lâu dài” (tức là vô thời hạn). Và có đến 14 người đồng ý chuyển nhượng đất ruộng của mình cho người khác từ 50 năm trở xuống nếu giá chuyển nhượng đảm bảo tăng gấp đôi so với thu nhập từ mảnh ruộng của họ hiện nay. Trong khi đó, 10 nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) được hỏi nếu được giao đất vô thời hạn thì có sẵn sàng chuyển nhượng cho người khác với giá 1 triệu đồng/năm không? Họ OK 100%.
Các chuyên gia chính sách nông nghiệp cho rằng, bản chất của vấn đề ở đây là luật và các chính sách về đất đai hiện nay không chuyển được đất thành vốn. Mà muốn ruộng đất chuyển động, hoạt động chuyển nhượng diễn ra mạnh mẽ thì đất phải chuyển được thành vốn, có vốn mới chuyển nhượng được. Còn hiện nay, nếu ruộng đất của nông dân vẫn chỉ là “tài sản để dành” thôi thì không thể chuyển nhượng, tích tụ được. Việc tích tụ ở ĐBSH chỉ diễn ra trên đất công điền là vì đất đó chả liên quan đến ai, ngân sách xã “đói” là cho tích tụ ngay.
Bà Chu Thị Hiền (Vụ Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp) cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên - Môi trường là sẽ kiến nghị sửa đổi luật về đất đai theo hướng bỏ khung giá đất, thực hiện cơ chế một giá, đấu giá đất, tăng thời hạn giao đất và chỉ giao cho một cấp là cấp huyện cho phép chuyển nhượng đất nông nghiệp sang làm nông nghiệp. Những vấn đề này cần phải được các nhà sửa Luật Đất đai, xây dựng Nghị định tích tụ đất đai đặc biệt quan tâm, vì chỉ có như vậy mới thúc đẩy tích tụ ruộng đất, đặc biệt là tại ĐBSH.